Vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 'Nghề làm nước mắm Nam Ô'
Sáng 4-7, UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) tổ chức lễ vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 'Nghề làm nước mắm Nam Ô' và công bố Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô.
Theo đó, nghề làm nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại quyết định 2974/QĐ-Bộ VH-TT-DL ngày 27-8-2019 do Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện ký.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nhìn nhận, với cách làm nước mắm truyền thống từ bao đời, việc người tiêu dùng thông minh lựa chọn nước mắm sạch không hóa chất, không chất bảo quản là tín hiệu vui cho người dân làng nghề.
Đồng thời, nước mắm Nam Ô đã có mặt trong các buổi triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao, xuất hiện ngày càng nhiều trên kệ của các siêu thị, các chợ lớn và cạnh tranh với các thương hiệu khác như mắm Nha Trang, mắm Ông Kỳ Phú Quốc,…
“Nước mắm Nam Ô đã đi sâu vào tiềm thức của người dân, không chỉ thuần giá trị vật chất, mà còn là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng quê, thể hiện bản sắc cộng đồng của địa phương. Không chỉ là gia vị, mà còn là một phần của văn hóa hàm chứa những di tích dân gian thể hiện bản sắc cộng đồng địa phương. Nghề làm nước mắm Nam Ô đã trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc có nguy cơ mai một”, ông Huy nhìn nhận.
Theo ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, việc Bộ VH-TT-DL đưa Nghề làm nước mắm Nam Ô vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của di sản. Đồng thời, thể hiện sự ghi nhận công lao và tri ân sâu sắc đối với các nghệ nhân, bà con làng nghề đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa này.
"Đây là niềm vinh dự, tự hào của thành phố Đà Nẵng và đồng thời cũng là trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghề làm nước mắm Nam Ô; xem đây là một nhiệm vụ góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam", ông Trần Văn Miên cho biết.
Hiện Làng nghề nước mắm Nam Ô có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 54 hộ tham gia vào Hội làng nghề truyền thống, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 3 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp. Nước mắm Nam Ô đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp logo, nhãn hiệu tập thể. Nghề làm nước mắm đã tạo việc làm bền vững cho khoảng vài trăm lao động địa phương với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch làng nghề nước mắm Nam Ô chia sẻ, nghề nước mắm Nam Ô được vinh danh là động lực để bà con làng nghề mạnh dạn đầu tư, chuyên nghiệp hóa trong sản xuất nước mắm để bảo tồn và phát huy giá trị, thương hiệu nước mắm Nam Ô.
Để phát triển du lịch, ông Vinh đề nghị cần tạo điều kiện để người dân làng nghề có thể tập hợp về một mối để du khách dễ dàng đến tham quan những mô hình thực tiễn tại địa phương. Trong tương lai, với sự phát triển của đề án Phát triển du lịch Cộng đồng Nam Ô, nước mắm Nam Ô - sản phẩm làng nghề sẽ theo chân du khách đến các vùng miền trong nước và quốc tế.
“Nước mắm công nghiệp có thể sản xuất trong thời gian ngắn trong khi sản phẩm của làng nghề 12 tháng mới ra sản phẩm, vì vậy chúng tôi gặp khó khăn khi đặt vấn đề với các siêu thị bởi giá thành của nước mắm Nam Ô luôn cao hơn những loại nước mắm khác”, ông Vinh bày tỏ.
Ngoài lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Làng nghề có vị trí thuận lợi, lại gắn với các di chỉ văn hóa có lịch sử hình thành từ thời cha ông như: đền thờ bà Liễu Hạnh, dấu tích Huyền Trân công chúa, mộ cổ tiền hiền làng Nam Ô, lăng thờ cá Ông và các di chỉ, dấu tích Chăm… Đó là điều kiện thuận lợi và phù hợp để liên kết phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch.
Vì vậy, cũng tại buổi lễ, UBND quận Liên Chiểu đã công bố và kế hoạch triển khai đề án “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô” với tổng kinh phí đầu tư hơn 46 tỷ đồng. Đề án nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, các tập quán, sản phẩm làng chài, và nghề mắm cổ truyền Nam Ô, tạo điều kiện cho người dân làm du lịch.
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng, đại diện chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô cho hay, đề án Du lịch cộng đồng ra đời và được xem là một trong những đề án trọng điểm của đơn vị trong việc phát triển Khu du lịch sinh thái Nam Ô. Với ngân sách đầu tư lên tới khoảng 30 tỷ đồng, đơn vị cam kết thực hiện việc giữ gìn cải tạo môi trường thiên nhiên, phát triển làng nghề, bảo tồn văn hóa truyền thống và luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết để tạo ra môi trường du lịch bền vững.
“Khi Đề án được khởi động, chúng ta sẽ nhìn thấy một diện mạo mới khang trang hơn, tươi đẹp hơn nhưng vẫn nguyên vẹn bản sắc Nam Ô, đưa Nam Ô trở thành một điểm sáng mới trên bản đồ du lịch Đà Nẵng”, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết nói.