Won-bot, ngày Tết thứ hai

Đêm. Những sắc độ của bóng đêm chợt hiện lung linh trước mắt Thịnh khi một cánh chim đêm vừa bay xạc qua. Cánh chim bay rất gần, cú giật mình của chim làm người đi trong đêm giật mình theo. Tim đập thình thịch và Thịnh dụi mắt liên tục. Trên đường tới xưởng vẽ, Thịnh miên man nghĩ ngợi trong những sự chọn lựa và cách pha màu để tái hiện những hình ảnh lễ hội vừa vụt hiện nhưng đành bất lực bởi nó quá mơ hồ.

- Ở đây có mắm sà rinh không bà ơi?!

Thấy trên kệ có một dãy dài các hộp mắm với hai chữ "Sà rinh" màu cam nổi bật rồi nhưng Thịnh vẫn hỏi, thay lời chào khi bước vô tiệm người ta mà. Bà mẹ người Khme nghe thế vội quay đầu vào bên trong nhà gọi to:

- Mây ơi! Mây ơi Mây! Quớ Mây… Mâ…â…â…y…y…y…

Tiếng "dạ" mỗi lúc càng gần hơn. Một cô gái từ nhà trong vội vàng bước ra, vừa đi vừa "dạ" liên hồi, nhịp đi tuy hơi vội nhưng vẫn uyển chuyển. Cô gái mặc chiếc áo cổ vòng, vải mịn màng, có lẽ dệt bằng tơ tằm, hoa văn thêu bằng chỉ kim tuyến, đính thêm mấy hạt kim sa tạo thành những bông hoa cách điệu. Chiếc cổ áo đơn giản hơn áo lễ hội rất nhiều nên phần cánh tay trần tròn lẳn của cô để lộ ra nhiều hơn, nhìn thấy tận bờ vai thon thon.

Áo bó sát cánh trông rất hài hòa với tấm xà rông thổ cẩm quấn nửa người bên dưới. Tấm khăn sbay màu rêu cũng làm bằng lụa mềm mại cuốn chéo từ vai trái xuống sườn phải làm tăng thêm nét nữ tính. Tất cả toát ra sự trẻ trung nhưng vẫn giữ nét thùy mị, dịu dàng. Cô cười tươi chào Thịnh, nụ cười vừa phải, hơi kín đáo chứ không như những nụ cười cầu tài thường thấy ở chợ. Bà mẹ già thấy cô gái đã ra đến quầy thì lùi vào nhà, có vẻ như bà chỉ trông hộ một lúc, cô gái mới là người bán đứng.

"Bán mắm có nhứt thiết phải đẹp đến vậy không?!". Nghĩ vui trong bụng như thế nhưng Thịnh không dám nói ra.

- Cô gói cho tôi 10 hộp sà rinh để tôi tặng người quen!

- Dạ…

Minh họa: Lê Trí Dũng

Minh họa: Lê Trí Dũng

Tiếng "Dạ" của cô gái như vừa phát ra từ chiếc khăn sbay, nhẹ thoảng, ngọt ngào. Cô xoay lại nhón rướn người, với tay lên ngăn kệ cao để lấy mấy hộp mắm làm cho nguyên phần eo bụng lượn cong thon thả cùng với cặp mông trinh nguyên lộ khoe ngay trước mắt Thịnh. Có lẽ linh tính thấy người khách đang nhìn chăm chăm vào cơ thể mình nên tay cô gái càng lúc càng run hơn. Cô lấy mỗi lần hai hộp đặt lên mặt quầy gỗ. Đến lần thứ năm, các ngón tay của cô tự dưng run bắn lên làm một hộp mắm rơi xuống lăn lông lốc dưới nền. Theo phản xạ tự nhiên Thịnh khom người nhặt dùm, cùng lúc ấy, cô gái cũng ngồi xuống đưa tay với lấy hộp mắm. Hai khuôn mặt họ tự dưng lại rất gần nhau, gần đến mức Thịnh cảm nhận được hơi thở âm ấm gấp gáp run run của cô gái. Mùi da thịt nồng nàn ập vào mũi Thịnh khi mắt anh vừa chạm ánh mắt thẹn thùng rất nữ tính kia. Anh khẽ khàng:

- Mây để anh… lượm cho!

