Vĩnh Phúc phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công trên 95%

Với sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo và linh hoạt trong tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư ở Vĩnh Phúc 9 tháng năm 2024 đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là ở cấp huyện.

Đã giải ngân được trên 3.998 tỷ đồng

Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc được giao tổng vốn đầu tư công hơn 7.895 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương giao hơn 7.776 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh giao bổ sung là hơn 118,8 tỷ đồng. Xác định đầu tư công là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt và triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thế Hùng

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thế Hùng

Đồng thời, giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 cho các chương trình, dự án ngay cuối năm 2023; thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công các dự án lớn, trọng điểm; tổ chức các buổi làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh với các sở, ngành chuyên môn để nắm bắt tình hình và cho ý kiến chỉ đạo về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong 9 tháng năm 2024, cấp tỉnh đã phê duyệt quyết định đầu tư 3 dự án, tổng mức đầu tư 98 tỷ đồng. Cấp huyện/xã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 21 dự án, tổng mức đầu tư trên 188,5 tỷ đồng; phê duyệt quyết định đầu tư cho 67 dự án, tổng mức đầu tư là 559 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.

Đơn vị thi công Dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị Mê Linh tập trung máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ các hạng mục dự án. Ảnh: Thế Hùng

Đơn vị thi công Dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị Mê Linh tập trung máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ các hạng mục dự án. Ảnh: Thế Hùng

Thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách Nhà nước, ngay từ đầu năm, cấp tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 4.462 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao cho 44 dự án hoàn thành, quyết toán và 100 dự án chuyển tiếp năm 2024; cấp huyện, cấp xã phân bổ hơn 3.433 tỷ đồng cho các công trình, dự án, đạt 100% kế hoạch vốn do tỉnh giao. Đặc biệt, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, các sở, ngành, địa phương đã tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, ưu tiên vốn cho các các dự án, công trình trọng điểm, dự án đã quyết toán, dự án chuyển tiếp.

Tính đến ngày 15/9/2024, toàn tỉnh giải ngân được trên 3.998 tỷ đồng, bằng 51,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 48,4% tổng số vốn kế hoạch năm. Trong đó, cấp tỉnh giải ngân đạt 32,5% kế hoạch giao; cấp huyện, xã giải ngân đạt 70,8%. Trong 9 huyện, thành phố, Bình Xuyên có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 97,6%; huyện Yên Lạc đạt 90,5%; thành phố Vĩnh Yên đạt 74,3%; huyện Lập Thạch đạt 73,8%; huyện Sông Lô đạt 67,3%; huyện Vĩnh Tường đạt 62,4%.

Nhà thầu đang tập trung nhân lực, máy móc để cào bóc, lu lèn nền đường một số đoạn trên tuyến quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Phúc Yên. Ảnh: Nguyễn Lượng

Nhà thầu đang tập trung nhân lực, máy móc để cào bóc, lu lèn nền đường một số đoạn trên tuyến quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Phúc Yên. Ảnh: Nguyễn Lượng

Đối với các Ban Quản lý dự án, với nhiều cái khó, cả 5 Ban Quản lý dự án trên địa bàn tỉnh đều có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa đạt 40%. Cụ thể, Ban Quản lý sử dụng vốn vay nước ngoài, tỷ lệ giải ngân đạt 39,7%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, giải ngân đạt 39,6%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, giải ngân đạt 28,9%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đạt 24,1%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh, giải ngân đạt 22,4%.

Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, năm 2024, Ban được giao tổng vốn đầu tư công là 891,447 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay, ngoài Dự án Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành đang gấp rút hoàn thành, với khối lượng thực hiện đạt trên 95% thì các dự án còn lại đều có tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Dự án Hạ tầng giao thông kết nối Vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tỷ lệ giải ngân mới đạt 10%; Dự án Mở rộng đường trục Trung tâm khu đô thị mới Mê Linh, giải ngân đạt 6%. Nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; một số dự án phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Đối với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 24,1% còn do thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng chậm trễ, kéo dài. Hiện Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến kênh Đồng Trằm, xã Văn Quán đi xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, giải ngân đạt 32%; Dự án Cải tạo nâng cấp tuyến kênh Tân Phú - Thượng Trưng - Vũ Di - Sông Phan và tuyến Tuân Chính - Vũ Di - Sông Phan, huyện Vĩnh Tường, tỷ lệ giải ngân đạt 12%; Dự án Cải tạo, nạo vét các tuyến kênh tiêu vùng bãi Vĩnh Tường, tỷ lệ giải ngân đạt 10%; Dự án Cải tạo, nạo vét Sông Phan, đoạn từ Cầu Thượng Lạp đến Điều Tiết, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỷ lệ giải ngân đạt 12%. Riêng Dự án Xử lý thấm tại đập phụ số 1, hồ chứa nước Đồng Mỏ, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo đến nay chưa giải ngân được đồng vốn đầu tư công nào.

