Vĩnh biệt vườn chim

Dù đã 'linh cảm' về chuyện này từ mấy năm qua, nhưng khi đứng trước vườn chim trở nên xơ xác, hoang tàn vẫn thấy lòng trĩu nặng, cảm giác buồn ghê gớm. Vậy là những cảnh chụp về vườn chim vào dịp trước và sau Tết Nhâm Dần 2022, với tôi lại là những bức ảnh cuối cùng.

Cò về vườn chim.

Cò về vườn chim.

Tôi nhớ dịp sau tết, tôi và Phan Đông Hùng- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Tây Ninh rủ nhau ra chụp vườn chim. Tôi dùng máy ảnh thường, còn Hùng xài flycam hiện đại. Trên màn hình của Hùng là những đám mây trắng cánh chim từ muôn nẻo tụ về. Từng đám mây lướt nhanh trong ráng đỏ hoàng hôn. Tới vườn, chúng lượn thêm một vài vòng nữa, rồi mới hạ xuống cũng trên một vườn mây trắng. Đấy là một vườn đang mùa tràm nước rộ bông. Tất cả các tán cây đều phủ trắng, bông tràm. Thêm những đám mây, cánh cò sà xuống làm nên cả một vườn tràm ngời trắng và trĩu nặng.

Nhà của Hùng khá gần vườn, nên anh còn đưa người nhà ra xem. Họ cứ ngồi trên bãi cỏ mà lặng người đi trước những cánh chim trời… cho đến khi ánh hoàng hôn lặn tắt. Cũng cần nói thêm là, trước và sau tết là các loài chim di trú đến đây. Nhất là loại cò Bắc, với sải cánh dài chừng hơn một mét, cho đến các loài chim cò bản địa như cò xám, cò lửa, cò ruồi… và rất nhiều bầy “chim sáo sang sông”.

Chẳng cứ gì phụ nữ và trẻ em trong xóm gần vườn, mà tất cả những ai từng đến một hoặc nhiều lần, đều bị vườn chim mê hoặc. Không một nơi nào có cảnh tượng lộng lẫy và huy hoàng đến thế! Không ở đâu có âm thanh rộn rã lúc chim cò về đến thế! Và dĩ nhiên, cảnh hoàng hôn tuyệt vời nhất là khi ta ngắm vườn chim từ các tòa nhà đối diện ở hướng Đông.

Ai cũng phải thừa nhận đây là một kiểu vườn chim “độc nhất vô nhị”. Vườn chim cách trung tâm thành phố Tây Ninh có vài trăm mét, thuộc về khu phố 4, phường 3. Những cảnh tôi thường gặp nhất là chúng tụ lại trên mái, hay trên những ngọn cây, tàu dừa ở quanh khu vực xưa là Giếng Mạch.

Hàng trăm con sáo thân thuộc kia, cũng là biểu hiện một ước mơ của con người muốn được sống hòa hợp với thiên nhiên. Đến đây, tôi chợt nhớ đến những bầy chim cuốc, còn gọi là cồng cộc. Dễ nhận ra chúng là nhờ sắc độ đen truyền của bộ lông và cánh. Khi bay, chúng rướn cái cổ dài như cổ rắn với cái đầu ngật ngưởng trụi lông về phía trước. Vì thế người ta còn gọi là chim cổ rắn.

Tết nguyên đán năm nay (2022) dường như chúng biến đâu mất không về. Nhưng sau tết thì lại thấy lác đác trên nền trời những đôi cánh đen bay mạnh mẽ. Dù chỉ vài chục con so với hàng ngàn con cò di trú nhưng bao giờ chúng cũng ngang nhiên chiếm lĩnh những ngọn, cành cây cao nổi bật giữa vườn chim.

Còn nữa, thưa quý bạn! Vào mùa lúa chín thì chung quanh vườn lại ríu rít bay về những loài chim sẻ nâu, sẻ đá, chim ri, dồng dộc… Chim sẻ, chim ri chỉ ra ăn lúa, ăn bông cỏ rồi bay về ngủ trên những hàng cây dầu trên phố.

