Việt Nam phản đối việc Trung Quốc điều máy bay Y-20 đến Trường Sa
'Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chấm dứt ngay và không tái diễn các hoạt động vi phạm tương tự,' theo đại diện Bộ Ngoại giao.
Tại buổi họp báo thường kỳ theo hình thức trực tuyến ngày 23/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến tình hình Biển Đông
Trong đó, phóng viên đã đề cập đến việc ngày 18/9, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cho biết đã điều vận tải cơ Y-20 tới các đá Vành Khăn, Xu Bi, và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam để đưa binh sĩ đồn trú tại đây về đất liền. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc xác nhận việc máy bay Y-20 xuất hiện ở Trường Sa.
Về vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát mọi diễn biến trên Biển Đông.
"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế", bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh hoạt động này của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trái với thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, gia tăng quân sự hóa, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chấm dứt ngay và không tái diễn các hoạt động vi phạm tương tự, tôn trọng luật pháp quốc tế và những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về vấn đề trên biển, đóng góp thiết thực, tích cực và có trách nhiệm vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trên Biển Đông", bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Máy bay Y-20 có tầm bay từ 4.500 km đến 7.500 km tùy khối lượng hàng hóa, vận tốc tối đa 918km/giờ, độ cao tối đa 13 km và trọng lượng cất cánh tối đa 200 tấn, trong đó 66 tấn là hàng hóa. Điều này có nghĩa là nó có đủ khả năng đưa quân đội Trung Quốc vươn đến hầu hết các khu vực ở châu Á, châu Âu, Alaska, Australia và Nam Phi. Nếu được bố trí tại khu vực đảo Hải Nam, Y-20 có thể bao trọn Biển Đông, một phần vùng biển phía đông Philippines kéo dài tới biển Celebes, khu vực eo biển Malacca tới biển Andaman. Còn nếu triển khai tại khu vực Đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa, tầm bay của Y-20 có thể bao trọn cả Đông Nam Á.
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc học giả người Anh Bill Hayton vừa qua đăng lên Twitter cá nhân bức ảnh một tài liệu từ thời nhà Thanh, trong đó khẳng định, Hoàng Sa không liên quan đến chủ quyền Trung Quốc; bà Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Tài liệu mà học giả Bill Hayton đưa ra vừa qua đã góp phần minh chứng cho điều này”, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.