- Sao biết… em tên Mây? Cô gái tỏ vẻ ngạc nhiên, chỉ hơi ngước lên ngập ngừng hỏi nhưng vẫn giữ nguyên tư thế. Lúc này đến phiên Thịnh bối rối vì anh phát hiện ra môi mình rất gần với cánh tay trần thơm tho của Mây.

- Lúc nãy, mẹ em… gọi mà…

- Không phải… mẹ… Dì Thạch Thị đó, dì coi hàng dùm…

- Tên họ đầy đủ của em là gì Mây?

- Dạ… Danh Mây… Mà anh hỏi làm gì?

- Để biết thôi… Không có chữ lót Nêang à?... Hóa ra ba em là ông Danh trồng dưa hấu nổi tiếng đó hả?

- Dạ… Ui! Vậy anh cũng rành “phụ tử liên danh” quá hở?!...

Thịnh đã thẳng người đặt hộp mắm sà rinh lên mặt quầy. Mây quay vào nhà mang ra hai cái túi giấy có in hình hộp mắm sà rinh với chữ “Mây” chân phương màu xanh dương viền trắng, bên dưới nữa là địa chỉ và số điện thoại để liên lạc đặt hàng. Khi đang thanh toán tiền, Thịnh lấy điện thoại trong túi quần ra, bấm lưu số của Mây in trên túi xách. Một tràng tiếng chim hót đột ngột vang lên bên trong hộc bàn. “A-lô! Mây- mắm đây! Xin lỗi ai ạ?”, Mây càng thẹn thùng hơn khi biết người vừa gọi mình đang đứng trước mặt. Thịnh “Cảm ơn!” rồi xách hai túi ra xe. Khi xe đã nổ máy anh quay lại bắt gặp cái nhìn với theo của Mây.

Trong đời, có những cuộc gặp như một cái nắm tay định mệnh níu người ta xuống địa ngục nhưng cũng có những cơ duyên, dù hết sức tình cờ, đã đưa người ta đến cõi thiên đường. Tùy duyên! Hai chữ "tùy duyên" vận vào đời sống con người thật ý nghĩa… Nhiều đêm, trong xưởng vẽ, một mình đối diện với tấm toan trắng, Thịnh đã chìm vào những suy niệm miên man như thế.

*

Đêm. Những sắc độ của bóng đêm chợt hiện lung linh trước mắt Thịnh khi một cánh chim đêm vừa bay xạc qua. Cánh chim bay rất gần, cú giật mình của chim làm người đi trong đêm giật mình theo. Tim đập thình thịch và Thịnh dụi mắt liên tục. Trên đường tới xưởng vẽ, Thịnh miên man nghĩ ngợi trong những sự chọn lựa và cách pha màu để tái hiện những hình ảnh lễ hội vừa vụt hiện nhưng đành bất lực bởi nó quá mơ hồ.

Tấm toan trắng căng xong đã lâu vẫn đang đợi Thịnh. Bao giờ anh cũng có một thời gian để cho đề tài được thật "chín" trong đầu rồi mới pha màu, động bay, động cọ, đó là cách Thịnh dấn thân vào công việc sáng tạo dùng ngôn ngữ màu sắc này. Ở trường cao đẳng, Thịnh cũng dạy cho học trò của mình như thế, không phải vẽ gì mà vẽ như thế nào.

Thịnh là một họa sĩ khá cực đoan. Bạn bè đồng nghiệp đều nghĩ vậy. Những đốm màu nóng trên tranh của anh cực kỳ chuẩn xác khiến mọi người kính nể, nhưng để đọc được Thịnh trọn vẹn ngay thì… hơi bị khó. Anh luôn thấy và nghĩ với góc nhìn độc sáng, anh luôn chọn màu và đặt bay vào toan bằng sự điều khiển của ý nghĩ vậy nên thường tranh của Thịnh không sa đà vào chi tiết như nhiều họa sĩ khác.

