Vượt lên số phận
Bị dị tật, đi lại khó khăn nhưng chị Trần Thị Như Hoa đã phấn đấu trở thành chủ một xưởng may lớn. Khi đã có những thành công, chị nhận dạy nghề, tạo việc cho hàng chục người khiếm khuyết.
Vừa cắt xong những tấm vải thành hình dáng, chị Trần Thị Như Hoa (trú xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) liền mang đến cho nhóm nhân công trong xưởng để may đồng phục trả khách. Dù nhóm thợ đã khá thành thạo nhưng Hoa vẫn tận tình hướng dẫn để không mắc sai lầm nào.
“Họ cũng là người khiếm khuyết trên cơ thể, không nhanh nhẹn như bình thường nên mình phải chỉ bảo. Sản phẩm mình làm ra giao đến cho khách phải đẹp, thẩm mỹ cao. Như vậy khách hàng mới tiếp tục sử dụng sản phẩm của mình lần sau nữa”, chị Hoa nói.
Hàng ngày trong xưởng của chị Hoa có 5-6 thợ làm. Ngoài ra có 5 người khác vì khuyết tật đi lại khó khăn nên nhận hàng về may tại nhà. Nhờ xưởng may của chị Hoa, hơn 10 phụ nữ khiếm khuyết có công ăn việc làm và có thu nhập ổn định từ 6-9 triệu đồng mỗi tháng.
Sinh ra trong gia đình có 4 chị em gái, chị Hoa là con đầu. Năm lên 5 tuổi, một biến cố lớn ập đến khiến chị mang dị tật ở chân. Từ đó, Hoa phải sống chung với đôi chân tập tễnh, đi lại khó khăn. Dù vậy nhưng chị luôn cố gắng trong học hành. Suốt 12 năm học, chị luôn đạt thành tích cao. Năm lớp 12, chị còn xuất sắc đạt học sinh giỏi Văn của tỉnh. Tốt nghiệp cấp 3, chị Hoa thi đậu vào Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Nghệ An và chọn ngành thư viện vì nghĩ sẽ hợp với hoàn cảnh của mình. Nhưng rồi chị lại “vấp ngã” ở những rung động đầu đời, trở thành một người mẹ đơn thân khi mới là sinh viên năm thứ 2.
Bước vào cuộc sống làm mẹ đơn thân khi tuổi đời còn quá trẻ, chị phải làm đủ thứ nghề, từ buôn bán đến làm thuê để có tiền lo cho cuộc sống. Rồi cơ duyên nghề may đã đến với chị. Ban đầu, chị nhận sửa đồ lấy tiền, nhận may gia công cho các tiểu thương ở chợ. Thấy nghề may hợp với mình, nên chị đã học hỏi nâng cao tay nghề.
Khi đã quen khách hàng, sản phẩm bán ra ổn định, chị nghĩ đến việc dạy nghề, giúp những phụ nữ khiếm khuyết như mình. Nghĩ là làm, chị Hoa chuyển từ ki-ot nhỏ ở đường Phong Định Cảng về Hội Khuyết tật thành phố Vinh (xã Hưng Lộc), rồi đầu tư thêm nhiều máy móc để mở xưởng may.
Tháng 10/2022, chị Trần Thị Như Hoa vinh dự là 1 trong 40 phụ nữ tiêu biểu của cả nước được tham dự lễ tôn vinh các tấm gương phụ nữ tiêu biểu có những đóng góp tích cực cho cộng đồng và các hoạt động góp phần cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật.
“Thời gian đầu mình mở xưởng, lần đầu dạy cho các chị em nên gặp nhiều khó khăn. Họ là những người khiếm khuyết, học khá lâu nhưng mình hiểu, cảm thông nên phải chịu khó bày nhiều hơn. Giờ thì mọi người may thành thạo cả rồi”, chị Hoa nói.
Có thời gian, hàng quần áo khó bán nên chị phải sáng tạo ra những sản phẩm mới như đồ lưu niệm nhỏ, túi xách, khẩu trang, mũ từ vải vụn… để thu hút khách hàng. Nhờ ý tưởng mới lạ, thiết kế bắt mắt, những sản phẩm của chị Hoa được nhiều người đón nhận, đặt hàng.
Năm 2020, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ chị xuất sắc giành 3 giải thưởng trong Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020” do T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, gồm: Giải clip xuất sắc nhất, Giải Cánh én vàng và Giải ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường. Năm 2022, chị triển khai dự án khởi nghiệp sản phẩm tái chế và được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Vinh (Nghệ An) trao giải xuất sắc.
Ngoài là chủ xưởng may, hiện chị Hoa là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật Nghệ An, Trưởng ban điều hành mạng lưới phụ nữ khuyết tật miền Trung khu vực Thanh Hóa - Quảng Ngãi.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vuot-len-so-phan-post1599972.tpo