Virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyết ở Trung Phi nguy hiểm thế nào?

Đã có ít nhất 9 ca tử vong liên quan đến virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát ở Guinea Xích đạo tại Trung Phi.

Mầm bệnh có khả năng lây nhiễm cao, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 88%. Trước tình hình này, WHO vừa tổ chức cuộc họp khẩn để thảo luận về đợt bùng phát dịch nguy hiểm.

Virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyết ở Trung Phi nguy hiểm thế nào?

Virus Marburg gây bệnh sốt xuất huyết ở Trung Phi nguy hiểm thế nào?

Thuộc cùng họ virus với Ebola, Marburg được coi là cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra một dạng sốt xuất huyết do virus, dẫn đến chảy máu mũi, miệng hoặc các bộ phận cơ thể khác. Các triệu chứng khác bao gồm mất nước, buồn nôn, nôn, đau họng và đau bụng.

Virus Marburg thường xuất hiện ở dơi Rousettus. Khi con người nhiễm virus, mầm bệnh sẽ lây lan qua chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh hoặc với các bề mặt và vật liệu bị có virus bám trên.

Năm 2004, virus tấn công Angola và lây nhiễm cho 252 người, làm khoảng 90% số ca bệnh thiệt mạng. Năm ngoái, có 2 trường hợp tử vong do Marburg được báo cáo ở Ghana.

Theo WHO, tỷ lệ tử vong khi nhiễm mầm bệnh từ 24 - 88% trong các đợt bùng dịch trước đó, tùy vào chủng của virus và phương thức kiểm soát dịch bệnh ở từng khu vực.

Thời gian ủ bệnh Marburg từ 2 ngày đến 3 tuần. Các triệu chứng bắt đầu đột ngột với sốt dữ dội và đau đầu. Vài ngày sau khi khởi phát, nhiều bệnh nhân bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng kéo dài tới một tuần. Trường hợp nặng có kèm theo chảy máu trong tuần đầu tiên. Một số bệnh nhân nôn ra máu. Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người bệnh trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt và hung dữ.

Hầu hết các trường hợp tử vong chỉ kéo dài hơn một tuần, các trường hợp tử vong thường đi kèm với sốc và mất máu nghiêm trọng.

Vì vậy, trong cuộc họp khẩn WHO thông báo các chuyên gia y tế sẽ được cử đến nước này cùng đồ bảo hộ. Các mẫu bệnh phẩm sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm ở Senegal để giúp truy tìm nguồn gốc của đợt bùng phát mới tại Guinea Xích đạo.

Tới nay, chưa có vaccine hoặc liệu pháp kháng virus được phê duyệt để điều trị Marburg, nhưng WHO lưu ý một loạt các phương pháp điều trị tiềm năng đang được đánh giá, bao gồm: Các sản phẩm máu, liệu pháp miễn dịch và liệu pháp thuốc. Một số vaccine tiềm năng kháng virus này đang trong giai đoạn 1 thử nghiệm.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/virus-marburg-gay-benh-sot-xuat-huyet-o-trung-phi-nguy-hiem-the-nao-242562.html