Thịnh ngoài đời thường hòa nhã, rộng lòng, chỉ với nghệ thuật là anh cực đoan, đụng tới học thuật là Thịnh gác tình cảm, vai vế sang một bên. Cũng vì cái tính đó mà cuộc đời Thịnh ba chìm bảy nổi chín lênh đênh ngay khi còn rất trẻ. Từ huyện đi Sài Gòn học Trung cấp Mỹ thuật xong, mang cái bằng tốt nghiệp, bản khai lý lịch và lá đơn nộp phòng Văn hóa- Thông tin huyện xin một chân vẽ cổ động, tuyên truyền. Ba tháng sau, không nghe ừ hử gì, lên hỏi thì được đáp lại bằng một lời hứa ậm ừ: “Đang chờ ý kiến cấp trên”. Ba lần “Đang chờ ý kiến cấp trên” thì Thịnh lấy lại hồ sơ lên Sài Gòn thuê chiếc xích lô, sáng chạy kiếm gạo, chiều ôn thi, quyết tâm thi vô Đại học Mỹ thuật. Thi đến lần thứ hai thì nhận được giấy báo đậu… Nhờ vậy mới có ngày hôm nay, cũng chưa là gì so với người ta, nhưng được giữ chân dạy mỹ thuật ở Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và là một họa sĩ tương đối có “thương hiệu” cũng là tạm ổn. Tết năm nay đã ba ba “cái xuân xanh” rồi mà vẫn chưa có mối tình vắt vai. Mỗi lần về nhà ba má cứ nhìn Thịnh mà thở ra thườn thượt.

Gần đây, một nhà sưu tầm tranh giàu có người Khme, là dân Trà Vinh hiện đang định cư ở nước ngoài, đặt hàng Thịnh với giá rất cao để vẽ một bức tranh về tết Chol-chnam-thmay ngay tại quê hương Trà Vinh của ông ấy và cũng là của Thịnh. Điều kiện là ông ấy phải vừa ý. Quả thật đơn đặt hàng này làm cho Thịnh thích thú vì nó như một thách thức lớn cho tay nghề của Thịnh.

Từ lúc nhận lời tới giờ đã hơn tháng mà đêm nào Thịnh cũng ngồi chống cằm nhìn tấm toan trắng.

Tết Chol-chnam-thmay năm nay đã về. Từ dưới quê huyện, má gửi lên cho anh đủ loại bánh, nào bánh nùm-chrụt (bánh tét) và bánh nùm tiên (bánh ít), bánh nùm-chết (bánh dừa nhân chuối), nùm- niềng- nóc, sùm-bóc-cháp (bánh bột nhân dừa) đủ cả… Thịnh cũng chưa ngó ngàng gì tới một tủ lạnh đầy nhốc bánh trái ấy.

Hôm qua là đêm giao thừa, đèn thắp sáng trưng, nhà nhà cúng bánh trái, hương hoa trên bàn thờ để tiễn thần Tê-vô-đa cũ về nhà trời và rước thần Tê-vô-đa mới xuống ăn Tết, cai quản thổ trạch ở dương thế trong một năm. Sáng Sang-kran, ngày Tết thứ nhất, từ làng quê đến thành thị ai ai cũng tắm rửa tẩy trần, ăn mặc đẹp, phụ nữ mặc áo tầm vông, váy “xăm pốt chân khen”, quấn khăn sbay mới, đàn ông mặc bà ba mới, chít khăn mới, đem theo nhang đèn, phẩm vật đến chùa để lễ, làm lễ rước đại lịch (Ma-ha-sang-kran). Tại sân chùa, Acha điều khiển mọi người đứng vào hàng tiến lên các bậc cấp và đi vòng quanh chánh điện ba lần để làm lễ chào mừng năm mới. Sau đó tổ chức rước thần Bốn mặt Tho-ma-bat, Ka-bun, Ma- ha và Prun. Đêm, người lớn tụ tập nghe nhà sư thuyết pháp, nam thanh nữ tú tập họp thành từng nhóm trên sân chùa trò chuyện, múa hát, vui chơi và bày tỏ tình cảm với nhau.

