Vướng mắc dự án đầu tư có sử dụng đất: Doanh nghiệp đề xuất phân cấp điều chỉnh quy hoạch

Ngày 9/10, tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024, phiên thảo luận một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và đề xuất giải pháp tháo gỡ, được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, vướng mắc phổ biến nhất hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng. Thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất là 310 ngày, thời gian này quá ngắn, thực tế dài hơn rất nhiều, có những dự án riêng khâu giải phóng mặt bằng đã mất tới 14 năm.

Cũng theo ông Hiệp, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản rất phức tạp, hiện có tới khoảng 15 luật liên quan đến lĩnh vực này nhưng lại thiếu tính đồng bộ. Vừa qua, Chính phủ đã sửa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, góp phần hạn chế sự thiếu đồng bộ của quy định trước đây. Tuy nhiên, sự tham vấn, lắng nghe của bộ, ngành đối với các doanh nghiệp chịu sự chi phối của các Luật tác động trực tiếp còn hạn chế, chưa sát vấn đề thực tế nên mong các cơ quan soạn thảo lắng nghe nhiều hơn nữa để luật đi sâu thực tế.

Theo ông Hiệp, trong khâu giải phóng mặt bằng, cần tổ chức đối thoại với người dân mới có thể tiến hành cưỡng chế, khâu này khá tốn thời gian. Thực tế cho thấy có những dự án hiện nay cần đến 38 - 40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá; có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian.

Từ thực tế đó, ông Hiệp đề xuất, cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu việc phân cấp cho chủ đầu tư trong một số khâu điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian, đồng thời nên có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, ví dụ như quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư.

Phiên thảo luận một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và đề xuất giải pháp tháo gỡ tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024.

Phiên thảo luận một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và đề xuất giải pháp tháo gỡ tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, nếu sản xuất kinh doanh không tháo gỡ “rườm rà” về thủ tục hành chính, doanhnghiệp phải theo đuổi quy trình, giấy phép sẽ gây nên những rào cản, làm mất cơ hội, chậm đà phát triển.

Bà Thủy cho biết, vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải, theo khảo sát mới đây, vướng mắc này đã trở thành vấn đề đứng thứ 2. Tuy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài, vì vậy cần tập trung cao độ để giải quyết “bài toán” liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.

“Quy hoạch là vấn đề lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Quy trình mỗi lần điều chỉnh liên quan nhiều sở, ngành, kéo dài quy trình. Do đó, chúng ta nên tinh gọn đầu mối, như vậy sẽ phần nào giải quyết vướng mắc hiện nay liên quan đến quy hoạch”, bà Thủy kiến nghị.

Về vấn đề này, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, đặc tính của các thủ tục hành chính là có thời hạn thực hiện, cơ quan đầu mối, nếu vượt quá thời hạn thực hiện thủ tục, cơ quan chủ trì thực hiện bước đó phải có trách nhiệm giải trình, pháp luật hiện nay đều có quy định về vấn đề này.

Các địa phương top đầu về thu hút đầu tư đều có bước kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, cấp dưới chịu trách nhiệm giải trình nếu chậm, muộn. Hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, các thủ tục hành chính đều được phân cấp, quyền cho địa phương và có thể giám sát thực hiện thủ tục hành chính này.

Còn bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường. Mới đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Vừa qua, Bộ đã tham mưu trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với nhiều quy định được cải cách. Bộ cũng đang được giao chủ trì đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi 4 luật bao gồm: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức công tư, Luật Đấu thầu. Theo đó, Luật Đầu tư tiếp tục phân cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư với một số dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và tăng tính chủ động. Đối với các dự án PPP, thủ tục đấu thầu cũng tiếp tục được phân quyền.

Đối với những dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế, lĩnh vực công nghệ cao…Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị thực hiện theo quy trình đặc biệt, không phải thực hiện một số thủ tục để tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vuong-mac-du-an-dau-tu-co-su-dung-dat-doanh-nghiep-de-xuat-phan-cap-dieu-chinh-quy-hoach-d226971.html