Với 'lợi thế đi sau' và 'chuyển làn, vượt xe', kinh tế Trung Quốc còn tăng trưởng đến mức nào?

Bất chấp các yếu tố bất lợi, chỉ cần duy trì sức mạnh, tiếp tục sử dụng các lợi thế riêng có, Trung Quốc vẫn có tiềm năng tăng trưởng kinh tế lên đến 8%/năm giai đoạn từ nay đến 2035.

Trong 40 năm kể từ khi bắt đầu cải cách mở cửa vào năm 1979 đến năm 2019, kinh tế Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,4%/năm.. (Nguồn: CNN)

Trong 40 năm kể từ khi bắt đầu cải cách mở cửa vào năm 1979 đến năm 2019, kinh tế Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,4%/năm.. (Nguồn: CNN)

Lâm Nghị Phu, chuyên gia kinh tế nổi tiếng từng giữ chức Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB), đã nhấn mạnh trong buổi ra mắt cuốn sách Phương pháp nghiên cứu kinh tế cấu trúc mới rằng, mặc dù tồn tại các nhân tố ảnh hưởng bất lợi như già hóa dân số, xung đột quan hệ Mỹ-Trung, nhưng trong giai đoạn 2021-2035, Trung Quốc chỉ cần duy trì sức mạnh, tiếp tục sử dụng “lợi thế đi sau” và lợi thế “chuyển làn, vượt xe”, nước này vẫn có tiềm năng tăng trưởng kinh tế lên đến 8%/năm.

Hai lợi thế quan trọng

Chuyên gia Lâm Nghị Phu nhấn mạnh, hai lợi thế lớn kể trên có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai, xét từ lợi thế của người đi sau, khoảng cách giữa Trung Quốc và các nước phát triển đã thể hiện tiềm năng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Quan sát từ một góc độ khác, trong 40 năm kể từ khi bắt đầu cải cách mở cửa vào năm 1979 đến năm 2019, kinh tế Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,4%/năm.

Nếu tham khảo kinh nghiệm ở các nước phát triển hàng đầu trước đó như Mỹ, Nhật Bản hoặc các nước, khu vực đang phát triển như 4 “con rồng” châu Á, có thể thấy những nền kinh tế này đều có hiện tượng suy giảm sau khi tăng trưởng với tốc độ cao trong thời gian khoảng 30 năm.

Điều này có nghĩa là các nền kinh tế chuyển từ giai đoạn tăng trưởng cao (với tốc độ 10% hoặc trên 10%) sang giai đoạn tăng trưởng trung bình (tốc độ 8% hoặc 6%), thậm chí rơi vào giai đoạn tăng trưởng thấp (4% hoặc 2%).

Đối chiếu với Trung Quốc, bắt đầu khoảng trước hoặc sau năm 2013, nước này đã có hiện tượng chuyển từ giai đoạn tăng trưởng cao sang giai đoạn tăng trưởng trung bình.

Nhìn chung, không có gì đáng ngạc nhiên khi kinh tế Trung Quốc xuất hiện trạng thái tăng trưởng chậm hơn nữa trong 5 đến 10 năm tới hoặc dài hơn.

So sánh hai luận điểm này, có thể thấy được đánh giá tương đối lạc quan của ông Lâm Nghị Phu về tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai.

Dưới góc nhìn phương pháp luận, ông Lâm Nghị Phu dựa vào số liệu thống kê khách quan để chứng minh cho lý thuyết “lợi thế đi sau” của mình, thể hiện sự chặt chẽ và tương đối có sức thuyết phục.

Còn bao nhiêu tiềm năng tăng trưởng?

Ngoài ra, từ góc độ của lý thuyết phát triển và cải cách, ông Lâm đưa ra quan điểm khác về việc Trung Quốc còn bao nhiêu tiềm năng tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Chính sách phát triển của Trung Quốc từ năm 1979 đến nay có thể chia thành hai giai đoạn, hoặc có thể lấy Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012 làm ranh giới.

Trước Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao quen thuộc của Trung Quốc chủ yếu dựa vào 4 lợi tức chính, gồm lợi tức toàn cầu hóa, lợi tức lao động, lợi tức cải cách và lợi tức thấu chi. Các lợi tức này là lợi nhuận thu được từ tiến trình toàn cầu hóa, lực lượng lao động, nỗ lực cải cách hay thấu chi.

