Việt Nam 'soán ngôi' đầu của Trung Quốc xuất khẩu thủy sản vào Australia
Năm 2021, Việt Nam chính thức 'soán ngôi' của Trung Quốc trở thành đối tác xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào thị trường Australia.
Australia là một trong 15 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong khối RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực). Bà Nguyễn Thu Hường- Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, cho hay: Hàng năm Australia sản xuất khoảng 230.000 tấn thủy sản nhưng hơn một nửa trong số này phục vụ cho xuất khẩu. 70% nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thủy sản trong nước của Australia được nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… Năm 2021, Australia nhập khẩu hơn 800 triệu USD, tăng 15,9% so với năm trước.
“Năm 2019 Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Australia. Đến năm 2021 Việt Nam đã “soán ngôi” trở thành đối tác số 1 với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 184,4 triệu USD”, bà Nguyễn Thu Hường nói.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, RCEP đi vào thực thi đã mang lại nhiều lợi ích cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Australia. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu 35,5 triệu USD giá trị mặt hàng thủy sản vào Australia, tăng 60,3% so với cùng kỳ năm 2021. 4 tháng đầu năm, đạt 128 triệu USD, tăng 53,8%. Tôm và các loại cá là sản phẩm xuất khẩu chính.
“Việt Nam còn cơ hội mở rộng xuất khẩu thủy sản sang Australia”, bà Nguyễn Thu Hường khẳng định. Đồng thời chỉ ra nguyên nhân, hai quốc gia là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có RCEP- hiệp định có quy mô lớn nhất thế giới. Nhu cầu thủy sản của Australia tăng đáng kể trong 3 thập kỷ qua với lượng tiêu thụ 1 triệu tấn/năm, sản lượng sản xuất nội địa không đáp ứng khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản, nhất là thủy sản từ châu Á ngày càng tăng. Dân số Australia đang tăng nhanh, dự kiến đạt 40 triệu dân vào năm 2050, đồng nghĩa lượng tiêu dùng thủy sản có xu hướng tăng, hiện ở mức 15kg/người/năm.
Ngoài hệ thống cửa hàng siêu thị châu Á, nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã được bày bán tại hệ thống siêu thị bán buôn và bán lẻ của Australia.
Tuy vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu: Thuế nhập khẩu của Australia được tính trên cơ sở giá FOB (đã bao gồm cước vận tải, phí bảo hiểm). Giá trị hàng hóa nhập khẩu phải quy ra tiền đô la Australia, hải quan nước này sử dụng tỷ giá hối đoái tương ứng ở thời điểm xuất hàng.
Cùng đó, nhập khẩu thủy sản vào Australia phải đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn sinh học của Australia trong Luật an toàn sinh học năm 2015; quy định an toàn thực phẩm được quy định trong Luật kiểm soát thực phẩm nhập khẩu năm 1992; yêu cầu về nhãn mác, yêu cầu đối với chất phụ gia có trong thực phẩm… trong Luật tiêu chuẩn thực phẩm của Australia-New Zealand.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần khắc phục khó khăn do chi phí logictics tăng cao; chú ý tới tính bền vững trong khai thác thủy sản- đây là 1 trong những tiêu chí lựa chọn sản phẩm của người dân Australia.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần lưu ý về tính cạnh tranh của sản phẩm bởi ngoài Việt Nam, Australia còn nhập khẩu thủy sản từ Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, các thị trường này đang tăng cường diện tích thả nuôi để tăng quy mô xuất khẩu.
Bài toán về thương hiệu cần có lời giải hữu hiệu hơn. Nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Australia đóng gói theo mẫu và logo của nhà phân phối, chỉ có dòng chữ Made in Việt Nam, do vậy sự nhận diện thương hiệu là rất mờ nhạt.
“Thương vụ mong muốn doanh nghiệp thủy sản trong nước tích cực phối hợp cùng thực hiện nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm nhằm giới thiệu sản phẩm, tạo dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường Australia”, bà Nguyễn Thu Hường nói.
Thị trường khối RCEP có quy mô lớn nhất thế giới gồm 15 thành viên, chiếm 30% dân số thế giới và 3%GDP toàn cầu được đánh giá giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn ưu đãi thuế quan, đặc biệt là quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Ông Lê Hoàng Tài- Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nêu: Với mặt hàng thủy sản, các hiệp định thương mại tự do trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam nhưng RCEP cho phép con giống nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.
Để tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường RCEP nói chung, thị trường Australia nói riêng, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, cho rằng: Doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối; đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.
Việt Nga