Vĩnh Long đứng đầu công khai ngân sách tỉnh POBI 2020
Theo kết quả khảo sát Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh POBI 2020, Vĩnh Long đứng vị trí đầu tiên với 93,68/100 điểm. Tiếp sau đó là Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Dương, Cao Bằng…
Sáng 3/6/2021, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức Hội thảo công bố “Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh POBI 2020”.
Theo đó, 5 tỉnh có Chỉ số Công khai Ngân sách dẫn đầu là Vĩnh Long (đạt 93,68/100 điểm), Đà Nẵng (92,26/100 điểm), Bà Rịa – Vũng Tàu (90,45/100 điểm), Hải Dương (89,84/100 điểm), Cao Bằng (88,88/100 điểm).
PG.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng rất đáng ngạc nhiên khi Hà Nội và TP.HCM mặc dù là 2 địa phương chi tiêu ngân sách lớn nhất cả nước nhưng lại chưa đứng ở vị trí top đầu về chỉ số công khai ngân sách tỉnh. Hà Nội đứng ở vị trí số 10 với 83,78 điểm, TPHCM mới đạt 69,87 điểm. Các thành phố lớn khác như Hải Phòng, Cần Thơ cũng đạt mức thấp. Cần Thơ chỉ đạt 53,32 điểm. Hải Phòng 66,01 điểm.
Theo kết quả Chỉ số Công khai Ngân sách POBI, năm 2020 các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng có xếp hạng chỉ số khá đồng đều. Tuy nhiên, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng song Cửu Long chênh lệch chỉ số lớn.
Theo báo cáo, nhìn chung các tỉnh vẫn ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình công khai minh bạch ngân sách. Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh, thành phố là 39,25 điểm.
Đáng chú ý, Đà Nẵng là tỉnh đạt điểm số cao nhất với 90 điểm và Thanh Hóa là tỉnh có số điểm thấp nhất với 5 điểm.
Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, kết quả chấm cho thấy số lượng các tỉnh/thành phố đảm bảo tính tin cậy của các tài liệu Dự thảo dự toán 2021 và dự toán 2021 đã dc phê duyệt còn thấp, do chưa đảm bảo việc ưu tiên chi ngân sách cho các lĩnh vực y tế, dân số và giáo dục.
So sánh dự toán thu ngân sách nhà nước đầu năm với quyết toán ngân sách nhà nước cuối năm 2019 cho thấy dự toán thu ngân sách và dự toán chi đầu tư phát triển trong còn có mức độ tin cậy thấp, nhiều địa phương có mức chênh lệch lên tới trên 15%.
“Cần ưu tiên cho y tế và giáo dục cần phải được thể hiện trong lập dự toán chi thường xuyên, nên hạn chế tình trạng cắt giảm chi phí thường xuyên cho y tế và giáo dục. Việc lập kế hoạch lập dự toán cần được tính toán và xem xét một cách kỹ lưỡng và cẩn trọng để đảm bảo mức chênh lệch giữa số dự toán và số quyết toán không nhiều hơn quá 5%”, báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh đó, ccác tỉnh cần chủ động hơn trong việc tiếp cận và phản hồi các câu hỏi, thắc mắc của người dân. Quy định, quy chế về cung cấp thông tin cũng cần được công bố công khai và tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm các quy định này.
Các tỉnh cần công khai nhiều hơn các báo cáo tổng hợp góp ý của người dân, báo cáo thảo luận về ngân sách nhà nước tại các kỳ họp HĐND tỉnh.
Khảo sát Chỉ số Công khai Ngân sách tỉnh (POBI) là khảo sát đầu tiên ở Việt Nam về mức độ công khai ngân sách tỉnh, do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) chủ trì, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) thực hiện.
Kết quả khảo sát là công cụ giúp các địa phương và cơ quan trung ương tham chiếu, đo lường mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước tại các tỉnh. POBI cũng là công cụ hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính và tài khóa tốt hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững SDG 16 về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân.
POBI được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017 và liên tục trong các năm qua. Khảo sát POBI 2020 do Tổ chức Oxfam Việt Nam và Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tại Việt Nam tài trợ.