Vốn chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Những năm qua, chính sách tín dụng dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi đã góp thêm sức mạnh, chuyển đổi căn bản nhận thức của đồng bào khi mạnh dạn vay vốn, thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vốn chính sách giúp đồng bào dân

 Vay vốn chính sách làm dệt thổ cẩm ở xã Phan Hòa.

Vay vốn chính sách làm dệt thổ cẩm ở xã Phan Hòa.

Một trong những khó khăn lớn nhất của người nghèo, đồng bào DTTS ở miền núi là thiếu nguồn vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Xác định được điều này, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tạo mọi điều kiện để người nghèo, đồng bào DTTS tiếp cận vốn vay ưu đãi thông qua các tổ chức đoàn, hội. Tại huyện miền núi Đức Linh nơi có khoảng 1.071 hộ đồng bào DTTS sống tập trung ở 3 thôn gồm thôn 7, xã Đức Tín, thôn 9, xã Mê Pu, thôn 4, xã Trà Tân. Chúng tôi gặp ông Mang Tụ ở thôn 7, xã Đức Tín sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Từ hộ nghèo ông đã vươn lên thoát nghèo làm ăn khấm khá. Ông Mang Tụ cho biết: “Được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện vay vốn từ NHCSXH mình rất phấn khởi đầu tư phát triển đàn bò. Ban đầu mình chỉ mua con đực, con cái làm giống, bò sinh sản bán có lãi. Nhờ chăm chỉ chăn nuôi, chăm sóc đàn bò nay đã tăng lên 20 con, hàng năm đều cho gia đình nguồn thu nhập ổn định”.

Cùng với nhiều chính sách ưu tiên vùng đồng bào DTTS, vốn vay đã giúp đồng bào Châu Ro ở thôn 7, xã Đức Tín từ thôn đặc biệt khó khăn của huyện Đức Linh có bước chuyển mới trong phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ vay vốn chăn nuôi, trồng cây ăn trái cho thu nhập ổn định, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của thôn đã được kéo giảm từ 25% năm 2014 xuống còn 4,5% năm 2020. Còn tại xã Phan Hòa - huyện miền núi của Bắc Bình, nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều phụ nữ ở xã đầu tư máy móc, nguyên liệu vải duy trì nghề dệt thổ cẩm gìn giữ làng nghề truyền thống của địa phương như hộ bà Nguyễn Thị Tỳ Chớ ở thôn Bình Thắng, bà Đào Thị Nhỏ ở thôn Bình Minh, bà Nguyễn Thị Phía…

Với đặc thù hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước đã được NHCSXH tỉnh chuyển tải đầy đủ đến các đối tượng thụ hưởng, thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thống kê của NHCSXH tỉnh, đến 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh có gần 13.000 khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình cho vay với doanh số cho vay là 96,4 tỷ đồng/3.114 hộ, doanh số thu nợ gần 70 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 385 tỷ đồng, chiếm 13%/tổng dư nợ của ngân hàng. Dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 27,5 triệu đồng so với mức bình quân chung là 29 triệu đồng. Nguồn vốn chính sách trong năm 2020 đã giúp đồng bào DTTS tỉnh có trên 400 hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho 9 lao động; giúp 403 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1.700 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn...

Ông Nguyễn Thanh Tuyền – Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, vốn tín dụng chính sách xã hội từng bước làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS từ mặc cảm, tự ti, nay mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả. Từ đó, giúp đồng bào dần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo.

T.Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/von-chinh-sach-giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vuon-len-135757.html