VN-Index 'ngóng' tin từ Fed

Trong tuần trước, chỉ số VN-Index có mức tăng khá tốt (1,12%) nhờ nỗ lực của nhóm cổ phiếu Vingroup (VIC, VHM, VRE) và một vài bluechips khác như VCB, BID, GAS… Tuy nhiên, mốc kháng cự mang tính chất tâm lý 1.000 điểm vẫn chưa được chỉ số này chinh phục.

 Nguồn: TTXVN

Nguồn: TTXVN

Mặc dù tăng điểm nhưng thanh khoản tuần qua giảm nhẹ với giá trị khớp lệnh bình quân sàn HSX đạt 3.000 tỉ đồng/phiên, giảm gần 5% so với tuần trước đó. Việc thị trường tăng điểm không đi kèm thanh khoản khiến nhà đầu tư có một chút e ngại về dòng tiền.

Điểm tích cực trong tuần là việc khối ngoại quay trở lại mua ròng gần 500 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động các quỹ ETF phát đi tín hiệu khá trái chiều. Trong khi FTSE Vietnam ETF bị rút ròng 35 ngàn chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 1,12 triệu đô la Mỹ thì các quỹ ETF khác như VNM ETF lại hút ròng khoảng 2,46 triệu đô la; VFMVN30 ETF hút ròng 7 tỉ đồng (300 ngàn đô la), iShare MSCI Frontier 100 ETF hút ròng 3 triệu đô la. Việc dòng tiền ETF đang dần trở lại (dù không quá mạnh) sau giai đoạn rút ròng đầu tháng 7 cũng là tín hiệu tích cực với thị trường lúc này.

Về các thông tin thế giới, số liệu sơ bộ GDP quí 2 của Mỹ được công bố vào thứ Sáu tuần trước với mức tăng 2,2% - cao hơn mức kỳ vọng 1,8% của các chuyên gia trước đó. Như vậy, so với mức tăng 3,1% trong quí 1, tăng trưởng của Mỹ đang cho thấy xu hướng chậm lại. Mức tăng trưởng này, dù chậm lại nhưng vẫn vượt kỳ vọng của thị trường, gợi mở khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa cắt giảm mạnh lãi suất ngay.

Trong tuần này, thông tin được trông đợi nhất là cuộc họp chính sách tháng 7 của Fed (sẽ cho kết quả vào sáng thứ Năm theo giờ Việt Nam). Tại thời điểm hiện tại, gần như toàn bộ thị trường đều kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25%, thậm chí một số nhà đầu tư còn trông đợi mức cắt giảm mạnh hơn, lên tới 0,5%. Do tăng trưởng GDP của Mỹ mới chỉ chậm lại chứ chưa bước vào giai đoạn suy thoái (được định nghĩa là GDP tăng trưởng âm hai quí liên tiếp) nên định hướng cắt giảm lãi suất lần này của Fed được đánh giá thiên về một “insurance cut”, tức Fed muốn hành động sớm để ngăn chặn đà suy giảm cũng như cố gắng kéo dài pha tăng trưởng hiện tại càng lâu càng tốt.

Ngoài ra, nền lạm phát thấp của Mỹ (liên tục duy trì dưới mức mục tiêu 2%) cũng là nguyên nhân thúc đẩy Fed hành động. Nếu Fed cắt giảm 0,25% đúng như kỳ vọng, tác động lên diễn biến thị trường chứng khoán có thể sẽ không quá lớn do thông tin này đã được phản ánh đáng kể vào giá trong suốt hơn một tháng qua. Chỉ trong trường hợp Fed cắt giảm mạnh hơn kỳ vọng (0,5%) thì thị trường có thể mới có phản ứng mạnh.

Tuy vậy, theo phân tích ở trên, xác suất xảy ra kịch bản này là rất thấp. Ngoài ra, đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng được tái khởi động vào đầu tuần này nhưng về cơ bản chưa thể kỳ vọng nhiều.

Tại châu Á tuần này cũng diễn ra phiên họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Tuy vậy, cuộc họp này diễn ra trước cuộc họp của Fed một ngày nên nhiều khả năng BoJ sẽ tiếp tục giữ nguyên chính sách tiền tệ như hiện tại để chờ đợi cuộc họp Fed.

Đối với Nhật, lạm phát mặc dù đã tăng lên mức 0,6% vào cuối tháng 6 (giúp Nhật thoái khỏi tình trạng giảm phát kéo dài) nhưng mức tăng này chưa thật sự bền vững và vẫn còn cách rất xa mục tiêu 2%. Ngoài ra, không gian chính sách còn lại của BoJ cũng rất eo hẹp vì lãi suất điều hành hiện tại đã quanh mức 0%. Nếu có kích thích thêm thì Nhật cũng sẽ chỉ tiếp tục các gói nới lỏng định lượng (QE). Ngoài lạm phát không đạt mục tiêu thì đồng yên có xu hướng mạnh lên cũng là nguyên nhân buộc BoJ phải cân nhắc công bố thêm các gói QE mới.

Trong nước, tuần này sẽ là hạn chót công bố báo cáo kết quả kinh doanh bán niên 2019. Hiện tại, khá nhiều doanh nghiệp lớn như nhóm Vingroup, VietinBank, HAGL… chưa công bố báo cáo và đây cũng là những thông tin rất được chờ đợi. Ngoài ra, trong phiên giao dịch ngày 2-8 sẽ diễn ra hoạt động cơ cấu danh mục của quỹ VFMVN30 ETF.

Với quy mô danh mục hiện lên tới gần 7.000 tỉ đồng, hoạt động cơ cấu của VFMVN30 ETF sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng tới thị trường. Trong tuần này, VFMVN30 ETF sẽ thêm BID, BVH vào danh mục, trong khi loại CII và DHG.

Về xu hướng thị trường, VN-Index hiện đang tiệm cận vùng kháng cự tâm lý xung quanh 1.000 điểm. Với một tuần có nhiều sự kiện quan trọng, cả trong nước và quốc tế, không loại trừ khả năng VN-Index sẽ rơi vào trạng thái điều chỉnh, tích lũy trước khi có thể chinh phục cột mốc 1.000 điểm.

Bình An

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292142/vn-index-ngong-tin-tu-fed.html