Đầu tiên là lợi tức toàn cầu hóa. Năm 1979 khi thực hiện cải cách, Trung Quốc chuyển từ một nền kinh tế đóng cửa sang nền kinh tế mở cửa, từng bước hội nhập vào hệ thống toàn cầu.

Thứ hai là lợi tức lao động khi Bắc Kinh đã có thể phát huy tối đa lợi thế so sánh của lao động và đất đai, tấn công thị trường toàn cầu.

Thứ ba là lợi tức cải cách. Mỗi bước tiến cải cách sẽ có thể giải phóng hiệu quả, năng lượng và lực lượng sản suất nhiều hơn. Khi cải cách liên tục, việc giải phóng lực lượng sản xuất không bao giờ ngừng lại.

Cuối cùng là lợi tức thấu chi (overdraft). Khái niệm này đề cập thấu chi đối với môi trường, sinh thái, tài nguyên và quyền lợi của nhóm người dễ bị tổn thương. Điều đó tất nhiên hình thành một động lực tăng trưởng không lành mạnh và không bền vững.

Đến Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, Bắc Kinh đã đưa ra quyết định “cải cách sâu sắc toàn diện”. “Toàn diện” nghĩa là chuyển từ việc chú trọng vào cải cách kinh tế trước đó sang cải cách toàn diện tất cả các lĩnh vực khác như xã hội, chính trị, văn hóa và môi trường sinh thái, đồng thời cần phải đi vào chiều sâu.

Bên cạnh đó, tình hình quốc tế cũng bắt đầu xuất hiện những thay đổi lớn, toàn cầu hóa gặp trở ngại nghiêm trọng và quan hệ Mỹ-Trung xuất hiện sự thay đổi về chất.

Do đó từ năm 2013 đến nay, cũng là thời kỳ đầu của giai đoạn hai (2.0) cải cách mở cửa Trung Quốc, dưới sự đan xen phức tạp của các nhân tố bên trong và bên ngoài, kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện sự suy giảm đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên dưới 9% trước đó của Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển sang tăng trưởng tốc độ trung bình trên dưới 6%. Điều này rất dễ làm nảy sinh cảm giác kỷ nguyên tăng trưởng tốc độ cao đã qua đi và Trung Quốc sẽ tiếp bước các nước như Mỹ, Nhật Bản… đối diện với hiện thực kinh tế tiếp tục tụt dốc.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng tốc độ tăng trưởng suy giảm trong thời kỳ đầu của giai đoạn hai cải cách mở cửa có thể chỉ là một hiện tượng mang tính giai đoạn, nhiều khả năng nền kinh tế sẽ bật tăng trở lại sau một thời gian.

Khi kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn 2.0, 4 lợi tức lớn của giai đoạn 1.0 đều sẽ có sự thay đổi. Trước hết, lợi tức toàn cầu hóa sẽ chuyển thành lợi tức “vòng tuần hoàn bên trong và bên ngoài”.

Tiếp đó, lợi tức lao động sẽ chuyển thành lợi tức công nghệ và đổi mới, hiện tượng này đã xuất hiện và đang bùng nổ.

Lợi tức thấu chi ban đầu cũng sẽ chuyển thành lợi tức xanh và lợi tức cùng phồn thịnh do cải cách môi trường sinh thái và xóa đói giảm nghèo toàn diện, thực hiện khá giả và thịnh vượng chung.

Tất cả những vấn đề này đều liên quan đến lợi tức cải cách quan trọng nhất. Đối với Trung Quốc, cải cách là lợi tức lớn nhất, chỉ cần tiếp tục cải cách sâu sắc toàn diện, thì lợi tức trên từng lĩnh vực sẽ tiếp tục được giải phóng.

Kinh tế Trung Quốc còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, mặc dù phương pháp phân tích khác nhau, nhưng kết luận đưa ra vẫn tương tự, tất cả đều có thể kỳ vọng lạc quan.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/voi-loi-the-di-sau-va-chuyen-lan-vuot-xe-kinh-te-trung-quoc-con-tang-truong-den-muc-nao-154106.html