Vượt thoát buồn đau
Vạn sự vạn vật giữa cuộc đời đều vận hành theo quy luật hình thành, tồn tại, thay đổi và hoại diệt mà thuật ngữ nhà Phật gọi là tứ tướng vô thường: sinh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại, không; về con người thì gọi là sinh, già, bệnh, chết.
Một kiếp người, theo quy luật là vậy, không ai tránh khỏi, nhưng cũng lắm khi mới sinh đã chết, chưa già đã bệnh, chưa bệnh đã chết. Vô thường chẳng hẹn cùng ai và lúc nào; nó chợt đến, đi, còn, mất với bất kỳ người nào! Thế nên trong cuộc sống, nhiều khi chưa kịp vui mừng, buồn đau đã bất ngờ ập đến, cướp đi tất cả những gì quý báu nhất, như trường hợp của vua Văn-trà.
Kinh Tăng nhất A-hàm (phẩm Nhóm các pháp thiện, kinh số 7) ghi: Chánh hậu của vua Văn-trà đột ngột qua đời. Vua vô cùng đau buồn, không thiết gì ăn uống, không màng đến vương pháp, cũng không còn tâm trí để xử lý việc triều chính. Quần thần thấy vậy thì khuyên vua nên đi chùa, nghe pháp nhằm vượt qua nỗi khổ buồn đau. Vua nghe quần thần khuyên nhủ, và bản thân cũng muốn nguôi ngoai nỗi buồn đau thương tiếc nên liền ngự giá đến vườn trúc của một vị trưởng giả, nơi có Tôn giả Na-la-đà đang hành đạo.
Đến nơi, vua đảnh lễ sát chân Tôn giả Na-la-đà rồi ngồi qua một bên, bày tỏ sự tình. Sau khi biết được tâm trạng của vua, Tôn giả bèn nói: “Đại vương nên biết, các pháp ở thế gian vốn là mộng huyễn, như bong bóng nước, như bọt tuyết trắng, như hoa đốm giữa hư không. Vậy nên đại vương chớ vì các pháp hư vọng như vậy mà buồn đau”.
Lời khuyên của Tôn giả Na-la-đà cho một người vừa mất đi người thân yêu nhất, thương quý nhất phải chăng là quá khắc kỷ lạnh lùng? Giữa cuộc tồn sinh, kiếp người được ràng buộc với nhau bởi trùng trùng duyên khởi, chan chứa tình cảm yêu thương với quê hương, gia đình, cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè, đồng loại…
Những mối quan hệ, những tình cảm thiêng liêng, những ân tình sâu đậm có thể khiến cho con người sẵn sàng hy sinh bản thân mình để đấu tranh, để bảo vệ, để sở hữu… và cũng từ đó mà ai cũng thống khổ, đau buồn, đắng cay khi mất đi những thứ mà cả cuộc đời mình đã chắt chiu, tìm kiếm, yêu thương, giữ gìn. Không nỗi đau thương mất mát nào bằng mất đi người thân, nhất là mất đi cha mẹ, vợ con. Trong nỗi đau tột cùng ấy, chưa có lời động viên, chia buồn nào, Tôn giả đã nói ‘cuộc đời mộng huyễn, buồn đau làm gì’, phải chăng là thiếu lòng từ?
Không! Chẳng những không thiếu mà còn đầy ắp lòng từ bi, bởi với con mắt trí tuệ của bậc giác ngộ, nhận thức được nguy cơ tàn phá của dòng thác lũ thì không thể không khuyến cáo những ai đang sống dưới dòng chảy ấy cần phải mau chóng thoát khỏi hiểm nguy. Cũng vậy, Bồ-tát quán chiếu thực tại như mộng huyễn đồng thời cũng cảm nghiệm được nỗi khổ niềm đau của chúng sinh đang bị nhận chìm trong dòng thác mộng huyễn đó, cho nên phải kịp thời chỉ rõ cho chúng sinh thấy để tìm cách thoát ly!
