Việt Nam phản đối máy bay Y-20 của Trung Quốc hiện diện ở Trường Sa

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, chấm dứt ngay và không tái diễn các hoạt động vi phạm tương tự.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 23.9, trả lời báo chí về việc ngày 18.9, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cho biết đã điều vận tải cơ Y-20 đến tại đá Vành Khăn, Xubi và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để đưa binh sĩ đồn trú tại đây về đất liền, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát mọi diễn biến trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

Bà Hằng khẳng định lại, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo đó, hoạt động này của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa; vi phạm luật pháp quốc tế, trái với Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc; gia tăng quân sự hóa, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử COC tại Biển Đông hiện nay.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chấm dứt ngay và không tái diễn các hoạt động vi phạm tương tự; tôn trọng luật pháp quốc tế và những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về vấn đề trên biển, đóng góp thiết thực, tích cực và có trách nhiệm vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông”, bà Hằng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo, phóng viên cho biết vừa qua học giả Bill Hayton có đưa ra một tài liệu là một bức thư từ thời nhà Thanh. Trong đó có viết, Hoàng Sa là biển cả, không liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Tài liệu mà học giả Bill Hayton vừa đưa ra góp phần minh chứng cho điều này.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời quan điểm của Việt Nam về Hiệp định Tăng cường đối tác ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc vừa qua, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến của tình hình khu vực.

“Chúng tôi cho rằng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia và các nước có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này”, bà Hằng nêu.

Bình luận về việc Australia theo đuổi công nghệ tàu ngầm hạt nhân, bà Hằng cho hay, “quan điểm của chúng tôi là việc phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân phải phục vụ mục đích hòa bình và phát triển kinh tế xã hội của các nước cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người và môi trường”.

Bình luận về chiến lược của EU về Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được công bố ngày 16.9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đánh giá cao vai trò của Liên minh châu Âu và những đóng góp tích cực của Liên minh châu Âu cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Theo đó, trên cơ sở quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Liên minh châu Âu triển khai các khuôn khổ hợp tác mà hai bên cùng quan tâm, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy quan hệ đối tác Á – Âu, quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – EU, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với Trung Quốc về việc tham dự CPTPP

Liên quan đến việc Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một Hiệp định Thương mại tự do mở với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nền kinh tế thành viên.

Theo bà Hằng, việc Hiệp định CPTPP được các nền kinh tế khác quan tâm và mong muốn trở thành thành viên cho thấy vai trò ngày càng tăng của Hiệp định trong thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, thương mại khu vực và quốc tế.

Theo các quy định về thủ tục liên quan, các nền kinh tế muốn gia nhập cần đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định cũng như tuân thủ các quy trình, thủ tục gia nhập đối với các thành viên mới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của mình với Trung Quốc về việc tham gia hiệp định này.

Sau khi Trung Quốc tuyên bố chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP thì Đài Loan cũng có thông báo xin gia nhập Hiệp định này. Trả lời báo chí về phản hồi của Việt Nam, bà Hằng nhấn mạnh: Như tôi đã nêu ở trên, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP là một Hiệp định thương mại tự do mở. Các thành viên của CPTPP cũng đã thống nhất các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục gia nhập. Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các thành viên CPTPP khác về các đề nghị tham gia Hiệp định này.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/viet-nam-phan-doi-may-bay-y-20-cua-trung-quoc-hien-dien-o-truong-sa-172161.html