Hôm qua, trên sân chùa Âng, Thịnh đã phác họa được vài bức nhưng chưa có bức nào ưng ý nên tấm toan vẫn trắng tinh. Tác phẩm tâm đắc vẫn còn ở phía trước. Ngày Tết thứ nhất gọi là Sang-kran có nghĩa là "bước đi” đã trôi qua. Đêm nay, Thịnh vẫn chống cằm ngồi nhìn tấm toan trắng.

*

Ngày Tết thứ hai gọi là Won-bot có nghĩa là “thiếu hoặc thừa”. Trong ý nghĩa thiêng liêng khi con người gọi tên một ngày Tết tức là trong lòng người ấy cũng tràn ngập những suy niệm về ơn trên, về cuộc đời và về những cơ duyên kết hợp hoặc lìa xa, yêu thương hoặc hờ hững, tha thứ hoặc phán xét...

Một cái chum men đá với những họa tiết Khme đặt ở vị trí trang trọng trong sân chùa khiến bước chân Thịnh dừng lại. Chum là một biểu tượng khá thông dụng trong đời sống đồng bào Khme. Các sư thường giảng giải: Chum đựng thức uống bất tử (amrita), tức là sự sống, tức là cái bình sung mãn không bao giờ cạn, những dòng suối chất lỏng chảy ra từ miệng chum là biểu hiệu của thần sông. Trên sân chùa, cái chum tượng trưng cho kẻ canh giữ không gian, đồng thời nó là biểu tượng của một kho báu… Thịnh đang chìm đắm trong những nghĩ suy về một một vật khá thông dụng hàng ngày nhưng trong không khí ngày Tết thứ hai này, nó trở nên đặc biệt khi mang những ý nghĩa lớn lao. Một đường viền bảy màu hoàn mỹ lượn quanh chiếc chum khiến Thịnh muốn vẽ lại nó ngay lập tức. Thịnh đang chuẩn bị dựng giá vẽ thì giật mình vì nhận ra có người đứng sau lưng mình từ nãy giờ.

- Ô! Mây! Mây - mắm sà rinh… Mây! Tết vui không?

Chưa trả lời cho câu hỏi khá thừa vì bối rối đó, Mây đưa tay chỉ cho Thịnh một cái chum ở tít góc bên kia và nói: Cái chum kia đựng những điều ác, anh đừng đến gần nha! Chum này đẹp, nó đựng những điều thiện, anh có thể rờ nó lấy hên. Nói xong, Mây bước tới xoa chum rồi lim dim mắt, vuốt vuốt bàn tay ấy lên người. Thịnh đứng như trời trồng nhìn Mây đang rất thành tâm, rất tự nhiên, rất duyên dáng, dường như nàng không vướng bận những gì nàng không quan tâm. Ừ thì Tết vui quá! Ai lại đi thắc mắc dò hỏi những chuyện khác làm gì, thời gian trước mắt còn dài lắm, tha hồ mà hỏi han, tìm hiểu, còn bây giờ hãy trọn vẹn với niềm vui của trời đất Thần Phật hôm nay đã…

Thịnh tự nghĩ, tự thanh minh, tự lý giải thay cho người con gái anh chỉ tình cờ một lần giáp mặt giờ đột nhiên quay lại làm choáng ngợp tâm hồn anh trong buổi sáng thiêng liêng ngày Won-bot này, ngày mang ý nghĩa “thiếu hoặc thừa” này. Anh ngạc nhiên thấy mình đã nhận ra Mây một cách nhanh chóng, chắc là nhờ cái khăn sbay màu rêu, chẳng phải, Thịnh hít hít mũi, chắc là cái mùi người, tự dưng lại thấy cái mùi thơm tho của Mây như đã thương thuộc với mình từ lâu lắm rồi. Ý nghĩ ấy làm cho tâm hồn Thịnh đột nhiên lâng lâng khó tả. Một cơn xúc động như thế này là điều lâu nay chưa từng có trong Thịnh, nó lạ lẫm, nó choáng ngợp, nó khiến cho bước chân, lời nói của Thịnh như đang lơ lửng trong một thế giới ảo diệu nào đó.

