Vụ trụ sở xã ở Đắk Lắk bị tấn công: Vừa sửa chữa vừa phục vụ người dân
Huyện Cư Kuin cho xây dựng lại trụ sở bị nhóm đối tượng phá hoại, cuộc sống của bà con nơi đây đã bình thường trở lại.
Hiện cuộc sống của bà con ở huyện Cư Kuin đã trở lại bình thường.
Ngày 19-6, ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, cho biết huyện đã khởi công công trình xây dựng nơi trực của Công an xã Ea Ktur. Theo ông Huy, việc làm này nằm trong kế hoạch khắc phục trụ sở bị nhóm đối tượng tấn công, hủy hoại.
Xây dựng lại phòng trực công an xã
“Chúng tôi đã báo cáo và được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho xây dựng lại căn nhà để cán bộ, chiến sĩ công an hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur có nơi trực đêm và nơi nghỉ khang trang hơn. Việc xây dựng công trình là cấp bách nên không phải qua các hình thức đấu thầu, đấu giá công khai. Còn những phòng các anh đã hy sinh, huyện thống nhất trưng dụng làm phòng truyền thống của hai xã” - ông Võ Tấn Huy thông tin.
Cùng ngày, ông Nguyễn Kim May, Chủ tịch UBND xã Ea Ktur, xác nhận sáng cùng ngày, xã đã động thổ xây dựng căn nhà nói trên.
Cũng theo ông May, hiện công tác khắc phục, sửa chữa trụ sở UBND xã Ea Ktur đang được triển khai khẩn trương. “Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi đã chuyển phòng giao dịch một cửa sang nhà văn hóa của xã để tiếp tục phục vụ nhân dân. Hôm nay (19-6) có hơn 10 hộ dân đến làm việc” - ông May thông tin.
Tương tự, ông Hồ Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu, xác nhận công tác khắc phục, sửa chữa phòng giao dịch một cửa của xã đã gần hoàn thành.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục phục vụ người dân trong việc xử lý các giấy tờ liên quan. Sáng nay (19-6) có khoảng 30 hộ dân đến giao dịch. Đời sống của người dân hiện đã đi vào hoạt động bình thường trở lại” - ông Hùng nói.
Nhóm đối tượng rất manh động
Những ngày gần đây, nhà bà Đặng Thị Tuyết (59 tuổi, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) có nhiều người đến chia buồn, trong đó có nhiều đoàn công tác của trung ương, địa phương...
Nhiều người đã bày tỏ sự chia sẻ, động viên bà Tuyết vì con trai là anh Lê Xuân Hoàng (28 tuổi) bị nhóm đối tượng tấn công trụ sở hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) sát hại đêm 11-6.
Trong ngôi nhà nhỏ, bà Tuyết kể: Ngày trước, vợ chồng bà vay mượn xây dựng căn nhà để có nơi ở. Gia đình có bốn thành viên nhưng nay còn có hai, trong đó con trai cả đang làm việc ở TP.HCM. Phòng khách đã được ngăn vách để làm phòng ngủ, phần còn lại làm nơi thờ tự cho con trai và người chồng quá cố.
Theo bà Tuyết, ba năm trước, con trai bà làm việc cho một công ty chuyên kinh doanh hàng rau củ quả có trụ sở ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). “Nó lái xe chở mặt hàng rau củ quả nên ngày nào cũng đi sớm và làm việc theo ca. Ví dụ hôm nay đi huyện Cư Kuin, có thể ngày mai công ty điều đi huyện khác” - bà Tuyết nói.
“Hôm đó (ngày 11-6), cũng như thường lệ nó lên công ty rồi lái xe đi về hướng huyện Cư Kuin. Đó là ngày định mệnh của con tôi” - bà Tuyết ngậm ngùi kể lại.
Bà cho hay hôm xảy ra sự việc có người dân ở gần UBND xã Ea Ktur nhìn thấy con trai bà bị sát hại. Những người chứng kiến cho hay lúc con bà trên đường trở về thì gặp nhóm đối tượng vừa tấn công trụ sở xã Ea Ktur đang trên đường rút chạy. Lúc này, chúng thấy ô tô liền gí súng, đồng thời yêu cầu con bà xuống xe. Nhóm này quá manh động, hung hãn, mất hết nhân tính... “Tôi mong pháp luật sẽ nghiêm trị những người này” - bà nói.
Bà tâm sự trước đây con bà xin đi làm ở TP.HCM nhưng chỉ được vài tháng thì cha mất do ung thư, con bà quyết định xin trở lại TP Buôn Ma Thuột với mục đích ở gần tiện chăm sóc mẹ. “Tôi động viên con cố gắng làm một thời gian rồi tính tiếp. Nhưng việc chưa thể thực hiện được thì con đã ra đi” - bà Tuyết ngậm ngùi nói.
Liên quan đến việc truy bắt đối tượng, chiều 19-6, thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết lực lượng công an đang thực hiện truy quét các đối tượng liên quan, đồng thời công an ở các địa phương cũng vận động, yêu cầu những người liên quan đến vụ tấn công trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu, Ea Ktur ra đầu thú.
Nhờ sự nỗ lực của lực lượng công an, đến nay đã có hơn 60 người bị bắt giữ, xử lý, tịch thu nhiều vũ khí gồm vũ khí quân dụng, vũ khí tự chế và vũ khí thể thao, các loại dao, lựu đạn và một số đạn… góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, người dân tin tưởng, yên tâm ổn định cuộc sống.
Đảm bảo an toàn cho thísinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Ngày 19-6, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk tổ chức buổi họp báo thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Kỳ thi năm nay tỉnh Đắk Lắk có 33 điểm thi chính thức, 39 điểm thi dự phòng, với hơn 21.100 học sinh tham gia, trong đó thí sinh người dân tộc thiểu số chiếm gần 6.000, chiếm hơn 28%.
Sở bố trí 2.928 cán bộ coi thi, giám sát, phục vụ kỳ thi, chưa kể lực lượng thanh tra. Công tác tập huấn cán bộ coi thi, chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng ngừa bệnh tật cho thí sinh đã được đảm bảo.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, khẳng định có tâm lý lo lắng sau vụ tấn công trụ sở UBND hai xã ở huyện Cư Kuin nhưng ban chỉ đạo kỳ thi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo an ninh cao nhất cho thí sinh.
Ông Khoa nói thêm vụ tấn công trụ sở UBND hai xã gây phẫn nộ, khiến nhiều phụ huynh, thí sinh lo lắng nên việc động viên tinh thần của các em đã được đặt lên hàng đầu.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh thông tin kỳ thi năm nay có một thí sinh là con trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu. Sở đã chỉ đạo địa phương, Phòng GD&ĐT, nhà trường động viên, tạo điều kiện để em này vượt qua buồn đau, hoàn thành kỳ thi tốt nhất. “Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đã làm hồ sơ gửi Bộ GD&ĐT để chuyển nhóm ưu tiên cho thí sinh này” - ông Khoa cho biết.
Nói thêm về vấn đề đảm bảo an ninh cho kỳ thi, Đại tá Nguyễn Hữu Lương, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Đắk Lắk, khẳng định đối với việc đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp đã thống nhất từ trung ương đến các xã. Công an tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT đảm bảo an toàn, an ninh, chống gian lận trước, trong và sau kỳ thi.