Việt Nam sẽ đi đến thịnh vượng bằng tăng trưởng xanh và bền vững!
Hiếm có kỳ họp Quốc hội nào, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội được đưa ra thảo luận như tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra.
Bước đường mà Việt Nam phải đi: đi đến thịnh vượng bằng tăng trưởng xanh và bền vững!. Ảnh minh họa
Lý do, có lẽ vì đây là thời điểm cuối nhiệm kỳ, do vậy, đó không chỉ là đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, mà còn là của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, cũng như “chốt” Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 và chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm 2021-2020. Chứa đựng trong đó còn có kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính trung hạn, 5 năm vừa qua và chuẩn bị cho 5 năm tới.
Không những thế, tại thời điểm chúng ta chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng lần thứ XIII vào đầu năm tới, thì các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, bao gồm các báo cáo tổng kết việc thực hiện Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm, cũng như chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm tới, cũng sẽ được đưa ra thảo luận trên nghị trường Quốc hội.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã chính thức công bố và mời nhân dân đóng góp cho các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII. Hẳn nhiên, rất nhiều con số đã được nhắc tới.
Với kế hoạch 2021, mục tiêu là tăng trưởng GDP khoảng 6%, GDP bình quân đầu người 3.700 USD.
Với kế hoạch 5 năm 2021-2025, các con số được đưa ra là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đến năm 2025 đạt khoảng 45%...
Trong khi đó, với Chiến lược 10 năm 2021-2030, mục tiêu đang được dự thảo ở mức tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; đóng góp của Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%/năm...
Tất nhiên, quyết định cuối cùng còn phụ thuộc vào Quốc hội, vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bởi kế hoạch 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, dù được đưa ra Quốc hội cho ý kiến lần này, nhưng quyền quyết định sau cùng là Quốc hội khóa sau.
Đưa ra các con số để phấn đấu đạt được ở mức cao nhất, đồng thời chuẩn bị phương án để chủ động thích ứng với những biến động của tình hình là điều cần thiết và quan trọng. Chỉ khi hoạch định được các mục tiêu rõ ràng và lớn lao, thì mới nỗ lực để phấn đấu, mới nỗ lực để đưa ra giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu đó.
Nhưng các con số chưa hẳn là tất cả. Có lẽ để xây dựng các nền tảng cho thịnh vượng, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế là quan trọng nhất. Trong 5 năm, 10 năm qua, nhờ tốc độ tăng trưởng tốt (khoảng 6,8% trong giai đoạn 2016-2019), kinh tế - xã hội Việt Nam đã có bước phát triển như ngày hôm nay. Thành tựu của 35 năm Đổi mới, hơn lúc nào hết, được khẳng định một cách rõ ràng và nhất quán.
Song năm 2020, năm cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm, của Chiến lược 10 năm đã cho thấy nhiều điều. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội đất nước. Hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa bao giờ khốc liệt đến thế. Và hiện nay, miền Trung đang oằn mình gánh chịu bão lũ, thiệt hại cả về kinh tế và con người.
Đó là một phần của chuỗi các hiện tượng thời tiết cực đoan khắc nghiệt - được các nhà khoa học nhìn nhận là hệ quả của tiến trình biến đổi khí hậu và ấm nóng toàn cầu. Nhưng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng xuất phát một phần từ sự gia tăng lượng phát thải khí CO2 và các khí nhà kính khác từ hoạt động của con người, phần lớn là từ hoạt động kinh tế.
Những hệ quả mà chúng ta đang phải gánh chịu đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh rằng, phát triển xanh, phát triển bền vững là vô cùng quan trọng. Việt Nam đã có chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược tăng trưởng bền vững, nhưng việc thực hiện chiến lược đó chưa như mong đợi.
Chúng ta đang ở ngưỡng cửa của giai đoạn phát triển mới, với khát vọng thịnh vượng được nhân lên trong mỗi người Việt Nam. Song đã đến lúc cần đi sâu vào các vấn đề năng suất và hiệu quả, chú trọng đến chất lượng và giá trị thay vì số lượng, bởi còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm đằng sau các con số.
Trong Dự thảo Chiến lược 10 năm 2021-2030, các quan điểm phát triển đã được chỉ rõ. Theo đó, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu… đã được nhấn mạnh. Đó chính là bước đường mà Việt Nam phải đi: đi đến thịnh vượng bằng tăng trưởng xanh và bền vững!