Chỉ rõ nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công của cả tỉnh mới đạt 51,4% so với kế hoạch vốn Trung ương giao, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 của Vĩnh Phúc cao hơn cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn so với tổng kế hoạch vốn được giao, nhất là đối với các dự án lớn, trọng điểm. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng và việc giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai còn chậm. Một số dự án chưa có tên hoặc chưa đủ chỉ tiêu sử dụng đất trong danh mục quy hoạch được duyệt, phải thực hiện thủ tục cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của cấp huyện. Cùng với đó, công tác quyết toán dự án hoàn thành gặp khó khăn do các dự án chưa thực hiện xong thủ tục giao đất nên chưa thể thực hiện quyết toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và quyết toán dự án hoàn thành; vốn bổ sung từ ngân sách địa phương cho chi đầu tư công năm 2024 đến nay chưa được phân bổ, dẫn đến nhiều công trình chưa được giao vốn để thực hiện; nhiều dự án khan hiếm về nguồn vật liệu đất đắp; giá nguyên vật liệu tăng cao, nhà thầu thi công cầm chừng...

Tháo gỡ khó khăn thực hiện dự án giao thông trọng điểm

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ được tích hợp gồm các tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô, Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D. Đường tỉnh và tương đương gồm 47 tuyến, trong đó có 5 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 1.132 km. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thành các trục giao thông quan trọng như trục Bắc-Nam, trục Đông-Tây, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; cơ bản hoàn thành bảo đảm khép kín 5 tuyến đường vành đai cấp tỉnh; nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng đối với toàn bộ hệ thống đường tỉnh hiện hữu; xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh theo quy hoạch; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng một số nút giao khác mức để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực thành phố Vĩnh Yên…Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, tạo động lực phát triển KT-XH. Giai đoạn 2021-2030, tỉnh dành khoảng 50 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng các dự án, công trình giao thông từ nguồn ngân sách; trong đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã phân bổ gần 4.200 tỷ đồng cho các công trình, dự án giao thông do cấp tỉnh quản lý.

Là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, Dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh (tuyến đường Vành đai 5 - Thủ đô và đoạn tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, kết nối giữa đường Vành đai 5 với QL2B đến Tây Thiên, đi QL2C và Tuyên Quang) góp phần hình thành mạng lưới giao thông kết nối với các tuyến trục chính quốc gia, liên kết các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời kết nối chuỗi phát triển du lịch, dịch vụ khu vực phía Nam dãy núi Tam Đảo.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 1.134 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 666 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án theo chủ trương đầu tư được duyệt trong giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đã cấp cho dự án là hơn 1.000 tỷ đồng, lũy kế đến nay, dự án mới giải ngân được 588 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, tổng chiều dài toàn bộ tuyến của dự án là 26,7 km, đi qua 8 xã, thị trấn thuộc các huyện, thành phố Phúc Yên, Bình Xuyên, Tam Đảo. Dự án có gần 45 ha diện tích GPMB là đất trồng lúa, hơn 2,8 ha thuộc khu vực Vườn Quốc gia Tam Đảo gặp khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Bên cạnh đó, địa điểm xây dựng khu tái định cư và mở rộng 2 nghĩa trang nhân dân phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án vẫn chưa được phê duyệt do phải chờ kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; chủ đầu tư gặp khó khăn trong xác định cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định thiết kế các hạng mục di chuyển đường điện, các khu tái định cư và mở rộng nghĩa trang nhân dân…

Tại thành phố Phúc Yên, tổng chiều dài dự án đi qua là gần 9 km, diện tích GPMB dự án trên địa bàn thành phố là 49,3 ha, trong đó, có 21 ha chưa có trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của thành phố. Để đảm bảo các dự án hoàn thành đúng tiến độ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh thường xuyên đôn đốc nhà thầu, kiểm tra, giám sát tiến độ thi công; chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để kịp thời tháo gỡ.

Qua việc triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy phần lớn các dự án đều gặp khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB, đặc biệt đối với các dự án giao thông trọng điểm, có diện tích đất thu hồi lớn. Trong đó, việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn của một số dự án vượt thẩm quyền cấp tỉnh, phải đề xuất đến các bộ, ngành Trung ương, dẫn đến kéo dài thời gian triển khai thực hiện.

Đơn vị thi công đặt biển cảnh báo và chăng dây khi tuyến quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Phúc Yên đang được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Nguyễn Lượng

Đơn vị thi công đặt biển cảnh báo và chăng dây khi tuyến quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Phúc Yên đang được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Nguyễn Lượng

Với quan điểm “Giao thông đi trước mở đường”, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển, quyết tâm không để khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, ưu tiên đối với các dự án trọng điểm.

