Vụ lúa chiêm tái giá
Trải qua cái trái ngang, đắng đót của ông trời, người dân quê tôi càng cảm nhận hết cái dư vị ngọt ngào, thấm đẫm tình người trong đổi công để có hạt gạo từ lúa cấy tái giá, sau vụ lụt năm ấy…
Câu hát “Quê em miền trung du, đồng suối lúa xanh rờn” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác từ năm 1949, thấm vào tôi từ thủa ấu thơ khi nhẩm theo tiếng ca của các anh chị thanh niên. Xóm tôi ở vùng thượng du, không có “cánh đồng lúa” như vùng hạ du, chỉ có “suối lúa”. Đó là những “dải đồng” kẹt giữa hai quả đồi hoặc núi thấp, có lúa xanh rờn, vàng óng vào hai vụ chiêm mùa. Nhưng không ít mùa hè dải đồng khô cạn, nứt nẻ, vào mùa bão lũ thì nước từ những con suối trên núi Sáng đổ về làm dải lúa vụ chiêm năm ấy đang bén dễ, chìm trong dòng nước đỏ ngầu. Dân làng xót xa, nhưng không đứng nhìn ông trời bừng nổi giận. Tổ trưởng Tổ đổi công đôn đáo chạy báo dân làng họp bàn cấy “lúa tái giá”. Nhiều người bàn lùi, cấy muộn lỡ vụ, có khi có lúa mà chẳng có thóc, cho đất nghỉ trồng màu còn hơn. Nhưng ngô, khoai, sắn ăn mãi cũng ngán, ít nhiều phải có bát cơm. Cả tổ đồng thanh, đồng tình cấy tái giá. Mạ là khâu quan trọng, nhưng không có thóc giống làm sao có mạ. Mỗi nhà mót trong bồ còn tí thóc nào góp lại gieo mạ sân. Vài ba cái sân gạch của những nhà khá giả trong tổ như nhà Tổ trưởng Kim, ông Ý, ông Thiềng chỉ trong một ngày đã thành “bãi lầy”. Mọi người, từ già tới trẻ, nào chậu, nào thảng, mủng sơn đi tới những vạt ruộng vừa qua cơn lụt mà lấy bùn non đổ lên sân chờ ngày đón mạ.
Những khoảng sân mà lũ trẻ vẫn hay chơi bóng lá chuối, nhảy dây hay sinh hoạt Đội đêm trăng đã nhường cho cây mạ. “Trời nồm tốt mạ, trời giá tốt rau”. Từ hạt đến mầm là mấy tuần trăng? Chỉ hai tuần trăng, kể từ khi hạt thóc nảy mầm đã cho màu vàng - xanh của mạ. Ông Kim bảo, sợ nhất là đám chuột, nếu không quây kín, nó ăn thì chẳng còn đủ mạ cấy cho mọi nhà trong tổ. Vậy là những cây sắn chất đống làm củi giờ lại đứng lên ken vào nhau làm hàng rào bảo vệ sân mạ. “Khoai ưa lạ, mạ ưa quen”. Dù mạ có chậm lớn vì lạ đất, vì bị bóng hàng rào, đón được ít ánh sáng mặt trời, nhưng cũng cứng cáp dần lên, chuyển dần từ vàng-xanh sang xanh, thi thoảng gợn sóng khi những cơn gió heo may luẩn quẩn trong cái hàng rào sắn, chờ ngày giải phóng về đứng chân với ruộng đồng.
Tổ đổi công lại nhóm họp, lên lịch phân công ngày mai, ngày kia, ngày kìa…Tổ sẽ giúp nhà ông bà nào cấy, làm sao trong ba ngày là hoàn thành tất cả các thửa ruộng cấy tái giá. Tôi cũng được vào vai cuốn mạ. Mạ sân không phải nhổ như mạ gieo ngoài ruộng, chỉ việc tách từng mê rồi nhẹ nhàng cuộn lại để vào hai cái sàng cho người lớn gánh ra đồng. Ra tới đồng chia mạ, đầu ruộng mấy cuốn, giữa ruộng mấy cuốn để các mẹ, các chị cấy hết cuốn này, ngoảnh lại sau lưng, sang phải, sang trái là đã có cây mạ mà cắm xuống. Các mẹ, các chị luôn nhắc nhau “cấy ngửa tay, chứ đừng úp tay”. Vì mạ sân ngắn, nếu cấy úp tay mạ sẽ bị vùi sâu xuống bùn có khi không ngoi lên được.