Đức Thế Tôn từng dạy: “Thế gian có năm điều không thể ngăn chặn được”. Dù phàm hay thánh, hễ sinh ra giữa cuộc đời này phải chấp nhận năm điều này, không thể nào thay đổi được, không thể nào ngăn chặn được. Năm điều ấy là gì? Đó là: “Sự vật nào đã đến lúc phải mất đi mà muốn nó không mất thì điều này không thể được. Sự vật nào đã đến thời kỳ hoại diệt mà muốn nó không hoại diệt thì điều này không thể được. Thân người đến thời kỳ già nua mà muốn nó không già thì điều này không thể được. Có thân thì có bệnh mà muốn không bệnh tật thì điều này không thể được. Lại nữa, con người ai cũng sẽ chết mà muốn không chết thì điều này không thể được” (Kinh đã dẫn).
Vật phải bị mất, nó sẽ mất. Khi nó đã mất, khiến cho con người buồn thương, khổ não, đau đớn không thể tả, ‘Vật (người) ta yêu ngày nay đã mất’. Đây là gai sầu đau thứ nhất đâm vào tâm con người. Kẻ phàm phu bị cái gai sầu đau này đâm vào tâm nhưng không biết nguồn gốc của sinh, già, bệnh, chết ấy đến từ đâu.
Ngược lại, vị đệ tử Hiền thánh có học pháp, đối với vật phải bị mất, khi nó mất, vị ấy không sinh lòng buồn thương, khổ não, mà sẽ học như vầy: “Nay cái mà ta yêu bị mất, chẳng phải một mình ta thôi, người khác cũng bị pháp này. Nếu vì việc này mà ta sinh lòng buồn thương, khổ não thì điều này không thích hợp. Hoặc sẽ làm cho thân tộc khởi sầu ưu, oan gia thì vui mừng, ăn không tiêu hóa liền sẽ thành bệnh, thân thể bứt rứt phiền muộn. Do gốc duyên này, đưa đến mạng chung”. Bấy giờ, vị ấy trừ bỏ gai nhọn ưu lo, thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, không còn pháp tai nạn khổ não nữa.
Lại nữa, vật phải bị diệt, nó sẽ diệt. Khi nó đã diệt, liền khiến cho con người buồn thương khổ não, đau đớn không thể tả, ‘Vật ta yêu hôm nay đã diệt’. Đây là gai sầu thứ hai đâm vào tâm con người. Kẻ phàm phu bị cái gai sầu đau này đâm vào tâm nhưng không biết nguồn gốc của sinh, già, bệnh, chết ấy đến từ đâu.
Vị đệ tử Hiền thánh có học pháp, đối với vật phải bị diệt, khi nó diệt, vị ấy không sinh lòng buồn thương khổ não, mà sẽ học như vầy: “Nay cái mà ta yêu bị diệt, chẳng phải một mình ta thôi, người khác cũng bị pháp này. Nếu vì việc này mà ta sinh lòng buồn thương, khổ não thì điều này không thích hợp. Hoặc sẽ làm cho thân tộc khởi sầu lo, oan gia thì vui mừng, ăn không tiêu hóa liền sẽ thành bệnh, thân thể bứt rứt phiền muộn. Do gốc duyên này, liền đưa đến mạng chung”. Bấy giờ, vị ấy trừ bỏ gai nhọn ưu lo, thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, không còn pháp tai nạn khổ não nữa.
Lại nữa, vật phải bị già, nó sẽ già. Khi nó đã già, liền khiến cho con người buồn thương, khổ não, đau đớn không thể tả, ‘Vật ta yêu hôm nay đã già’. Đây là gai sầu thứ ba đâm vào tâm con người. Kẻ phàm phu bị cái gai sầu đau này đâm vào tâm nhưng không biết nguồn gốc của sinh, già, bệnh, chết ấy đến từ đâu.