Các đơn vị chuyên môn tập trung rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, thực hiện phương án tái định cư… hướng dẫn các địa phương triển khai đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Đối với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền của tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan cần theo sát tiến độ giải quyết của các cơ quan Trung ương, báo cáo UBND tỉnh đôn đốc; đề nghị các bộ, ngành Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tỉnh trong quá trình thực hiện dự án. Yêu cầu chủ đầu tư tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhà thầu triển khai dự án với phương châm “Có mặt bằng đến đâu, thi công ngay đến đó”, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án vào khai thác, sử dụng.

Dự án Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong số các dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh quản lý.

Dự án Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong số các dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh quản lý.

Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến ngày 31/12/2024 giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%. Đây là chỉ tiêu không hề dễ, bởi thời gian còn lại của năm 2024 không nhiều và tỷ lệ giải ngân vốn của các Ban Quản lý dự án rất thấp, do vậy, giải pháp trọng tâm, cấp bách được Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông chỉ ra và yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, các Ban Quản lý dự án thực hiện sau hội nghị kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được tổ chức cuối tháng 9/2024 vừa qua là tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triệt khai thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo về đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, nhất là Chỉ thị số 26 của Thủ Tướng Chính phủ và Công điện số 24 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán vốn. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng. Tăng cường giám sát, kiểm tra nhà thầu trong thi công dự án. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án. Các chủ đầu tư rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn và tiến độ triển khai thực hiện trong quyết định chủ trương đâu tư và quyết định đầu tư các dự án cho phù hợp với tiến độ bố trí vốn thực tế.

Đảm bảo tiến độ cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì là dự án huyết mạch trong phát triển KT-XH của Vĩnh Phúc nói riêng và vùng Thủ đô nói chung. Vì vậy, các cấp chính quyền trong tỉnh đang tăng cường phối hợp với các cơ quan Trung ương, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ triển khai dự án và hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra. Do được đầu tư xây dựng từ lâu nên đoạn đường này bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và không đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Để khắc phục tình trạng này, Khu Quản lý đường bộ I - Cục Đường bộ Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã khởi công sửa chữa nền, mặt đường từ Km13+00 - Km29+800 để đảm bảo ATGT, giúp việc đi lại của người dân an toàn hơn.

Trong khi dự án sửa chữa nền, mặt đường quốc lộ 2 đoạn từ thành phố Vĩnh Yên đi thành phố Phúc Yên được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ công việc, các cấp chính quyền trong tỉnh cũng tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương khẩn trương hoàn thành một số hạng mục công việc để khởi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì từ Km38+600 đến Km49+630. Được biết, dự án này ban đầu được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô mặt cắt nền đường từ 18-22m, tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, do Ban Quản lý các dự án đường thủy - Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án và phù hợp với quy hoạch của địa phương, UBND tỉnh đã có văn bản về việc đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lồng ghép nguồn vốn để thực hiện dự án. Đồng thời đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh quy mô nền đường từ 18-22m lên 18-26m phù hợp với quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành Trung ương và cam kết của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương để thực hiện dự án; đồng thời giao Bộ GTVT chủ trì, tổ chức thực hiện.

Theo đó, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư với quy mô nền đường từ 18-26m. Trong đó, đoạn từ Km38+600 - Km39+600 giữ nguyên quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn; đoạn từ Km39+600 - Km49+630 quy mô 6 làn xe tiêu chuẩn, đoạn qua khu vực dân cư xây dựng hệ thống thoát nước dọc; tổng mức đầu tư hơn 1.258 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT gần 800 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách của tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hơn 458 tỷ đồng. Quá trình triển khai các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao, Sở GTVT luôn tích cực, kịp thời phối hợp với chủ đầu tư trong việc xin ý kiến cơ quan thẩm định của Bộ GTVT. Chủ động triển khai công việc sau khi dự án được phê duyệt, Ban Quản lý các dự án đường thủy đã tổ chức khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, cắm mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án và bàn giao cho tỉnh để thực hiện GPMB, tái định cư theo quy định. Đồng thời hoàn thành tuyển chọn nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn quan trắc môi trường, sẵn sàng cho việc khởi công dự án. UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Tiểu dự án GPMB thuộc dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì và giao nhiệm vụ cho UBND 3 huyện: Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường tiến hành trích đo hồ sơ địa chính, trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, làm cơ sở kiểm đếm, lập phương án GPMB, tái định cư. Xác định khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực, tập trung rất cao của cả hệ thống chính trị và các cơ quan liên quan để có thể hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.

Trân Trân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/vinh-phuc-phan-dau-giai-ngan-von-dau-tu-cong-tren-95--i746765/