VPI dự báo giá xăng giảm, giá dầu tăng trong kỳ điều hành ngày mai
Tại kỳ điều hành ngày sắp tới (31/10), giá xăng được dự báo giảm nhẹ 1 - 1,8% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày mai (31/10), giá xăng giảm nhẹ 1 - 1,8% nếu Liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia phân tích dữ liệu của VPI, mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá bán lẻ xăng E5 RON 92 có thể giảm 190 đồng (1%) về mức 19.500 đồng/lít, còn xăng RON 95-III có thể giảm 368 đồng (1,8%) về mức 20.522 đồng/lít.
Mô hình của VPI cũng dự báo kỳ này giá dầu bán lẻ kỳ này lại có xu hướng tăng từ 174 - 458 đồng. Theo đó, dầu diesel tăng 1% lên 18.224 đồng/lít, dầu hỏa tăng 2,5% lên mức 19.028 đồng/lít, còn dầu mazut dự báo tăng 2,4% lên mức 16.610 đồng/kg. VPI dự báo Liên bộ Tài chính - Công Thương kỳ này sẽ tiếp tục không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trong sáng nay (30/10), giá xăng dầu thế giới ổn định trở lại sau khi giảm ở hai phiên giao dịch trước đó, nhờ vào dữ liệu cho thấy lượng dầu thô và xăng dự trữ của Mỹ giảm bất ngờ.
Theo đó, vào lúc 8h (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 71,3 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 67,4 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, cả giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI đều đi ngang và có xu hướng tăng nhẹ.
Trước đó, trong phiên ngày 28/10, giá dầu thế giới giảm mạnh 6%, tương đương hơn 4 USD/thùng, sau khi hành động đáp lại của Israel nhằm vào các cơ sở quân sự của Iran hôm 26/10 không ảnh hưởng đến các cơ sở dầu mỏ và hạt nhân, do đó không gây gián đoạn nguồn cung năng lượng. Bên cạnh đó, thị trường dầu thế giới cũng nhận được thông tin về khả năng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Trung Đông.
Lưu ý, nhu cầu dầu từ Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới tiếp tục sụt giảm, gây áp lực lên sức tiêu thụ và giá dầu toàn cầu.
Saudi Aramco, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Saudi Arabia cho hay, thị trường dầu hiện đang cân bằng và dự kiến nhu cầu sẽ đạt trung bình 104,5 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã giữ nguyên chính sách sản lượng dầu trong tháng trước, bao gồm kế hoạch bắt đầu tăng sản lượng từ tháng 12/2024.