Vinafor 'Cánh chim đầu đàn' không ngừng vươn xa
Với chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) bên cạnh lĩnh vực lâm nghiệp truyền thống, còn cho thấy tầm nhìn chiến lược trong hợp tác liên doanh, liên kết, phát huy vai trò 'cánh chim đầu đàn' của ngành Lâm nghiệp Việt Nam.
Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam được thành lập vào ngày 4/10/1995, đến năm 2016 chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Đặc biệt, tháng 2/2020, mã chứng khoán của Vinafor (VIF) đã chính thức được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, với số lượng 350 triệu cổ phiếu.
Doanh nhân Phí Mạnh Cường, Chủ tịch HĐQT Vinafor cho biết, sự kiện trên đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, quan trọng trên chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển của Vinafor, cho thấy sự thay đổi lớn trong quản trị, thể hiện nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên và người lao động của Tổng công ty.
Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị, sự lãnh đạo của Ban điều hành , Vinafor ngày càng khẳng định vị thế của “cánh chim đầu đàn”, nâng cao giá trị thương hiệu Vinafor, thể hiện sự minh bạch, hiệu quả trong quản trị.
Thực tế, sau 3 năm chính thức chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp cổ phần, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ bình quân 3 năm của Vinafor đạt 18,7% (tương đương 650 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với 3 năm liền kề trước cổ phần hóa và gấp 2,7 lần so với kế hoạch ước tính theo phương án cổ phần hóa do Thủ tướng phê duyệt).
Lãnh đạo Vinafor cũng cho biết, trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình, Vinafor luôn ưu tiên công tác lâm nghiệp, trồng rừng kinh tế tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đầu tư sản xuất giống cây mô công nghệ cao để tạo giống cây tốt, có khả năng chống chịu thời tiết và sâu bệnh, cung cấp cho thị trường trên cả nước.
Hiện nay, Vinafor đang đầu tư trồng rừng bằng những giống mới chất lượng cao (Bạch đàn cự vĩ 32-29, Đông môn 32-26, Keo lá tràm AA1, AA9, CLT...), áp dụng biện pháp cơ giới vào trồng rừng thâm canh để tạo vùng nguyên liệu chất lượng cao, trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC phục vụ chế biến sâu… theo hướng “Từ trồng rừng đến sản phẩm”.
Vinafor sẽ tiếp tục nghiên cứu các dự án khả thi trong đầu tư chế biến gỗ; nâng cấp, thay thế máy móc, thiết bị chế biến gỗ tại các đơn vị trực thuộc và đơn vị góp vốn, trong đó có đánh giá việc mở rộng sản xuất ván tại Công ty MDF Vinafor Gia Lai.
Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch Vinafor, trước tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19, Ban lãnh đạo Vinafor đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, xây dựng các kịch bản sản xuất – kinh doanh theo mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh để kịp thời ứng phó. Tổng công ty cũng kịp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trực thuộc, đảm bảo sức khỏe, công việc cho người lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội, đặc biệt là các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới.
Theo ông Lê Quốc Khánh, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Vinafor : Thời gian tới Vinafor tiếp tục chủ động, tích cực làm việc với các địa phương về công tác quy hoạch đất đai, nhằm duy trì và phát triển quỹ đất, chống lấn chiếm…
Vinafor sẽ chú trọng vào công tác tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư của Tổng công ty tại một số đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Hiện nay Vinafor đang nghiên cứu phương án cơ cấu lại một số đơn vị có vốn góp của Tổng công ty với tỷ lệ dưới 50%, hoạt động mang tính chất phụ trợ cho sản xuất lâm nghiệp, hiệu quả kinh tế thấp.
Trong chặng đường 25 năm phát triển, Vinafor vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2015; Cờ thi đua của Chính phủ năm 2011, 2014, 2016, 2019; Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ NN&PTNT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN hàng năm; Top 500 DN có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018, 2019, 2020; Top 500 DN lớn nhất Việt Nam năm 2018.