Vụ nhà máy thép kiện chính quyền Đà Nẵng: Doanh nghiệp và dân đều bức xúc
Doanh nghiệp cho rằng cần sự công tâm của tòa án và cách giải quyết thấu đáo của chính quyền để giúp nhà máy hoạt động, bảo đảm việc làm cho gần 1.000 lao động
Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana - Ý (gọi tắt là Công ty Thép), cho biết mỗi năm, nhà máy đóng góp vào ngân sách TP Đà Nẵng khoảng 300 tỉ đồng, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương. Trong khi đó, chi phí di dời người dân khỏi vùng bị ảnh hưởng của nhà máy là khoảng 400 tỉ đồng, chi phí di dời nhà máy khoảng 700 tỉ đồng.
Hòa giải không thành
Ngày 18-6, TAND TP Đà Nẵng cho biết đã nhận đơn của Công ty Thép kiện UBND TP và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng từ tháng 1-2019. Tòa án đã chuyển đơn kiện sang Trung tâm Hòa giải và Đối thoại, tổ chức cho hai bên đối thoại nhằm tìm phương án giải quyết.
Tuy nhiên, qua nhiều lần đối thoại bất thành, TAND TP Đà Nẵng đã gửi thông báo thụ lý vụ án. Theo trình tự tố tụng, TAND TP Đà Nẵng tiếp tục tổ chức một buổi hòa giải tại tòa, nếu không thành công thì sẽ thông báo mở phiên tòa xét xử.
Ông Huỳnh Văn Tân cho biết khi Công ty Thép quyết định khởi kiện là lúc doanh nghiệp (DN) đã kiệt quệ. "Cốt yếu là TP có muốn đồng lòng với DN để gỡ khó hay không. Chứ nếu ra tòa, bồi thường 400 tỉ đồng chăng nữa mà vẫn tiếp tục "treo" nhà máy thì DN cũng vẫn sẽ thiệt hại thôi" - ông Tân nói. Theo ông, trong giai đoạn 2016-2017, khi TP Đà Nẵng chủ trương di dời, giải tỏa người dân khỏi khu vực cận nhà máy, Công ty Thép hết sức ủng hộ, thậm chí đồng tình bỏ ra 400 tỉ đồng để giải quyết di dời.
"Bây giờ, TP đâu có muốn di dời dân dù số tiền đó trước đây DN chấp nhận bỏ ra. Trong khi đó, việc cấp phép cho người dân ở xung quanh nhà máy là do chính quyền. Cái sai ở đây là đã cấp đất tràn lan, để dân sống trong vùng đệm của nhà máy nên họ bị ảnh hưởng. Đến khi chúng tôi đồng ý bỏ tiền, sửa cái sai cho chính quyền nhằm di dời dân thì lại không được chấp nhận" - ông Tân nhấn mạnh.
Theo ông Tân, hiện đời sống của gần 1.000 công nhân rất khó khăn vì phải hưởng chế độ thất nghiệp, khó chuyển đổi ngành nghề, phần lớn chuyển qua làm công việc thời vụ như phụ hồ, chạy xe ôm, bán hàng rong… Bên cạnh đó, trang thiết bị, nguyên vật liệu của nhà máy giá trị khoảng hơn 2.000 tỉ đồng phải "đắp chiếu" nhiều tháng liền. Việc nhà máy không hoạt động còn kéo theo nhiều hệ lụy. Mỗi tháng hoạt động, nhà máy trả cho điện lực khoảng 30 tỉ đồng, đầu tư lưới điện tốn kém nhưng nay không thu tiền được. Ông Tân khẳng định dù lãnh đạo TP Đà Nẵng đưa ra bất cứ phương án nào, di dời nhà máy hay di dời người dân, thì công ty vẫn ủng hộ.
"Tuy nhiên, giờ chúng tôi không còn sức lực, không có kinh phí để cùng TP giải quyết di dời. Kinh phí di dời nhà máy tốn khoảng 700-1.000 tỉ đồng, trong khi nếu di dời dân thì chỉ mất khoảng dưới 400 tỉ đồng. Nhưng nếu di dời dân hay nhà máy, dù TP bỏ ra cả 1.000 tỉ đồng thì vẫn có thể thu hồi lại nhờ sử dụng quỹ đất trống cấp phép cho các ngành công nghiệp không khói" - ông Tân băn khoăn.
Chủ trương không thông suốt
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, cho biết TP đã lên kế hoạch ứng phó với việc phải ra tòa trong vụ này. Về việc nếu UBND TP và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thua kiện, đối diện mức đền bù khoảng 400 tỉ đồng, ai sẽ chịu trách nhiệm thì ông Hùng cho rằng phải đợi phán quyết của tòa án.
Trong đơn khởi kiện, Công ty Thép cho hay năm 2006, TP Đà Nẵng kêu gọi công ty di dời nhà máy từ KCN Hòa Khánh đến Cụm Công nghiệp Thanh Vinh. Khi công ty đầu tư vào đây, xung quanh nhà máy có khoảng 30 hộ dân. UBND TP đã thống nhất di dời các hộ dân để tạo vành đai phân cách tối thiểu 500 m quanh nhà máy thép. Tuy nhiên, việc thực hiện giải tỏa, đền bù không thông suốt, dẫn đến tình trạng bức xúc của người dân. Không những thế, cơ quan thẩm quyền vẫn tiếp tục cấp đất cho người dân làm nhà sát nhà máy - hiện đã lên đến 400 hộ.
Đến đầu năm 2016, các hộ dân bức xúc và phản ánh gay gắt về tình trạng "treo" chủ trương giải tỏa. UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định phải di dời nhà dân, không hiểu sao đầu năm 2018 lại đột ngột thu hồi, hủy chủ trương này khiến người dân phản ứng. Đỉnh điểm là ngày 26-2-2018, hàng trăm người dân bao vây, không cho nhà máy hoạt động.
Thừa nhận 3 cái sai
Trong một cuộc tiếp xúc giữa HĐND TP Đà Nẵng với cử tri vào cuối năm 2018, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP, thừa nhận 3 cái sai của TP Đà Nẵng trong vụ nhà máy thép. Cụ thể, sai trong bố trí nhà máy sát khu dân cư, sai khi để người dân tiếp tục làm nhà ngày càng nhiều gần nhà máy và sai do không giải tỏa như cam kết.
Mới đây, tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê, ông Thơ cũng cho biết cách nay nhiều năm, UBND TP Đà Nẵng đã có phương án giải tỏa, đền bù, tái định cư cho các hộ dân nhưng sau này, Thường vụ Thành ủy yêu cầu dừng hoạt động của nhà máy. Trong khi đó, thủ tục để được cấp phép hoạt động của nhà máy đều có đầy đủ nên nếu cho dừng hoạt động thì phải bồi thường. Chính vì thế, ra tòa là cách văn minh nhất để xử lý trong thời điểm hiện tại.