Vụ tự ý phá rừng đặc dụng làm đường ở Tây Nguyên: Gỗ đã đi về đâu?
Dư luận quan tâm số gỗ trên tuyến đường vừa mở xuyên qua rừng đặc dụng thuộc 2 Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) và Bi Đoup – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) đã đi đâu, về đâu? Và ai phải chịu trách nhiệm cho việc tài nguyên quốc gia bị thất thoát?
Như VOV đã thông tin, hàng chục ha rừng đặc dụng của hai Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) và Bi Đoup – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) đã bị san ủi trái phép khi các đơn vị thi công dự án đường Trường Sơn Đông. Rừng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi, việc phá rừng không có sự giám sát của chủ rừng, cơ quan chức năng. Vấn đề đặt ra là với một diện tích rừng đặc dụng lớn như vậy của hai Vườn Quốc gia bị phá trắng, khối lượng gỗ sẽ không hề nhỏ hiện đã đi đâu, về đâu?
Ngày 15/2, chúng tôi trở lại hiện trường phá rừng để làm đường Trường Sơn Đông thuộc các tiểu khu 22 và 26, lâm phần Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà, thuộc địa giới hành chính xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, một con đường dài hơn 3km đã được mở xuyên qua các trạng thái rừng hỗn giao gỗ lá rộng - lồ ô, rừng lá kim nghèo, rừng lá kim trung bình và đất trống của Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà. Dọc theo lề tuyến đường hiện chỉ còn lại rải rác dấu vết một số cây rừng bị san ủi, múc bật gốc, bị đất đá san lấp. Đi kiểm tra hiện trường, ông Thân Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương) cho biết, việc san ủi rừng để làm đường diễn ra trong năm 2021.
“Chúng tôi trước cũng đi kiểm tra thường xuyên, thấy đơn vị thi công nhưng đơn vị thi công không liên hệ gì với chính quyền địa phương, đặt vấn đề cũng như báo cáo các phương án thi công. Đơn vị thi công không liên lạc, làm việc với xã. Chúng tôi chỉ biết đường này đang thi công làm đường tạm. Chúng tôi đã chỉ đạo anh em kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ, không để việc lợi dụng mở đường để xâm hại rừng, khai thác lâm sản trái phép”, ông Thân Văn Hữu cho hay.
Ông Nguyễn Lương Minh, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà cho biết, để phục vụ dự án đường Trường Sơn Đông, UBND Lâm Đồng đã có quyết định thu hồi 13,5ha của vườn giao cho Ban quản lý dự án 46. Theo quy định, việc thi công chỉ được tiến hành sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi rừng, chính quyền và ngành chức năng địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng, tận thu lâm sản, bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, khi chưa hoàn thành các thủ tục thì đơn vị thi công đã tự ý vào san ủi rừng. Việc này là trái các quy định nhà nước và hiện vẫn chưa thể xác định khối lượng gỗ bị thiệt hại.
“Chi cục Kiểm lâm đang đi xác minh, hôm qua, hôm kia mình cũng vào kiểm tra để làm rõ. UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, sau này sẽ kiểm kê, rồi làm rõ trách nhiệm của các bên”, ông Nguyễn Lương Minh cho biết.
Trong khi đó, phía lâm phần Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk bước đầu xác định, các đơn vị thi công đường Trường Sơn Đông tại gói thầu Đ41 đã san ủi hơn 15ha rừng qua hai tiểu khu 1383 và 1402 khi chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chưa tận thu lâm sản. Hơn 7km đường đã thành hình, xuyên qua nhiều trạng thái rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao, rừng lồ ô. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, quá trình làm hồ sơ chuyển đổi rừng cho gói thầu Đ41, dự án đường Trường Sơn Đông, cơ quan chức năng đã xác định trữ lượng gỗ là hơn 260m3.
“Phúc tra hiện trạng rừng, chuẩn bị cho hồ sơ chuyển đổi mục đích rừng thì 16,72ha này có một số diện tích rừng, gỗ. Trong đó trữ lượng rừng xác định được là 264m3. Chưa có phương án tận thu là vì chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Sau khi có quyết định chuyển đổi thì bước tiếp theo là sẽ làm thiết kế bài cây để xác định lượng gỗ có thể khai thác tận thu, để bán nộp ngân sách”, ông Nguyễn Quốc Hưng thông tin.
Với hàng chục ha rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt của 2 Vườn Quốc gia, khối lượng gỗ chắc chắn là không hề nhỏ. Thế nhưng, hiện trường hiện nay toàn bộ cây rừng trên tuyến đường dài hơn 10km đã bị phá trắng. Hiện chỉ còn dấu vết một số cây bị vùi lấp ở ven đường, có cây đường kính đến hai người ôm. Điều dư luận quan tâm là số gỗ trên tuyến đường vừa mở xuyên qua rừng đặc dụng thuộc 2 Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) và Bi Đoup – Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) đã đi đâu, về đâu? Và ai phải chịu trách nhiệm cho việc tài nguyên quốc gia bị thất thoát?./.