Chỉ còn dồng dộc là làm tổ trên những cây hoang như bình bát mọc trong vườn nhà bác Sáu Tâm ở ngay cạnh vườn chim. Và tôi cũng không quên đôi chim bìm bịp thường bay cắt ngang đường đi xuống. Thường thấy bóng người là chúng lẩn ngay vào những lùm bụi ven rạch Tây Ninh.

Nhưng cũng có lần tôi thấy chúng ngang nhiên lững thững đi dọc đường, như hai du khách đi tản bộ. Thế nhưng, cái cảnh quan đáng nhớ nhất với nhiều người đi làm việc mỗi ngày trong Thành phố, là ở những ngày cuối năm và đầu năm; khi ta rời cơ quan, xí nghiệp về nhà, là thấy những đàn cò bay ngang trên bầu trời Thành phố.

Thấy rõ nhất là với những ai từng ngồi quán lai rai bia bọt tại chợ đêm ven rạch Tây Ninh. Đàn cò bay dọc rạch hay chéo qua sông. Từ hướng núi về, hay từ các miền quê Chà Là, Bàu Năng hay An Cơ, Hảo Đước…

Từ đây, thành phố tôi còn được mang một cái tên đẹp và thơ mộng, là: “thành phố dưới cánh cò bay”. Đấy chính là những đàn cò bay về đậu, ngủ qua đêm tại vườn chim này đây, thưa quý bạn! Mất vườn chim rồi, từ nay, thành phố này cũng sẽ mất đi cái tên đẹp đẽ nhân văn của chính mình.

Đã lâu không xuống được vườn chim. Sau 3 tháng vắng mặt, trở về thì vườn chim đã mất. Người ở chung quanh cho biết, khoảng tháng 4.2022, chủ vườn đã chặt bỏ vườn tràm nước, chuẩn bị xây dựng công trình. Những ngày đầu chặt chưa hết thì chim cò vẫn bay về, túm tụm đậu trên những cây còn lại. Về sau, cây đốn hết thì chúng buộc phải bay đi, không biết về đâu. Nay, trước mắt tôi là những thân tràm còn ngổn ngang trên mảnh vườn ngập nước…

Tôi lại nhớ đến bác Hà Huyền Mộng, người có công tạo lập và bảo vệ vườn chim. Bắt đầu từ năm 2005, bác thấy chim cò bay về vườn nhà, lúc ấy mới trồng 5 công (5.000m2) tràm nước. Lại thấy cả những kẻ đến thập thò săn bắt. Vậy là bác Mộng dốc hết tiền của ra rào lại vườn để bảo vệ. Từ đó, mỗi ngày chim cò đến đông hơn.

Vào mùa di trú, có đến 10.000 cá thể, còn ngày thường cũng phải hơn 1.000 con. Cách đây 5 năm, vì sinh kế mà bác phải bán đi khu vườn cho người khác, với lời đề nghị ráng giữ vườn thêm 3 năm, để bác có thể tự mình hoặc kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng lại tràm trên ruộng nước ở chung quanh, để chim có chỗ về cư trú. Nhưng việc không thành. Và người chủ mới cũng đã đến lúc phải phá vườn đi cho những nhu cầu mới thiết thực hơn.

Tôi cũng nhớ vào khoảng năm 2015, bác nhờ tôi liên hệ với Chi cục Kiểm lâm tỉnh để dựng bảng cấm săn bắt chim trên đường vào vườn, để thêm phần hiệu quả bảo vệ vườn chim. Bảng đã dựng, nhưng nay lùm bụi trùm lên che gần hết chữ.

Cũng chẳng sao, vì có còn chim cò nữa đâu mà bảo vệ! Lại nhớ, ngày 17.5.2022, có Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Chỉ thị có câu: “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện trên địa bàn các quy định pháp luật có liên quan, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững các khu bảo tồn thiên nhiên, các vùng chim quan trọng trên địa bàn”.

Tất cả đã muộn rồi! Xin vĩnh biệt vườn chim của thành phố Tây Ninh.

Nguyễn Quốc Việt

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/vinh-biet-vuon-chim-a147156.html