Vu Lan báo hiếu
Tháng 7 âm lịch, có một ngày lễ trọng trong đời sống văn hóa - tâm linh của người Việt: Rằm tháng Bảy hay thường gọi Ngày xá tội vong nhân. Còn trong quan niệm Phật giáo, đây là ngày chính lễ Vu Lan báo hiếu. Để hiểu rõ hơn về lễ Vu Lan, phóng viên Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có buổi trò chuyện với Đại đức Thích Trúc Thông Tánh - trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng.
PV: Thưa Đại đức Thích Trúc Thông Tánh, lễ Vu Lan bắt nguồn từ đâu?
Đại đức Thích Trúc Thông Tánh: Chuyện kể rằng, khi đức Phật còn tại thế có một vị đệ tử thần thông đệ nhất - ngài Mục Kiền Liên. Tuy nhiên, khác với con mình, bà Thanh Đề mẹ của ngài Mục Kiền Liên lại là người không tin vào Tam Bảo, không tin vào nhân quả; bà thường xuyên làm những việc ác độc. Thông qua việc tu hành, ngài Mục Kiền Liên biết rằng với những “nhân” xấu đã gieo, khi mất mẹ mình sẽ gặt những “quả báo” rất xấu, nhưng ngài lại không thể khuyên bảo mẹ mình thay đổi. Khi bà Thanh Đề qua đời, bằng thiên nhãn, ngài Mục Kiền Liên nhìn thấy được sự đau đớn, đói khổ mà mẹ đang phải gánh chịu. Với tấm lòng hiếu kính, ngài Mục Kiền Liên đã dùng phép thần thông đi khất thực để mang cơm đến cho mẹ, nhưng “nghiệp” của mẹ ngài quá nặng nên cơm vừa đưa đến miệng đã bị “lửa tham” đốt cháy. Bất lực, ngài Mục Kiền Liên đành quay về thỉnh cầu đức Phật giúp đỡ. Cảm động trước tấm lòng hiếu kính của đệ tử, đức Phật chỉ cho ngài Mục Kiền Liên muốn cứu được mẹ phải dùng đến thần lực của mười phương thánh tăng đồng tâm hiệp lực thì may ra mới tạo nên phép nhiệm mầu.
Trong truyền thống Phật giáo, từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, chư tăng sẽ tập trung tại các chùa để “an cư kiết hạ” và ngày rằm tháng bảy chính là ngày chư tăng hoàn thành việc tu tập ba tháng. Trong ngày này, ngài Mục Kiền Liên sắm sửa lễ vật cúng dường để chư tăng cùng nhau nguyện cầu. Nhờ việc đồng tâm cầu nguyện của chư tăng đã tạo nên “năng lượng” từ bi chuyển đến bà Thanh Đề để bà giác ngộ, thay đổi từ cái tâm tham lam, ác độc sang từ bi, hoan hỉ, nhờ đó mà được tái sinh lên cõi Trời.
Chuyện bà Thanh Đề được giải thoát, sinh lên cõi Trời không hoàn toàn nhờ vào quyền lực cầu nguyện của chư tăng. Mà chính là nhờ vào sự tự chuyển đổi tích cực trong tâm thức của bà - từ tham lam, keo kiệt sang rộng rãi, hoan hỉ. Có nghĩa, chính bà Thanh Đề đã tự “giải thoát” cho chính mình.
Lại nói, sau khi biết mẹ mình đã được tái sinh lên cõi Trời, ngài Mục Kiền Liên đã hỏi đức Phật, sau này những người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ liệu có thể lập lễ Vu Lan? Đức Phật trả lời rằng nếu làm được thì rất tốt. Cũng từ đây về sau, trong các tháng “an cư kiết hạ” của nhà Phật cũng được xem là mùa Vu Lan báo hiếu và rằm tháng bảy là chính lễ. Phật tử thường sắm sửa lễ vật lên chùa cúng dường để chư tăng đồng tâm cầu nguyện nhằm chuyển tải năng lượng tích cực, từ bi, hỉ xả đến người đã khuất.
PV: Như vậy, ý nghĩa của lễ Vu Lan chính là sự báo hiếu của con cái đối với cha mẹ. Vậy theo Đại đức, gốc rễ của chữ “hiếu” nên được hiểu thế nào?
Đại đức Thích Trúc Thông Tánh: Gốc rễ của chữ hiếu chính là sự nhớ ơn và đền ơn. Nhờ đâu mà ta có hình hài này? Nhờ công ai nuôi dưỡng mà ta có sự trưởng thành như ngày hôm nay?... Tất cả chẳng phải từ công sinh dưỡng yêu thương của cha mẹ. Thiền sư Nhất Hạnh khi còn tại thế, trong tùy bút “Bông hồng cài áo” đã viết: “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và dĩ nhiên ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được, người lớn thiếu tình thương thì cũng không “lớn” lên được. Cằn cỗi, héo mòn”.
