Vợ chồng kỹ sư theo đuổi mô hình canh nông đón khách
Cùng tốt nghiệp Khoa Nông lâm ngư nghiệp Trường Đại học Hồng Đức, chị Dương Thị Bàng cùng chồng luôn ấp ủ xây dựng một mô hình nông nghiệp hiện đại đúng với nghề đào tạo. Đến nay, nông trại trồng nho theo hướng công nghệ cao và các loại hoa kết hợp đón khách trải nghiệm, tham quan của 2 kỹ sư 8X đã thành hình và đi vào hoạt động khá ổn định ở xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn.
Vốn có kiến thức chuyên ngành nông nghiệp, vợ chồng chị Dương Thị Bàng vẫn là lao động chính trong nông trại theo đam mê.
Nằm cách TP Thanh Hóa hơn 10km là một khu nông trại hiện đại ngay ven tuyến đường từ TP Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn trên địa bàn xã Đồng Lợi. Dưới những khu giàn có mái che là gần 1.000 gốc nho - một giống cây trồng mới được chủ nông trại du nhập.
Những ngày đầu tháng 6 này, nho đang lúc lỉu những chùm quả, chính là thời điểm đẹp nhất để đón khách trải nghiệm. Theo kế hoạch, những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới là thời điểm thu hoạch nho.
“Vụ đầu tiên của năm 2024 này, nho được mùa, dự kiến sẽ cho sản lượng khoảng 4 tấn quả, trong đó khoảng 2,5 tấn nho sữa Hàn Quốc và 1,5 tấn nho hạ đen”, anh Hoàng Thanh Minh, chồng chị Bàng cho biết.
Cùng với phát triển trồng trọt, vợ chồng anh Minh, chị Bàng còn phát triển hoạt động tham quan, trải nghiệm vào thời điểm chính vụ và những ngày thu hoạch nho. Những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần đều có hàng chục đến cả trăm người đến để trải nghiệm. Tiếng lành đồn xa, nhiều trường mầm non ở TP Thanh Hóa và các huyện lân cận cũng tổ chức đưa các cháu đến tham quan, vui chơi tại khu nông trại này.
Được biết, năm 2011 khi hoàn thành chương trình học tập, rời giảng đường đại học, anh Minh, chị Bàng đã nên duyên vợ chồng sau đó. Buổi đầu khởi nghiệp của đôi vợ chồng kỹ sư nông nghiệp cũng đầy gian nan. Không việc làm, chị ở nhà làm nông nghiệp truyền thống theo đuổi đam mê. Anh đi làm thuê cho một công ty quy hoạch ở TP Thanh Hóa tìm hướng mưu sinh. Công việc đưa đẩy nên đến năm 2015, anh tiếp tục làm công tại công trường Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Năm 2017, khi trở về quê nhà, anh mới được nhận vào làm việc tại UBND xã Đồng Lợi.
Anh Hoàng Thanh Minh chăm sóc nho.
Dù làm việc ở đâu, khát vọng và đam mê với nông nghiệp của anh chị chưa bao giờ tắt. Hai vợ chồng bàn nhau phải xây dựng một mô hình khác với canh tác truyền thống ở địa phương nhằm tạo sự đột phá. Thế rồi, tìm hiểu thông tin thấy một số nơi ở miền Bắc trồng thành công cây nho, anh chị mày mò tìm hiểu kỹ thuật. Theo suy nghĩ của anh Minh, mình là cán bộ xã phụ trách mảng nông nghiệp nên phải là người đi tiên phong.
Nhưng để thực hiện được ước mơ thì phải có diện tích đủ lớn. Anh chị dồn đổi đất nông nghiệp về sát nhà, rồi lại một hành trình hoàn thiện thủ tục. Việc vận động bà con lối xóm không hề dễ dàng, nhưng anh chị không nản.
“Tuy không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều hộ vẫn không muốn chuyển đổi, sang nhượng. Từ năm 2017 tôi đã phải đến từng nhà trong thôn vận động cho thuê lại, thậm chí phải mua lại quyền sử dụng. Đến năm 2019 mới dồn đổi thành khu sản xuất tập trung 1ha như ngày nay”, anh Minh tâm sự.
Ban đầu là trồng hoa và các cây trồng nông nghiệp để lấy ngắn nuôi dài, dần hoàn thiện hạ tầng. Đến năm 2021, vợ chồng kỹ sư nông nghiệp mới có đủ vốn xây dựng các khu trồng nho với giàn bằng sắt, hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh. Vốn có kiến thức trồng trọt, cùng sự đam mê và học hỏi, sau gần 1 năm kiến thiết, vườn nho đã sai quả, cho thu nhập không ngờ.
“Với 2.500m2 chuyên canh nho, trong năm 2023 đã đem về nguồn thu 800 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 1/2 doanh thu. Năm nay chuẩn bị thu hoạch vụ đầu, tiếp tục được mùa với khoảng 4 tấn quả. Do canh tác theo quy trình hữu cơ và sản xuất an toàn, nên các thương lái trong và ngoài tỉnh đã đặt trước để cung ứng cho hệ thống siêu thị và hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn trong cả nước. Giá tại vườn vụ này dự kiến từ 300 đến 350 nghìn đồng/kg nho sữa Hàn Quốc và 150 nghìn đồng/kg với nho hạ đen", anh Minh chia sẻ.
Ngoài diện tích trồng nho, nông trại phát triển nhiều loại hoa như móng rồng, hướng dương, túy điệp... để phục vụ khách đến check in, tham quan. Cũng theo chị Bàng, hoạt động đón khách chỉ là phụ, nhưng 2 năm gần đây cũng cho thu nhập 50 đến 70 triệu đồng mỗi năm từ các dịch vụ liên quan.
Dự kiến cuối tháng 6, đầu tháng 7 này sẽ là thời điểm thu hoạch nho.
Vốn có kiến thức chuyên ngành, vợ chồng anh chị vẫn là lao động chính trong nông trại. Với ông chủ sinh năm 1987 này, ngoài quãng thời gian hành chính tại xã, khi trở về lại xắn tay lao động để thỏa đam mê. Là Chủ tịch Hội Nông dân và Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại xã Đồng Lợi, anh phải là người đi đầu trong phát triển nông nghiệp hiện đại để làm mới nền nông nghiệp quê nhà. Theo kế hoạch, thời gian tới, vợ chồng anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng nho, đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều khách đến trải nghiệm hơn nữa.
Bí thư Đảng ủy xã Đồng Lợi Lê Đình Sơn, cho biết: “Anh Minh là cán bộ trẻ, năng động, đam mê với nông nghiệp. Tuy còn tiếp tục phải đầu tư, hoàn thiện hạ tầng sản xuất, nhưng nông trại của anh đã trở thành điển hình trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Đây cũng chính là mô hình được xã chọn làm vườn trại kiểu mẫu trong XDNTM để từ đó tạo hiệu ứng, nhân rộng”.