Vị đệ tử Hiền thánh có học pháp, đối với vật phải bị già, nó sẽ già, lúc đó, vị ấy không sinh lòng buồn thương, khổ não mà thường học như vầy: “Nay cái mà ta yêu bị già, chẳng phải một mình ta thôi, người khác cũng bị pháp này. Nếu vì việc này mà ta sinh lòng buồn thương khổ não thì điều này không thích hợp. Hoặc sẽ làm cho thân tộc khởi sầu lo, oan gia thì vui mừng, ăn không tiêu hóa liền sẽ thành bệnh, thân thể bứt rứt phiền muộn. Do gốc duyên này, liền đưa đến mạng chung”. Bấy giờ, vị ấy trừ bỏ gai nhọn ưu lo, thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, không còn pháp tai nạn khổ não nữa.
Lại nữa, vật phải bị bệnh, nó sẽ bệnh; vật phải bị chết, nó sẽ chết. Khi nó đã bệnh, đã chết sẽ khiến cho con người buồn thương, khổ não, đau đớn không thể tả. Đây là gai sầu thứ tư, thứ năm đâm vào tâm ý. Kẻ phàm phu bị những chiếc gai sầu đau này đâm vào tâm nhưng không biết nguồn gốc của sinh, già, bệnh, chết ấy đến từ đâu. Còn vị đệ tử Hiền thánh có học pháp, đối với vật phải bị bệnh, biết nó sẽ bệnh; đối với vật phải bị chết, biết nó sẽ chết. Ai cũng có pháp này, vạn sự vạn vật đều vận hành theo quy luật chứ chẳng phải riêng ai.
Do đó, đối với sự thật này mà sinh lòng buồn thương, khổ não, đau đớn không thể tả là điều không thích hợp. Sự đau khổ này chỉ làm cho thân tộc lo lắng, oan gia thì vui mừng; sẽ khiến ta ăn không tiêu, sẽ thành bệnh, thân thể bứt rứt phiền muộn, thêm khổ. Vị ấy liền trừ bỏ gai nhọn ưu lo, thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, không còn pháp tai nạn khổ não nữa.
Sau khi giảng giải cho vua Văn-trà nghe về năm điều không thể ngăn chặn được xong, Tôn giả Na-la-đà bèn ngâm lên vần kệ:
Không thể lấy buồn đau
Để mong cầu hạnh phúc,
Nếu ôm giữ niềm đau
Ngoại cảnh càng ép thúc.
Nếu là người có trí
Không nên để buồn lâu,
Ngoại cảnh phải cúi đầu
Vì không sai khiến được.
Giữ oai nghi lễ tiết
Hành bố thí rộng sâu,
Phương pháp này nên cầu
Sẽ được phước lợi lớn.
Với năm điều không thể
Ta và người hiểu rõ
Dứt hoạn nạn, sầu lo
Phước báo không tính kể!
Vua Văn-trà sau khi nghe Tôn giả Na-la-đà giảng pháp, mọi buồn khổ trong lòng lập tức trừ sạch. Đây chính là lợi ích của việc đi chùa, nghe pháp và thấy được lẽ thật của cuộc đời.
Sống giữa cuộc đời, ai cũng phải đi qua, phải đối diện với sự thật mất mát, tiêu tán, già nua, bệnh tật và chết chóc, năm điều mà Đức Phật gọi là không thể ngăn chặn. Không thể ngăn chặn thì phải chấp nhận, đó là thái độ của người có trí. Chấp nhận lẽ thật của cuộc đời để biết trân trọng, thương yêu những gì mình có khi chưa mất, chưa diệt, chưa già, chưa bệnh, chưa chết, và sau đó, biết tranh thủ thời gian để tu tập nhằm thành tựu tuệ giác giải thoát, vượt thoát sinh tử trần lao; mục đích cứu cánh của người học Phật.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/vuot-thoat-buon-dau-post68979.html