Vietnam Airlines sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8
Vietnam Airlines sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản.
Ngày 14/7, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) có thông báo lùi ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông từ 16/7 đến 28/7.
Theo Vietnam Airlines, do công tác chuẩn bị đại hội cổ đông chưa hoàn thành. Ngày đăng ký cuối cùng vẫn giữ nguyên là 15/6.
Trước đó, hồi cuối tháng 6, HĐQT Vietnam Airlines cũng đã quyết định lùi thời gian tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2020 từ ngày 29/6 theo kế hoạch ban đầu sang ngày 16/7.
Về tình hình kinh doanh, tại buổi tọa đàm "Chủ sở hữu Nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu COVID-19 - Trường hợp Vietnam Airlines" do Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành đã nói về những khó khăn mà ngành hàng không gặp phải.
Theo ông Dương Trí Thành, tác động của đại dịch COVID-19 tới hàng không thế giới nói chung là rất nặng nề và Vietnam Airlines không phải ngoại lệ.
Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) ước tính ngành hàng không toàn cầu cần 3 năm nữa mới phục hồi về mức năm 2019. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ngành này lỗ khoảng 20 tỷ USD, sau đó mỗi năm lãi 30 – 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, vì COVID-19 năm nay, ngành hàng không toàn cầu dự kiến giảm thu 419 tỷ USD, lỗ 84 tỷ USD và lỗ tiếp 15 tỷ USD năm 2021. IATA ước tính ngành hàng không cần các chính phủ hỗ trợ ít nhất 250 tỷ USD.
“Từ khi hòa bình nước ta lập lại đến giờ, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít đến thế. IATA dự báo các hãng Việt Nam mất đi doanh thu khoảng 4 tỷ USD. Trong đó, Vietnam Airlines giảm doanh thu 50.000 tỷ đồng. Vietnam Airlines sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản,” ông Dương Trí Thành nói.
Đến tháng 6, thị trường khách nội địa của Vietnam Airlines đã tăng bằng 84% năm ngoái nhưng doanh thu chưa phục hồi được. Ông Thành lý giải bởi trong 3 tháng qua, Vietnam Airlines liên tục mở 18 đường bay nội địa mới phần lớn là các chặng ngắn, bán với giá rất rẻ. Trong khi thực tế, mười mấy đường bay nội địa mới bằng một đường bay quốc tế.
Đưa ra các giải pháp ứng phó với ảnh hưởng dịch bệnh này, ông Thành cho hay, Vietnam Airlines đã cắt giảm các chi phí hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó 1.700 tỷ đồng cắt giảm lương); giảm hơn 24.000 tỷ đồng do cắt giảm sản lượng khai thác (trong đó có hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập người lao động)...
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đề cập đến nguồn tài chính hỗ trợ cho Vietnam Airlines sẽ được huy động qua các kênh nào; các kịch bản dự báo phục hồi để thuyết phục việc “rót vốn”; gỡ các vướng mắc hay khó khăn về quy định… Các chuyên gia nêu quan điểm, phải hiểu rằng các giải pháp này cũng là để vực dậy nền kinh tế, đặc biệt là phục hồi ngành du lịch.
Kết luận tọa đàm, theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Vietnam Airlines là một trong các doanh nghiệp hàng không có báo cáo tài chính công khai minh bạch nhất. Tổ tư vấn sẽ đề xuất những giải pháp như tái cấp vốn, cho vay bắc cầu, phát hành cổ phiếu để tăng vốn hoặc điều chuyển vốn, giúp Vietnam Airlines khắc phục khó khăn tài chính.
Ông Nguyễn Đức Kiên đề xuất hãng cũng có kế hoạch tái cơ cấu một cách phù hợp với diễn biến của thị trường cũng như năng lực tài chính…
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN đã ghi nhận mức giảm gần 40% trong vòng 1 năm qua khi đóng cửa phiên ngày 14/7 tại mức 26.400 đồng/cp.