Vụ Cty địa ốc Alibaba: 'Sập bẫy' vì tin vào lợi nhuận

Với con số nạn nhân lên đến vài nghìn người, phiên tòa xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền diễn ra tại Cty địa ốc Alibaba thời gian gần đây đã thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận. Điều đáng nói, trong các bị hại, nhiều người thừa nhận rằng, họ đã không cưỡng lại được sự hấp dẫn từ các điều kiện mà Alibaba nêu ra.

Các bị hại đến khai báo và nộp hồ sơ tại tòa sáng 13/12

Các bị hại đến khai báo và nộp hồ sơ tại tòa sáng 13/12

Sức hấp dẫn

Ngày 8/12 TAND TP HCM mở phiên xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, quê Gia Lai, Chủ tịch HĐQT Cty CP địa ốc Alibaba) cùng 22 đồng phạm về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền". Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài gần 1 tháng và có khoảng 5.000 người tham gia.

Tham gia phiên tòa có hơn 40 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ bị hại, người có quyền nghĩa vụ liên quan. Với số người bị hại lên đến khoảng 4.500 bị hại và số tiền bị chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng, liên quan 58 dự án (DA) trên địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây được nhận định là vụ án "kỷ lục" về số lượng bị hại, số lượng bút lục hồ sơ, người liên quan.

Các nạn nhân của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm, thuộc rất nhiều lứa tuổi, ngành nghề cũng như ở nhiều địa phương. Số tiền họ bỏ ra cũng khác nhau, nhưng họ có một điểm chung, đó là quá tin vào viễn cảnh “tươi đẹp” của DA mà Luyện đã vẽ ra. Không quá mù mờ cũng như nóng vội, sau khi theo dõi Cty địa ốc Alibaba từ 2017 – 2019, một nạn nhân ở Bình Tân (TP HCM), đã “xuống tiền” mua tổng cộng 3 đất thuộc 2 DA của Alibaba với số tiền là gần 650 triệu đồng.

Trong 3 hợp đồng đã mua có một hợp đồng mua suất của nhân viên Alibaba (do nhân viên Alibaba đứng tên cùng nhưng tiền do người này trả hết). Nạn nhân này cho rằng, việc diễn ra ở Alibaba được làm rất bài bản. Những DA được giới thiệu với giá rất rẻ, từ 100 triệu đến 200 triệu/nền.

Đã vậy, nếu đồng ý mua suất ở DA, người mua còn có cơ hội… trả góp. Với lời mời dễ chịu như trên, nạn nhân đã mua 2 nền với giá 570 triệu đồng, theo hợp đồng thì ngoài việc sở hữu đất, Cty sẽ tính lãi hàng tháng trên số tiền mà nạn nhân này đã mua vào. Tuy nhiên, khi không nhận được lãi như thỏa thuận, nạn nhân này tiếp tục được nhân viên của Alibaba dụ mua hợp đồng thứ 3 với suất của nhân viên để được… trả góp. Và dĩ nhiên, nạn nhân lại bỏ thêm tiền để mua thêm một lô mới và trả góp chính bằng số tiền lãi mà anh được nhận từ 2 thửa đã mua trước.

Cũng có nạn nhân cho biết, trước khi ký hợp đồng mua đất đã được nhân viên Alibaba dẫn đi xem DA. Khi đến khu đất thì thấy xung quanh toàn rừng, không chia nền như quảng cáo. Tuy nhiên, do tin tưởng vào cam kết lợi nhuận, tính pháp lý của các DA mà nhân viên môi giới của Cty Alibaba giới thiệu nên đã mạnh dạn mua 1, 2 lô đất ở các vị trí đơn vị này giới thiệu. Với nạn nhân khác, họ cũng thừa nhận, lời mời của Alibaba rất hấp dẫn. Nghe xong những lời quảng cáo có cánh đó, người nghe không thể… không mua. Theo họ, Alibaba cam kết chắc chắn có lợi nhuận nếu đầu tư vào DA...

Nạn nhân có lấy lại được tiền không?

Đến tòa, phần lớn các bị hại đều mong muốn nhận lại được số tiền mình bỏ ra, cũng có nhiều bị hại lại đề nghị nhận lại đất. Tuy nhiên, theo đại diện VKS thì các thửa đất mà Cty Alibaba được quyền sử dụng đều đang là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi lên đất thổ cư. Do đó đất này chưa được Nhà nước tách lô tách thửa.

Vì vậy, Alibaba đang bán thứ mà Alibaba chưa có, nên khi bị hại yêu cầu được nhận lại đất thì tòa cũng không thể chia đất cho các bị hại. Và liệu nạn nhân có lấy lại được tiền không trong vụ án này, theo luật sư Hoàng Thị Rinh, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc đó phụ thuộc vào việc chứng cứ của nạn nhân cung cấp cho CQĐT thế nào để đơn vị này xác định xem người đó có phải là nạn nhân hay không.

“Vụ việc này có hơn 4.000 bị hại với tổng số tiền Nguyễn Thái Luyện và cộng sự lừa đảo khoảng 2.500 tỷ đồng. Hiện tại, cơ quan chức năng đã thu giữ được trên 200 tỷ đồng tiền mặt và một số miếng đất trị giá khoảng trên 1.600 tỷ đồng. Nếu số đất này đem đấu giá ra, khả năng bị hại sẽ lấy được tiền, khoảng trên 60% tổng số tiền đã đầu tư” – luật sư Rinh phân tích.

Theo luật sư Rinh, sau khi có bản án của tòa, nếu không có kháng cáo, tòa sẽ tiến hành kê biên tài sản, còn đất sẽ đem đấu giá. Thời gian lâu hay nhanh tùy thuộc vào quá trình đấu giá. Sau khi đấu giá xong, thu được bao nhiêu tiền thì bộ phận thi hành án sẽ tiến hành chia cho nhà đầu tư theo tỷ lệ.

“Để tránh những câu chuyện tương tự xảy ra, trước khi quyết định mua một DA người dân cần tìm hiểu và suy nghĩ kỹ xem những lời hứa về lợi nhuận mà chủ đầu tư cam kết có thực tế hay không? Họ lấy tiền từ đâu để trả cho nhà đầu tư mức lợi nhuận đó. Bên cạnh đó, điều không thể bỏ qua đấy là người dân buộc phải xem xét rất kỹ tính pháp lý của DA” – luật sư Rinh nói.

Cũng theo luật sư Rinh, đối với DA đất nền buộc phải hoàn thiện pháp lý, đặc biệt là khi có quy hoạch 1/500, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt hạ tầng mới được quyền bán. “Hạ tầng của Alibaba chưa được chính quyền phê duyệt thông qua. Đây là lỗ hổng rất lớn mà khi đi mua đất, người dân đã bỏ qua, tạo điều kiện cho Alibaba chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng tiền xương máu của họ”.

5 bước lừa đảo các bị hại của Nguyễn Thái Luyện

Bước 1: Nguyễn Thái Luyện dùng phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng, chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Cty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn.

Bước 2: Những cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập để các Cty này tự vẽ "DA" không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định theo chỉ đạo của Luyện.

Bước 3: Sau khi nhận ủy quyền, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư các DA, tự vẽ không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân dùng để quảng cáo bán sản phẩm.

Bước 4: Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong DA tự vẽ với Cty Alibaba để Cty này trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các DA, tạo ra giao dịch ảo.

Bước 5: Sau khi khách hàng đồng ý mua theo sự quảng cáo của Cty Alibaba, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Cty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/vu-cty-dia-oc-alibaba-sap-bay-vi-tin-vao-loi-nhuan-316304.html