Vụ khóa cổng 278 nhà có F2 để phòng chống Covid-19: Sáng tạo hay cực đoan?
Luật sư cho rằng, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay thì không có văn bản nào quy định về việc khóa cửa nhốt người dân là F2 ở trong nhà.
Khóa cổng đối với các hộ gia đình có F2 là việc làm chưa có tiền lệ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: hoanghoa.gov.vn
Như báo Nhà báo & Công luận đã đưa tin, ngày 31/8, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch xã Hoằng Thái (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã khóa cổng 278 hộ gia đình có đối tượng F2 để phòng chống dịch do trước đó ngày 28/8, trên địa bàn xã phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19. Theo đó, tất cả các hộ gia đình có đối tượng F2 đang cách ly tại nhà sẽ bị khóa cổng, bàn giao chìa khóa cho chủ tịch xã và trưởng thôn. Các trường hợp F2 sẽ được kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt hằng ngày. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và trưởng các thôn sẽ có trách nhiệm cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình đang cách ly.
Giải thích về việc khóa cổng các hộ gia đình để phòng chống dịch, ông Trịnh Hữu Vui, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái cho rằng, do số lượng F2 và những người thuộc diện phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà rất đông nên không thể 24/24h cắt cử người giám sát hết được nên xã chọn cách làm là khóa cổng, giao chìa khóa cho cán bộ giữ. Cũng theo ông Vui, ý tưởng khóa cổng các hộ gia đình có F2 xuất phát từ nhân dân, được các hộ dân đồng tình, tự nguyện.
Ông Trịnh Hữu Vui, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái cho biết, việc khóa cổng đã được các hộ dân đồng tỉnh, ủng hộ. Ảnh: HD
Sau khi Báo Nhà báo & Công luận đưa tin, rất nhiều ý kiến từ bạn đọc đã quan tâm, phản hồi, bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn về việc làm của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch xã Hoằng Thái.
Có ý kiến cho rằng, đó là cách làm sáng tạo, phù hợp trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tại các vùng nông thôn, ý thức chấp hành của người dân chưa cao, lực lượng cán bộ địa phương mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát. Nếu không có biện pháp mạnh, quyết liệt ngay từ đầu, rất khó để chống dịch thành công. Thậm chí, một số bạn đọc còn hoan nghênh tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 xã Hoằng Thái nói riêng và huyện Hoằng Hóa nói chung.
Bệnh cạnh đó, cũng có ý kiến không đồng tình với cách làm của xã Hoằng Thái. Cho rằng, đó là cách làm có phần chủ quan, cực đoan, hạn chế quyền của người dân và chưa đúng quy định của pháp luật, một bạn đọc đặt câu hỏi: Lỡ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn, người dân trở tay không kịp thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Xã Hoằng Thái căn cứ vào quy định nào để khóa cửa đối với những gia đình có F2? Phải chăng việc khóa cửa là để cho cán bộ giảm nhẹ khối lượng công việc phòng chống dịch?
Lý giải vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái Trịnh Hữu Vui cho biết, trước khi khóa cổng, tất cả những người được xác định là F2 đã có giấy "tự nguyện" đề nghị xã khóa cổng nhà nơi mình đang cách ly. Một số thành viên gia đình có người cách ly lúc đầu không đồng tình, nhưng sau khi được ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã tuyên truyền, vận động họ đã đồng ý.
Đại diện các hộ dân viết giấy thể hiện sự đồng tình với việc khóa cổng cách ly tại nhà để phòng chống dịch. Ảnh: XC
Cũng theo ông Trịnh Hữu Vui, sau khi khóa cổng, một chiếc chìa khóa sẽ do tổ giám sát cộng đồng thôn giữ, chìa khóa còn lại sẽ giao cho xã quản lý. Chính quyền khóa cổng chứ không khóa cửa nhà. Việc này thể hiện sự quyết tâm của chính quyền để những người cách ly nghiêm chỉnh chấp hành.
Ông Lê Xuân Thu, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 huyện Hoằng Hóa cho hay việc xã Hoằng Thái khóa cổng các hộ có F2 đã báo cáo Ban chỉ đạo huyện. "Chúng tôi biết là việc cho khóa cổng nhà dân có trường hợp F2 chưa ở đâu làm. Huyện chúng tôi mạnh dạn làm để mong kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để bùng phát như địa phương khác, rất mong người dân đồng tình ủng hộ huyện" – ông Thu nói.
Xã Hoằng Thái mong sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh thông qua các biện pháp mạnh. Ảnh: XC
Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc chính quyền khóa cổng nhà dân đối với những người được xác định F2 là một phương pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan và có thể gây ra các hệ lụy xấu đối với người dân.
Theo quy định của pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm (Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, nghị quyết của Quốc Hội, nghị quyết của chính phủ, chỉ thị của thủ tướng chính phủ, các quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh...) thì có nhiều biện pháp để thực hiện phòng chống bệnh truyền nhiễm Covid-19 ở các mức độ khác nhau như: phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16..., hạn chế đi lại, hạn chế kinh doanh, hạn chế tập trung đông người...
Theo ông Cường, đây là một trong những biện pháp hạn chế các quyền tự do cơ bản của công dân như quyền tự do đi lại, quyền cư trú, quyền lao động, làm việc... Việc hạn chế các quyền cơ bản của công dân phải căn cứ vào quy định của luật và phải được thực hiện trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay thì không có văn bản nào quy định về việc khóa cửa nhốt người dân là F2 ở trong nhà. Bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ quy định này do ai ban hành, căn cứ vào đâu, đối tượng áp dụng là ai và thời gian áp dụng như thế nào, các biện pháp đảm bảo ra sao...? để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra…” – Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Việc khóa cổng đối với gia đình có F2 còn xuất hiện tại nhiều xã trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Trong ảnh là cảnh "cửa đóng then cài" tại một gia đình có F2 tại xã Hoằng Lộc. Ảnh: XC
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có xã Hoằng Thái áp dụng biện pháp mạnh khóa cổng đối với các hộ gia đình có F2 mà cách làm này còn xuất hiện tại nhiều địa phương khác thuộc địa bàn huyện Hoằng Hóa. Cụ thể tại các xã Hoằng Lộc, Hoằng Thắng, Hoằng Châu, Hoằng Lưu, Hoằng Phong… Ban chỉ đạo Phòng chống dịch xã cũng cho khóa cổng nhà dân có F2 để phòng người dân ra khỏi nhà.