Vinh danh nghệ thuật chế tác và múa khèn của người H'Mông

Đến nay, đã có 3 di sản văn hóa phi vật thể dân tộc H'Mông ở Điện Biên được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Khèn có mặt hầu hết trong mọi mặt đời sống sinh hoạt, văn hóa và tâm linh của người H'Mông (ảnh minh họa)

Khèn có mặt hầu hết trong mọi mặt đời sống sinh hoạt, văn hóa và tâm linh của người H'Mông (ảnh minh họa)

Đó là Tết Nào Pê chầu của người H'Mông đen tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người H'Mông hoa tại bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà và Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người H'Mông tỉnh Điện Biên.

Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người H'Mông tỉnh Điện Biên được Bộ VHTTDL công nhận đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 65/QĐ-BVHTTDL ngày 12.1.2022. Vừa qua, tại huyện Tủa Chùa, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức Lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người H'Mông tỉnh Điện Biên.

Tại buổi lễ công bố và trao chứng nhận, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, Nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông tỉnh Điện Biên được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là niềm vui, tự hào của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của các loại hình di sản văn hóa, văn hóa phi vật thể, quan tâm và thực hiện đúng các quy định về việc lựa chọn xét tặng Danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn nhằm phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian trong việc tuyên truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp của di sản….

Trước đó, ngày 10.10, Sở VHTTDL Điện Biên phối hợp với UBND huyện Điện Biên Đông đã tổ chức Lễ công bố và trao Chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ, được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 64/QĐ-BVHTTDL ngày 12.1.2022.

Khèn trong cuộc sống của người H'Mông là một nhạc cụ không thể thiếu và là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Khèn có mặt hầu hết trong mọi mặt đời sống sinh hoạt, văn hóa và tâm linh của người H'Mông. Người H'Mông khi buồn, khi vui đều mang khèn diễn tấu, đều nghe khèn và tâm tư, tình cảm cũng như nhu cầu, giao tiếp, kết nối của mình qua tiếng khèn.

Dù mang tính đại chúng nhưng người diễn tấu khèn lại dành đặc quyền của nam giới. Với nam giới, ngay khi còn nhỏ đã được hướng đến việc phải học hỏi cách diễn tấu khèn để khi hơn 10 tuổi đều có cây khèn trên vai khi lên nương, xuống chợ.

Dù việc chế tác hay diễn tấu khèn là độc quyền của nam giới nhưng việc thưởng thức, thụ hưởng nhạc điệu của nó lại dành cho cả cộng đồng, không phân biệt tuổi tác, địa vị. Chỉ cần nghe tiếng khèn H'Mông cất lên, cả cộng đồng sẽ hướng tới, hòa mình vào từng giai điệu – dù buồn hay vui – tạo sự cộng cảm đặc biệt.

Diễn tấu khèn là cả một nghệ thuật hết sức độc đáo bởi nhạc cụ này không chỉ để thổi mà còn để nhảy múa với sự biến hóa vô cùng sinh động mà không chỉ đòi hỏi sự khéo léo mà còn đòi hỏi cả sức khỏe vì có cả những động tác nhào lộn, trồng chuối...

Minh Dương

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vinh-danh-nghe-thuat-che-tac-va-mua-khen-cua-nguoi-hmong-post455433.html