Ngửa tay cấy và nay mọi nhà lại ngửa mặt nhìn trời, trông mây… Lúa chiêm thường cấy cuối tháng 10 dương lịch, lúa tái giá muộn hơn, cho thu hoạch vào tháng 5, hoặc tháng 6 dương lịch của năm sau. Đó là khoảng thời gian thời tiết éo le, chẳng biết thế nào mà lường. Nhà nông ai mà chẳng thuộc câu ca: “Đói thì ăn ráy ăn khoai/ Chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng”. Tháng 2 (âm) bắt đầu có sấm động mưa rào, lúa chiêm ngấp nghé đầu bờ, nhưng rồi có thể gặp rét đậm rét hại làm lúa “ngậm đòng, đứng bông”. Đòng lúa cứ kẹt trong cái gié vỏ xanh, không trồi thoát lên bông, khi đâm được bông nhưng rồi đến ngày thu hoạch, có khi thóc chỉ cho toàn hạt lép.
Bây giờ vụ chiêm xuân có đủ loại giống lúa dài ngày, ngắn ngày…Xưa chỉ một loại gọi chung là “lúa chiêm”. Tôi không thể quên “Anh Mại tập kết”. Cứ theo mọi người gọi vậy, chứ tuổi tôi phải gọi “bác Mại” mới đúng. Anh có chiếc răng vàng, tiếng cười rổn rảng, nói về cây lúa như thầy giáo giảng bài. Anh ra Bắc tập kết từ hồi 1954, đến xóm tôi từ những năm đầu của cuộc “cải cách ruộng đất” với tư cách cán bộ tăng cường cho Đội cải cách. Ngày xóm tôi vào Tổ đổi công, khoảng năm 1960, khi tôi 10 tuổi, anh Mại thi thoảng ghé qua gặp bà con phổ biến các hình thức “vần công, đổi công”. “Vần” là xoay vần, hôm nay cả tổ chung sức giúp nhà này cấy cày, gặt đập, mai giúp nhà khác. Anh kêu gọi mọi nhà khai hoang phục hóa, làm lúa, làm màu ở ruộng hoang, đất hoang. Sản phẩm trên đất này đều được miễn thuế nông nghiệp. Anh bảo, “chiêm Nam mùa Bắc”. Ngày xưa, đồng đất từ đầu miền Trung tới cuối dải đất này thường khô hạn, người dân chỉ trồng lúa chiêm. Giống lúa này có nguồn gốc từ người Chiêm Thành. Cộng đồng này xa xưa đã trồng lúa từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đến Quảng Nam, Quảng Ngãi như quê anh, rồi mới lan ra các tỉnh miềm Bắc. Tên “lúa chiêm” bắt nguồn từ đó, chứ phía Bắc xưa chỉ có mỗi vụ mùa.
