Vitamin D có thực sự tốt cho phòng và điều trị Covid-19?

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp bùng nổ tại Anh vào thế kỷ XVIII, khói bụi dày đặc từ các nhà máy cộng với hiện tượng sương mù khiến con người ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Hệ lụy là một dị tật về xương xuất hiện ở hàng loạt trẻ em mà các nhà khoa học thời đó đặt tên là bệnh còi xương người Anh.

Khi trẻ được tắm nắng hoặc vô tình ăn dầu cá tuyết thì tình trạng còi xương được cải thiện rõ rệt.

Mãi đến năm 1930 mới thành công chiết xuất một chất đặc biệt từ dầu cá tuyết và đặt tên là vitamin D, theo thứ tự đã có vitamin A, B và C đã công bố trước đó.

Để tăng cường hệ miễn dịch, chúng ta nên tắm nắng sáng tầm 30 phút để cơ thể tổng hợp vitamin D3. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Để tăng cường hệ miễn dịch, chúng ta nên tắm nắng sáng tầm 30 phút để cơ thể tổng hợp vitamin D3. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Vitamin D có 2 loại: D2 (Ergocalciferol) chủ yếu được nạp từ thức ăn như cá, hào, lòng đỏ trứng, sữa, nấm… D3 (Cholecalciferol) được tổng hợp qua da nhờ tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời.

Vitamin D vừa là vitamin lại vừa có vai trò như một nội tiết tố giúp đảm bảo các hoạt động cần thiết trong cơ thể. Vitamin D vừa giúp cơ thể hấp thụ canxi để giúp xương, răng chắc khỏe, chống loãng xương, vừa tăng cường hệ miễn dịch. Thiếu vitamin D chúng ta có nguy cơ cao bị mắc bệnh đường hô hấp, đặc biệt là bệnh ung thư.

Vitamin D có liên quan gì đến Covid-19?

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Clinical Nutrition ESPEN do nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Toledo (Mỹ) thực hiện, trong đó so sánh 927 bệnh nhân Covid-19 có bổ sung vitamin D với 2.570 bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp cơ bản. Kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có bổ sung vitamin D phải đặt nội khí quản thấp hơn số bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp cơ bản 45% và số ngày nằm viện trung bình cũng ít hơn 1,26 ngày.

Một kết quả ấn tượng hơn nữa về vitamin D khi các nhà nghiên cứu Israel theo dõi 1.176 bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện. Ở những người thiếu vitamin D thì có nguy cơ bệnh trở nặng cao gấp 14 lần so với những người có đủ vitamin này. Người nhập viện thiếu vitamin D có tỉ lệ tử vong 26%, so với nhóm người có đủ lượng vitamin D là 3%.

Nguyên nhân được cho rằng: Vitamin D giúp hệ miễn dịch bẩm sinh và thu được hoạt động phối hợp nhịp nhàng hiệu quả chống lại mầm bệnh.

Ở hệ miễn dịch bẩm sinh, vitamin D giúp tổng hợp peptide kháng khuẩn cathelicidin. Giúp các tế bào đơn nhân, đại thực bào phát triển và tấn công mầm bệnh hiệu quả hơn.

Đối với hệ miễn dịch thu được, Vitamin D giúp cho tế bào limpho B nhanh tạo kháng thể để chống lại virus, vi khuẩn và sau đó lưu nhớ thông tin này cho các lần tấn công sau.

Vitamin D có tính kháng viêm, giảm nhẹ các triệu chứng nặng đối với bệnh nhân Covid-19.

Điều hòa hệ miễn dịch, giúp chúng hoạt động thông minh hơn, không tấn công thái quá, hạn chế nguy cơ cơn bão cytokine khiến cơ thể bị viêm toàn thân gây suy đa tạng, đây là nguyên nhân phổ biến gây tử vong cho bệnh nhân Covid-19 nặng.

Tạp chí khoa học BMJ năm 2017 đã công bố kết quả nghiên cứu về sự liên quan giữa bệnh đường hô hấp và vitamin D trên 11.000 bệnh nhân và kết luận rằng nếu được bổ sung được đủ vitamin D sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp đến hơn 50%.

Thiếu vitamin D còn gây hội chứng suy hô hấp cấp tính. Vì vậy, bệnh nhân Covid-19 nặng nhập viện sẽ được tiêm 50.000 IU (đơn vị quốc tế) vitamin D để giúp hệ miễn dịch chống lại virus, giảm nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong.

Để tăng cường hệ miễn dịch, chúng ta nên tắm nắng sáng tầm 30 phút để cơ thể tổng hợp vitamin D3. Ăn uống đầy đủ và cân bằng protid, glucid, lipid.

Vũ Hải Sơn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/14/131084/vitamin-d-co-thuc-su-tot-cho-phong-va-dieu-tri-covid-19