Bông hồng cài áo cũng là một trong những nghi lễ trong lễ Vu Lan báo hiếu. Theo đó, chỉ cần nhìn sắc hoa cài trên ngực áo mỗi người sẽ biết được người đó còn hay đã mất đi cha mẹ. Sắc hồng đỏ tươi là người may mắn còn cha mẹ; sắc hoa trắng biểu trưng nỗi buồn của người con đã mất đi cha, mẹ. Con dù lớn vẫn là con của cha mẹ, vẫn luôn mong ở cha mẹ sự chở che, yêu thương.
Tùy vào quan niệm mỗi thời, mỗi người mà sự hiếu đạo từ xa xưa đến hôm nay được thể hiện khác nhau. Sẽ không có “mẫu số chung” cho sự hiếu đạo bởi nó phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người con, mỗi gia đình. Nhưng chỉ cần xuất phát từ sự nhớ ơn và đền ơn của con cái đối với cha mẹ sẽ “dẫn lối” cho những hành động tốt đẹp. Con người sống ở trên đời, nếu thiếu đi sự nhớ ơn và đền ơn sẽ trở thành người con bất hiếu, đó thực sự là một tội lỗi rất lớn.
Trong quan niệm của đạo Phật, có sự hiếu hiện tại và lâu dài. Chữ hiếu trong hiện tại là lo cho cha mẹ đủ đầy cơm ăn, áo mặc, thuốc men, tinh thần… khi cha mẹ còn sống. Nhưng nếu chỉ dừng lại như vậy thì chữ “hiếu” với người phật tử sẽ là chưa trọn. Phải làm thế nào để cha mẹ tin vào điều thiện lành, bỏ làm điều ác, gieo những “nhân” tốt để cha mẹ có thể gặt những “quả” lành thì đó là người con đại hiếu.
PV: Đại đức có nhắc đến chữ hiếu với ý nghĩa thiêng liêng, tốt đẹp. Tuy vậy, trong xã hội thời gian qua đã xảy ra những sự vụ đau lòng về việc con cái hành hạ, đối xử tệ bạc đối với cha mẹ của mình. Đó không chỉ là nỗi đau, sự bất hạnh của người làm cha mẹ mà còn khiến dư luận phẫn nộ, bất bình. Đại đức nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Đại đức Thích Trúc Thông Tánh: Trước hết, cần phải khẳng định, giữa con người với con người nếu đối xử ác với nhau vốn dĩ đã là điều không nên, không được. Và chuyện con cái bạc ác với cha mẹ lại càng là điều không thể tha thứ, thậm chí có những sự vụ vượt ngoài sự tưởng tượng, sức chịu đựng của con người.
Đạo đức xã hội đang có nhiều dấu hiệu xuống cấp. Nhiều người không được giáo dục đạo đức ngay từ lúc nhỏ dẫn đến việc không được “huấn tập” về những điều tốt đẹp, lớn lên sẵn sàng hành xử lỗ mãng, bất nhân với chính cha mẹ của mình. Nói như vậy để thấy rằng, sự giáo dục đạo đức đối với con trẻ là vô cùng quan trọng. Con người ta có thể sinh ra trong những điều kiện hoàn cảnh khác nhau dẫn đến sự thiếu - đủ về vật chất không đồng nhất. Song nhất định không thể thiếu đi sự dạy bảo đạo đức, vun đắp, nuôi dưỡng tâm hồn. Không có đạo đức, thiếu đi tình thương là nguyên do dẫn đến suy nghĩ xấu, hành động ác. Chính vì vậy, một trong những điều mà đạo Phật hướng đến con người đó là tin vào nhân - quả. Gieo “nhân” nào gặt “quả” ấy. Những nhân thiện lành sẽ cho quả tốt đẹp và ngược lại. Không ai khác, chính mỗi người sẽ phải chịu trách nhiệm về suy nghĩ, lối sống và hành động của bản thân.
PV: Quay lại câu chuyện về lễ Vu Lan. Theo Đại đức, để lễ Vu Lan báo hiếu thực sự ý nghĩa, mỗi người nên và cần làm gì?
Đại đức Thích Trúc Thông Tánh: Gốc của lễ Vu Lan là báo hiếu. Nhưng hiểu rộng hơn, thì đó là ngày lễ của tình người. Con người sống trong cuộc đời đúng nghĩa là khi biết yêu thương nhau. Bởi vậy mới nói, rằm tháng bảy xá tội vong nhân. Mỗi người hãy chăm lo, phụng dưỡng, hiếu kính tốt nhất cho cha mẹ khi đấng sinh thành còn sống trên cõi đời. Khi cha mẹ chẳng may qua đời, hãy thành tâm hướng về người đã khuất với tấm lòng biết ơn. Tâm thành sẽ dẫn lối cho những điều tốt đẹp. Và điều quan trọng, sẽ không thể có chữ hiếu đúng nghĩa nếu như điều đó chỉ dành cho người đã khuất.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/vu-lan-bao-hieu/24769.htm