Quê tôi có hai chân ruộng - đất lúa và đất mầu, nhưng đất trồng được hai vụ lúa rất ít, nhà nào đông nhân khẩu thì được hơn 4 sào, như nhà tôi chỉ có gần 3 sào, còn đất trồng mầu, nhất là đất trồng sắn thì mênh mông, một phần do được chia, còn phần lớn là khai khẩn đất hoang mà có. Nhưng không có bài ca cây sắn, chỉ có “bài ca cây lúa”. “Gió đông là chồng lúa chiêm”. May sao ông trời phù hộ, vụ lúa tái giá năm ấy cũng đã trổ đòng. Từ lúc còn là cây mạ đã dâng đời, dâng người một thứ mùi nguyên sơ, thanh tao, đến thì con gái lúa có hương vị thanh tân, khi trổ đòng kết thành một thứ hương thơm ngạt ngào đặc trưng, át hết đi mùi bùn đất… Mẹ đưa tay ngắt một bông lúa non đang thì ngậm sữa, bắt đầu cong lưỡi hái, đưa lên miệng cắn nhẹ. Vị thảo ngọt đồng quê như ngấm vào đầu lưỡi, tan chảy trong huyết quản và rồi cất tiếng cầu trời, khấn Phật, cho vụ chiêm này mọi nhà có của ăn của để. Còn lũ trẻ mơ ngày gặt, theo chân người lớn đi mót lúa rơi lúa vãi, đuổi bắt châu chấu, cào cào nuôi chim.
***
Cánh đồng lúa chuyển sang một màu vàng no ấm, đàn chiền chiện chao liệng trên suối lúa dập dờn, chúng bắt muỗm, châu chấu, cào cào…Ngày thu hoạch lúa chiêm tái giá cũng đến. Mùa gặt năm ấy muộn hơn so với vụ trước cả tháng, nhưng quanh quẩn cũng chỉ hai tuần là kết thúc. Cả tổ lại giúp nhau gặt, đập. Bố tôi cùng hai bác nông dân trong tổ đứng dang chân, bắp tay cuồn cuộn cầm cái néo bằng tre nhẵn bóng, có đoạn thừng ôm chặt cổ lượn lúa, đập bùm bụp vào chiếc cánh cửa gỗ tạm thời tháo xuống làm bàn đỡ. Ai nấy, vai áo rịn mồ hôi, nhưng vui, vừa đập vừa chuyện trò rôm rả về những cái may rủi của mùa màng. Những hạt thóc vàng dào dạt tuôn xuống chiếc nong đại. Chẳng mấy chốc lượm lúa đã thành bó rơm vàng, vung khỏi néo bay vun vút chất thành đống sau lưng người đập. Mùi rơm mới như mời gọi lũ trẻ, chỉ mong đập lúa xong là nhào vào tẽ bó rơm cho tơi để lăn lộn mấy vòng cho thỏa thích. Người lớn dừng tay, tôi lấy chổi vun gọn từng hạt thóc rơi vãi xung quanh, mẹ lấy đấu múc thóc đổ vào thúng mủng, chờ nắng mai tung ra phơi khô, quạt sạch, rồi xay giã cho cả nhà nâng bát cơm đầy.
***
Hạt gạo lúa chiêm bạc bụng, không chắc bằng gạo lúa mùa, nhưng mùi thơm bát cơm gạo mới cũng chẳng kém. Dù thức ăn chỉ là tép kho, canh mùng tơi, cà muối mà nồi cơm đầy chỉ một lát là đến lúc phải cạo cháy. “Ở đây một hạt cơm rơi/ Ngoài kia bao giọt mồ hôi thấm đồng”. Tôi nhặt từng hạt cơn dính đũa cả cho vào miệng nhấm nháp, ngòn ngọt nơi đâu lưỡi - vị trời đất tỏa hương vào ngọc thực. Bữa cơm đạm bạc mà đầm ấm và thân thương quá đỗi! Phải chăng trải qua cái trái ngang, đắng đót của ông trời, mọi người càng cảm nhận hết cái dư vị ngọt ngào, thấm đẫm tình người trong đổi công để có hạt gạo từ vụ lúa chiêm tái giá. Càng nắng mưa, sương gió càng nồng nàn hòa quyện thân thương trong lao động sản xuất của bà con hàng xóm láng giềng. Lần đầu tiên được nghe câu ca dao, tục ngữ từ ông Tổ trưởng Kim trong lần họp tổng kết vụ lúa tái giá và bàn việc chuẩn bị cho vụ mới, nhưng tôi nhớ mãi: “Cả bè hơn cây nứa”; “Dây bầu bám chặt lấy giàn /Dân làng giữ chặt lấy làng mới hay”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vu-lua-chiem-tai-gia-10293807.html