Việt Nam ngày càng ý thức chuyển đổi xanh hơn

Tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 do EuroCham Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức, diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23/10/2024 tại TP.HCM, ông Laurent Corpataux, Chuyên gia Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) cho rằng, việc tận dụng các cơ hội từ chuyển đổi xanh hoàn toàn có thể trở thành động lực phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam.

* Trước xu thế phát triển bền vững đang trở thành nhiệm vụ bắt buộc, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã thể hiện mục tiêu chuyển đổi xanh. Các nỗ lực này đã đủ sức cạnh tranh chưa, thưa ông?

- Tính bền vững không chỉ là một lựa chọn tùy hứng mà đã trở thành một mệnh lệnh kinh doanh. Những nỗ lực của các công ty Châu Âu tại Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh là những dấu hiệu rất đáng khích lệ, nhưng điều quan trọng là họ sẽ cần phải vượt xa việc chỉ tuân thủ các chứng nhận trên giấy. Việc đánh dấu đã thực hiện chuyển đổi trên giấy tờ thực sự là chưa đủ. Các công ty cần suy nghĩ về điều gì thực sự tạo ra giá trị kinh doanh và giúp họ vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh.

Tính bền vững cần có ý nghĩa, đem lại giá trị thực sự cho công cuộc kinh doanh. May mắn thay, có rất nhiều cơ hội để các công ty vượt lên dẫn đầu nếu thực sự triển khai một cách nghiêm túc. Bằng cách đưa tính bền vững vào chiến lược cốt lõi của mình, các công ty này có thể mở ra các nguồn doanh thu mới, nâng cao hiệu quả và tạo nền đảm bảo cho hoạt động của họ trong tương lai.

Theo tôi, đó là việc điều chỉnh, thích ứng các hoạt động bền vững để phù hợp với thị trường địa phương và những thách thức cụ thể của từng thị trường. Thành công nằm ở việc hiểu rõ bối cảnh đặc thù của Việt Nam và biến tính bền vững thành lợi thế cạnh tranh giúp tăng thêm giá trị hữu hình, cả về mặt môi trường và thương mại.

Ông Laurent Corpataux, Chuyên gia Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ

Ông Laurent Corpataux, Chuyên gia Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sĩ

* Theo ông, các DN Việt Nam đang ở đâu trong hành trình chuyển đổi này?

- Các DN Việt Nam ngày càng nhận thức được sự cần thiết phải chuyển đổi sang các phương thức thực hành xanh hơn và tôi tin rằng họ thực sự mong muốn làm điều đó. Nhận thức là có, nhưng điều vô cùng quan trọng hiện nay là sự hỗ trợ, cả về nguồn lực tài chính và khả năng tiếp cận các công nghệ phù hợp.

Từ kinh nghiệm làm việc và sinh sống ở Đông Nam Á trong 9 năm qua, tôi thấy nhiều DN Việt Nam đang bắt đầu nhận ra rằng tính bền vững không chỉ là việc cần làm để duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu. Nó cũng nhằm giải quyết những kỳ vọng ngày càng tăng từ người tiêu dùng địa phương và các cơ quan quản lý, những người đang yêu cầu các giải pháp xanh hơn.

Doanh nghiệp chuyển đổi xanh càng sớm thì họ càng có vị trí tốt hơn để tận dụng những cơ hội mới nổi thành nguồn vốn quý báu cho sự phát triển sau này.

Mặc dù có vẻ với nhiều DN vẫn còn đang ở những bước đi rất ban đầu, nhưng tôi thấy rằng có những DN đã rất nhanh chóng áp dụng các thực tiễn, phương pháp bền vững sẽ có được lợi thế đáng kể, cả trong nước và quốc tế. Họ thực hiện chuyển đổi càng sớm thì họ càng có vị trí tốt hơn để tận dụng những cơ hội mới nổi này thành nguồn vốn quý báu cho sự phát triển sau này.

* Thụy Sĩ đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ cho DN Việt Nam theo đuổi mục tiêu chuyển đổi xanh, tăng hiệu suất lao động và việc làm bền vững. Các chương trình liệu có khả thi không, thưa ông?

- Trong nhiều năm qua, các chương trình hỗ trợ của Thụy Sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam, không chỉ cung cấp những thông tin, tư vấn mà còn mang lại những hỗ trợ thiết thực mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể trực tiếp áp dụng. Tôi đã tận mắt chứng kiến cách các chương trình này cung cấp khả năng tiếp cận nguồn tài chính xanh, chuyển giao công nghệ và kiến thức chuyên môn có giá trị.

Ví dụ, trong nhiều thập kỷ qua Thụy Sĩ đã đi đầu trong việc thúc đẩy các vật liệu bền vững như gỗ khối trong ngành xây dựng. Với chương trình SIPPO do SECO (Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ) tài trợ, từ năm 2017 chúng tôi đã và đang nỗ lực tăng thêm giá trị cho ngành gỗ địa phương bằng cách giới thiệu, khai thác các cơ hội thị trường cho các sản phẩm có giá trị cao hơn và mở rộng phạm vi ra ngoài các lĩnh vực sản xuất, sản phẩm truyền thống như đồ nội thất.

Ngoài ngành gỗ, SIPPO và các chương trình hỗ trợ khác của SECO vào các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp, đô thị xanh, đô thị thông mình đều là những chương trình hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho các DN, với các mục tiêu chuyên sâu hướng tới bền vững đã và đang giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời đảm bảo giúp các DN Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.

* Xin cảm ơn ông!

Ý Nhi

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/viet-nam-ngay-cang-y-thuc-chuyen-doi-xanh-hon-314176.html