Vụ 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc: Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút kinh nghiệm
Trong thông báo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát đi chiều 26-9, cơ quan này chỉ rút kinh nghiệm sau sự cố bỏ trốn tại Hàn Quốc của 9 thành viên, được cho là doanh nhân tham gia Diễn đàn đầu tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc vào tháng 12-2018, đi cùng đoàn thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Sự việc diễn ra cách đây 9 tháng nhưng mới được dư luận biết đến khi Đài truyền hình Hàn Quốc MBC ngày 15-9 đưa tin vụ việc 9 người Việt Nam bỏ trốn trong hoàn cảnh như trên và nay đã có 2 người bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt, trục xuất về nước.
Thông tin chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm 26-9 xác nhận rằng, tháng 12-2018, cơ quan này kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức Diễn đàn đầu tư và thương mại Việt- Hàn, một hoạt động bên lề chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc.
Thành phần đoàn doanh nghiệp do Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) chuẩn bị, bay cùng chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội.
Khi chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội kết thúc, phía Việt Nam phát hiện 9 người đăng ký bên đoàn doanh nghiệp bỏ trốn, bỏ lại cả hộ chiếu. Đoàn Việt Nam vẫn về nước và từ đó đến nay, phía Hàn Quốc mới phát hiện được 2 người trong số 9 người bỏ trốn nói trên, và trục xuất về nước.
Phía Văn phòng Quốc hội, qua lời Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cho rằng số người trên không nằm trong danh sách đoàn thăm chính thức và trách nhiệm thuộc về Bộ KH-ĐT. Kinh phí cũng do Bộ KH-ĐT và các bên liên quan phía Chính phủ chuẩn bị. Thậm chí, ông Phúc còn cho rằng, 9 người này chỉ nằm trong danh sách “đi nhờ” chuyên cơ, theo phần trả lời trên Báo Tuổi trẻ ngày 25-9.
Còn phía Bộ KH-ĐT lên tiếng rằng đã chỉ đạo Cục đầu tư nước ngoài, đơn vị đầu mối tổ chức đoàn “tiến hành rà soát, rút kinh nghiệm để có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài trong thời gian tới”.
Bộ KH-ĐT cho rằng, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi cùng đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Chính phủ hay Quốc hội trong các hoạt động chính trị, ngoại giao ở nước ngoài là chủ trương đúng đắn, hỗ trợ doanh nghiệp và các địa phương mở rộng hoạt động xúc tiến đầu tư.
Danh tính 9 người bỏ trốn trong đoàn doanh nghiệp chưa được tiết lộ.
Hàng năm, có hàng ngàn người Việt Nam trốn ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Những ngưởi này qua Hàn Quốc bằng con đường du học, du lịch, làm giải phẫu thẩm mỹ hoặc kết hôn giả. Việt Nam và Hàn Quốc đã nhiều lần ký kết các Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (EPS) nhưng cũng đã 2 lần, chương trình phải tạm dừng khi hết hiệu lực khi tỷ lệ bỏ trốn của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc trên 30%. Phía Hàn Quốc nhiều lần yêu cầu khi Việt Nam giảm tỉ lệ này xuống dưới 30% thì mới nối lại các chương trình chính thức.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong 15 địa phương có số người lao động bỏ trốn nhiều nhất, chiếm đến 85% lao động bất hợp pháp của Việt Nam, có các tỉnh thành như Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Nội...
Lan Nhi