Viết tiếp vụ khu đô thị không có đường đi tại Hà Nội
Sau khi cư dân Khu đô thị mới (KĐTM) Đại Kim có đơn phản ánh chuyện bị 'bít' lối đi, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo cụ thể. Theo đó, UBND quận Hoàng Mai sẽ nghiên cứu tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường quy hoạch đi qua phần diện tích đất mà Trường Đại học Thăng Long đang quản lý để khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu đô thị này và khu vực khác.
Lập dự án làm đường
Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 KĐTM Đại Kim được duyệt, tuyến đường số 4 (mặt cắt 17,5m) đi qua phần diện tích 3.236m2 đất, là diện tích đất để làm đường theo quy hoạch, nằm trong tổng diện tích 23.608m2 đất đã được UBND TP Hà Nội thu hồi, giao ĐH Thăng Long xây dựng trường từ năm 2005.
Kiểm tra của Sở TN&MT cho thấy, hiện trạng diện tích 3.236m2 đất này đã được ĐH Thăng Long hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), một phần khu đất đang được trường sử dụng làm đường đi riêng, nhưng so với quy hoạch thì tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh.
Trong khi đó, sau khi nhận bàn giao nhà từ Công ty Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) các hộ dân mua nhà ở đây té ngửa hay biết, các căn hộ đã mua không có lối đi lại vào nhà và không thể thể đi ra hướng đường vành đai 3 theo tuyến đường số 4 như Hacinco thiết kế do lối đi đang bị ĐH Thăng Long rào tôn, phong tỏa để làm đường đi riêng.
Được biết, để giải tỏa bức xúc của người dân, trên cơ sở tham mưu của Sở TN&MT, tháng 6/2019, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo giao UBND quận Hoàng Mai nghiên cứu lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường quy hoạch (Dự án) để khớp nối hạ tầng kỹ thuật KĐTM Đại Kim và khu vực.
Trong một văn bản phát đi cuối tháng 10/2019, UBND quận Hoàng Mai cũng đã xác nhận thông tin này và cho hay hiện quận này đang giao cho các phòng, ban của quận xin ý kiến từ Sở KH&ĐT hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt Dự án đi qua phần diện tích đất mà ĐH Thăng Long đang quản lý; đồng thời tham mưu cho UBND quận bố trí nguồn vốn để thực hiện Dự án.
Có dự án mới thu hồi được đất?
Cần phải nhắc lại, 3.236m2 đất đã được quy hoạch làm đường giao thông chung của thành phố để khớp nối KĐTM Đại Kim với khu vực, UBND TP Hà Nội tuy giao cho quyền quản lý nhưng tuyệt đối không cho ĐH Thăng Long xây dựng công trình. Và do phần đất quy hoạch làm đường giao thông bị cấp chồng lấn sang phần đất xây dựng nhà trường, nhưng trong quá trình quản lý UBND TP Hà Nội cũng chưa thu hồi để tách hẳn phần đất này ra khỏi quyết định cấp đất cho ĐH Thăng Long, nên mới nảy sinh tranh chấp giữa cư dân và ĐH Thăng Long như hiện nay.
Tuy UBND TP Hà Nội đã có chủ trương lập dự án, nhưng theo Sở TN&MT TP Hà Nội, về mặt quy trình, sau khi dự án mà quận Hoàng Mai được giao lập được UBND TP chấp thuận chính thức; lúc đó UBND quận Hoàng Mai có tư cách pháp nhân để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch; lập hồ sơ sử dụng đất, báo cáo Sở TN&MT thẩm định, trình UBND TP ra Quyết định thu hồi 3.236m2 đất hiện đang do ĐH Thăng Long quản lý để thực hiện dự án.
Nhưng có một thực tế, để bố trí được nguồn vốn làm tuyến đường không phải là chuyện đơn giản khi xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường, ngoài chi phí làm đường, để có mặt bằng sạch TP Hà Nội cũng cần phải chi ra một số tiền rất lớn (có thể cả nghìn tỷ đồng) mới đủ GPMB hàng trăm nhà dân đang sinh sống nằm trong quy hoạch tuyến đường.
Phải chăng vì lý do này mà trước đó UBND TP Hà Nội đã từng giao cho Hacinco thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường 17,5m này bằng nguồn kinh phí không bồi hoàn (tức Hacinco tự bỏ ra), nhưng sau đó doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”? Và mới đây, TP mới có động thái giao cho UBND quận Hoàng Mai nghiên cứu lập và thực hiện Dự án bằng nguồn vốn ngân sách.
Cũng cần phải lưu ý, theo Quyết định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng - kinh tế - xã hội mà UBND TP Hà Nội đã ban hành vào 2016, thì tuyến đường trên 16m như trong trường hợp này thẩm quyền đầu tư là của TP, không phải của cấp quận, huyện.
Như vậy, bối cảnh mà ĐH Thăng Long đang dựa vào việc cấp đất “nhầm” của TP để rào chắn, “bít” lối đi đoạn đường mà họ đã đầu tư và trong khi nguồn vốn cho dự án chưa tìm thấy nguồn để bố trí và việc giao lập dự án có dấu hiệu vượt thẩm quyền.
Nhiều ý kiến cho rằng để người dân mua nhà ở KĐTM Đại Kim có đường đi, UBND TP Hà Nội cần xem xét thu hồi phần đất quy hoạch làm đường giao thông đã lỡ giao ĐH Thăng Long trước đó về cho chính quyền quản lý. Đồng thời có chính sách bồi thường phù hợp đối với các kinh phí mà trường này đã bỏ ra đầu tư để tránh biến tranh chấp lối đi thành vấn đề nóng về an ninh trật tự tại địa bàn.