Vở kịch đặc biệt

Vào tiết sinh hoạt của tuần trước, khi cô giáo chưa bước vào, lớp trưởng Linh lên bục giảng và thông báo thông tin quan trọng.

Học sinh Hà Nội biểu diễn nghệ thuật chào mừng ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh minh họa ITN.

Học sinh Hà Nội biểu diễn nghệ thuật chào mừng ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh minh họa ITN.

- Mọi người chú ý, lớp ta sẽ có một tiết mục văn nghệ vào giờ chào cờ thứ Hai tuần tới. Chúng ta nhận được chủ đề là ngày Giải phóng Thủ đô. Ai có ý tưởng gì về chủ đề này thì hãy tự tin phát biểu nhé!

Cả lớp lao xao bàn luận, hầu hết các ý kiến đều là về các tiết mục múa, hát những bài ngợi ca Hà Nội. “Hay là làm một vở kịch đi?”, một câu nói của ai đó vang lên lại trở thành ấn tượng nhất.

Các bạn tập trung vào ý tưởng này và bàn nhau sẽ làm một vở kịch kết hợp tiết mục hát “Tiến về Hà Nội”. Khung cảnh Hà Nội vào ngày 10/ 10/ 1954, khi người người, nhà nhà hân hoan trong niềm hạnh phúc của sự tự do, độc lập, sẽ được tái hiện lại.

Nhưng xong phần ý tưởng là đến phân công viết kịch bản cho vở kịch. Vì đây là một công việc đòi hỏi sự am hiểu lịch sử và sự tỉ mỉ, cẩn thận rất cao nên không ai trong lớp đứng ra nhận làm.

Trống ngực tôi đập thình thịch vì cứ đắn đo có nên xung phong hay không, nửa muốn làm nửa muốn “trốn”. Nhưng khi Linh chuẩn bị chỉ định ngẫu nhiên một người, tôi đã giơ tay: “Để tớ làm cho!”. Tôi quyết định dũng cảm thử thách bản thân mình một lần, nhận công việc ấy.

Là một người có niềm đam mê sâu sắc với lịch sử Việt Nam từ bé, tôi đã được học và tìm hiểu rất nhiều về ngày Giải phóng Thủ đô. Vì vậy, tôi nhanh chóng hoàn thành công việc viết kịch bản trong vỏn vẹn chỉ 5 ngày. Tôi đưa cho các bạn trong lớp đọc và góp ý để cùng nhau hoàn chỉnh kịch bản cuối cùng. Các nhân vật cũng dần được chọn ra, Linh lớp trưởng đảm nhận thêm nhân vật “em gái” trong vở kịch ý nghĩa này.

Nội dung vở kịch nói về một gia đình 4 người trong chiến dịch Điện Biên Phủ, người bố và con trai cả được lệnh ra mặt trận chiến đấu trực tiếp với quân địch. Cả nhà chỉ còn mẹ và em gái ở Hà Nội làm hậu phương vững chắc phía sau.

Từng ngày, từng ngày trôi qua, trong làng nhận về rất nhiều giấy báo tử, hai mẹ con ở nhà ngày nào cũng thấp thỏm lo sợ.

Bất chợt, vào buổi chiều ngày 7/ 5/ 1954, những chiếc loa xung quanh thành phố thông báo: “Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, buộc Pháp vào bàn đàm phán, kí kết hiệp định Genève”. Cả thành phố rạo rực trong tiếng reo hò vui mừng, trái tim của hai mẹ con cũng được buông lỏng.

 Phụ nữ Hà Nội chào đón bộ đội về giải phóng Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản.

Phụ nữ Hà Nội chào đón bộ đội về giải phóng Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản.

Sau đó, như để giúp 2 mẹ con thêm yên tâm, bố và anh trai đã gửi về nhà bức thư, thông báo rằng sẽ sớm về nhà, nghe theo sự sắp xếp của Hồ Chủ tịch.

Ngày nào hai mẹ con cũng trông ngóng, nghe tin từ đài báo. Đêm đến, con gái đã ngủ say nhưng mẹ vẫn thao thức không ngủ được. Dường như mẹ muốn tin vào sự thật nhưng cũng lo sợ sự thật đó sẽ tan biến mất.

Vào chiều ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân tập trung trên các cung đường, cùng nhau nghênh đón đoàn quân đang tiến vào Thủ đô, hát khúc khải hoàn.

Cả thành phố sáng bừng lên trong những lá cờ đỏ sao vàng, trong vô vàn nụ cười chiến thắng, trong những cái ôm đoàn tụ,… Bao người mẹ, người vợ nở những nụ cười rạng rỡ, ấm áp khi được tận mắt nhìn thấy người con, người chồng của mình trở về. Những đôi mắt tròn xoe, ngây ngô của những đứa trẻ cũng sáng lên vui mừng khi thấy thành phố ngập tràn trong niềm vui ngày giải phóng.

Từ đầu đường, hai mẹ con cũng sửa soạn áo quần, cầm lá cờ vẫy cao. Nhìn thấy hai người thân yêu nhất của mình đang mỉm cười kiêu hãnh đi trong đoàn diễu hành, hai mẹ con vừa mừng vừa chờ đợi. Khi cả đoàn tiến gần hơn, bố và anh trai xuất hiện, người mẹ và em gái không thể chờ đợi thêm mà lao vào lòng, trao cho nhau những bó hoa và chiếc ôm gắn bó sau bao ngày không gặp.

Vở kịch cũng kết thúc tại đó, trong khung cảnh ngập tràn niềm vui, tốp ca của lớp sẽ trình diễn bài “Tiến về Hà Nội” theo kế hoạch.

Vào ngày thứ Hai trình diễn, tôi đã rất lo lắng, không biết mọi người sẽ cảm thấy thế nào về vở kịch của mình. May mắn rằng, khi tiết mục kết thúc, những tràng vỗ tay vang lên không ngừng, các thầy cô trong bộ môn Lịch sử đã dành không ít lời khen ngợi cho chúng tôi. Tôi còn lặng người hạnh phúc khi thấy một vài thầy cô, anh chị khóa trên xúc động rơi nước mắt.

Qua lần viết kịch bản ấy, được góp phần tái hiện lại khung cảnh ngày Giải phóng Thủ đô thiêng liêng của dân tộc, tôi cũng phần nào hiểu hơn về nỗi mất mát, chia ly của các cuộc chiến tranh và dấu mốc son chói lọi của Thủ đô.

Ngoài ra, trong tim tôi cũng thêm biết ơn và tự hào vì những chiến công lẫy lừng, những giọt mồ hôi, nước mắt cùng xương máu của bao anh hùng đã ngã xuống cho lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.

Tạ Hồng Ánh (Lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Tất Thành,Hà Nội)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vo-kich-dac-biet-post703418.html