Vụ hàng chục con hổ chết do cúm A/H5N1: Nghi nguồn bệnh từ thức ăn

Từ ngày 8 đến 22/9 tại KDL Vườn Xoài có 20 cá thể hổ Bengal và 1 cá thể báo đen đã chết. Triệu chứng trước khi chết, hổ bỏ ăn, đi lại yếu và sốt. Nguồn gốc lây bệnh trên hổ, báo vẫn chưa xác định được nhưng không loại trừ khả năng lây từ nguồn thức ăn là thịt gà vì thú xuất hiện triệu chứng lây nhiễm đồng loạt.

Ngày 2/10, đoàn Thú y vùng VI phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai làm việc với Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (KDL Vườn Xoài) về vụ việc nhiều cá thể hổ chết do nghi bị cúm A/H5N1.

Theo lãnh đạo KDL Vườn Xoài, bắt đầu từ ngày 8 đến 22/9 tại KDL Vườn Xoài có 20 cá thể hổ Bengal và 1 cá thể báo đen đã chết. Triệu chứng trước khi chết, hổ bỏ ăn, đi lại yếu và sốt… Cơ quan chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm trên hổ chết gửi đi xét nghiệm cúm A/H5N1.

Hổ Bengal tại KDL Vườn Xoài

Hổ Bengal tại KDL Vườn Xoài

Ngay khi xảy ra tình trạng hổ chết, KDL Vườn Xoài đã báo với Hạt Kiểm lâm Biên Hòa và Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai phối hợp với Trạm Thú y Biên Hòa đến mổ khám, lấy mẫu. Cơ quan chức năng đã mổ lấy mẫu bệnh phẩm. Kết quả chẩn đoán của Trạm Thú y Biên Hòa là “nghi viêm phổi”. Các mẫu bệnh phẩm cũng được gửi đi xét nghiệm cúm A/H5N1.

Trước nguy cơ hổ ở KDL Vườn xoài bị chết nghi do nhiễm cúm A/H5N1, KDL Vườn Xoài đã thực hiện các biện pháp cách ly các cá thể hổ, báo còn lại trong đàn; tổ chức công tác sát trùng, khử độc khu vực nuôi nhốt thú, khu bảo quản xác thú.

Đoàn công tác Thú y vùng VI yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai lấy thêm mẫu bệnh phẩm trên hổ và báo xét nghiệm cúm A/H5N1. Yêu cầu KDL Vườn Xoài thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H5N1 như cách ly vật nuôi, không cho nhập thú nuôi mới về, thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng để hạn chế lây lan trên đàn vật nuôi; hạn chế người tiếp xúc với đàn vật nuôi, những người trực tiếp chăm sóc, tiếp cận đàn vật nuôi phải thực hiện các biện pháp bảo hộ như đeo khẩu trang…

Theo cơ quan Thú y này, trên thế giới đã ghi nhận cúm A/H5N1 lây trên nhiều loài như bò, hải cẩu, các loài chim hoang dã, mèo… nhưng đây là lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện dịch cúm trên cá thể hổ, báo.

Theo Thú y vùng VI, đến nay, nguồn gốc lây bệnh trên hổ, báo vẫn chưa xác định được nhưng không loại trừ khả năng lây từ nguồn thức ăn là thịt gà vì thú xuất hiện triệu chứng lây nhiễm đồng loạt. Cơ quan chuyên môn này cũng yêu cầu KDL Vườn Xoài cần xây dựng quy trình chặt chẽ hơn trong kiểm soát nguồn thức ăn cho vật nuôi, nhất là phải kiểm soát được chất lượng cũng như truy xuất được nguồn gốc nguồn thức ăn này.

Trước đó, ngày 30/9, Viện Pasteur TPHCM có báo cáo gửi Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về việc ghi nhận động vật hoang dã nhiễm cúm A/H5N1. Theo đó, Viện Pasteur nhận được thông tin chia sẻ từ Chi cục Thú y vùng VI về việc ghi nhận hổ chết có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N1 tại vườn thú Mỹ Quỳnh (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) và hổ chết chưa rõ nguyên nhân tại Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP Biên Hòa).

Cụ thể, từ tháng 8/2024 đến ngày 16/9/2024 tại vườn thú Mỹ Quỳnh, có 27 cá thể hổ và 3 cá thể sư tử bị chết, trong đó có 3 cá thể hổ mới nhập về từ Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (Đồng Nai) vào ngày 6/9/2024. Tại tỉnh Long An xác định có 3 nhân viên vườn thú Mỹ Quỳnh tiếp xúc trực tiếp với hổ. Tại tỉnh Đồng Nai có khoảng 30 người tiếp xúc với hổ. Hiện chưa ghi nhận người tiếp xúc gần với hổ có triệu chứng viêm hô hấp.

Mạnh Thắng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vu-hang-chuc-con-ho-chet-do-cum-ah5n1-nghi-nguon-benh-tu-thuc-an-post1678599.tpo