Những bảng màu, những đường cọ mà anh dự định đã tiêu bay, nó chẳng là gì so với ánh mắt trong veo của Mây, nó chẳng là gì so với tiếng “Dạ” ngọt mềm của Mây, nó chẳng là gì so với cơn say lâng lâng đang là sự thật khiến anh đột nhiên như sống bằng một đời sống khác, hạnh phúc ngập dâng trong từng khoảnh khắc. Thịnh bị cuốn đi như một đứa trẻ khi Mây rủ rê cùng xoa vào chiếc chum chứa những điều thiện rồi cùng xoa khắp người, rồi xoa cho nhau, rồi cùng ngửa mặt lên trời cười như nắc nẻ. Giấc mơ giữa ban ngày chợt đến như cơn mưa ban phát những giọt thiện lành làm mát rượi tâm hồn Thịnh. Anh xếp giá vẽ lại ngoan ngoãn đi theo bước chân của Mây khắp các nơi trong sân chùa, cùng chia nhau một khoanh bánh nùm-chrụt dính kết, cùng mua quần áo ban phát cho sư sãi, cùng chung tay múc dòng nước trong vắt tắm cho tượng Phật, cùng quỳ xuống thành tâm dự lễ Băng-skot…

Khi cùng với Mây ngồi nghỉ chân trên một gốc cổ thụ xù xì trên bờ đất ao Bà Om, họ nghe tiếng nhạc ngũ âm văng vẳng bên hướng nhà bát giác. Mây ngay lập tức đứng lên nắm tay Thịnh đi về hướng đó.

Trên sân, có rất nhiều nam thanh nữ tú đang múa điệu Răm-vông, họ đang dịch chuyển thành một vòng tròn lớn, từng đôi vừa xòe cong ngược hai tay, nhấc chân theo điệu nhạc, vừa quay lại nhìn nhau thật tình tứ. Các động tác của nữ khi múa lượn 2 cánh tay ra trước ngực, còn nam thì lượn cánh tay rộng ra như để che chở. Kết hợp với chân, chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ngược lại. Mây và Thịnh bước vào hòa nhịp ngay, họ trở thành một cặp múa nổi bật nhờ vào các động tác múa chuẩn xác và duyên dáng của Mây. Thịnh bất ngờ với tài múa của Mây, vẫn biết rằng người Khme biết múa hát trước khi biết đọc biết viết nhưng anh không thể ngờ Mây là một vũ công có năng khiếu đến như thế. Mỗi khi quay lại, Thịnh nhìn Mây đắm đuối, anh xúc động nhận ra đây chính là phân nửa của mình mà bấy lâu nay thất lạc…

*

Thịnh mở mắt, choàng người dậy khi nắng đã lên cả cây sào. Ngày tết thứ ba gọi là Lon-sătk đã bắt đầu từ lâu. Vậy là anh đã gục xuống ngủ mê man trong xưởng vẽ. Cọ, bay vương vãi trên sàn, màu dính đầy trên quần áo. Thịnh chồm người đến giá vẽ, trước mắt anh là một tác phẩm sơn dầu sống động về cái Tết Chol-chnam-thmay với những đường cọ nhập thần, lả lướt. Những lớp màu, mảng màu, chấm màu hất mạnh, roẹt mạnh từ chiếc bay của anh tưởng vô tình nhưng kỳ thực rất chuẩn xác khi tái hiện lại đường cong cơ thể của vũ công không chuyên Danh Mây. Đôi mắt lúng liếng mê hoặc của Mây nằm ở ngay điểm mạnh của bức tranh góp phần tạo nên một bố cục chặt chẽ.

Những nét màu của Thịnh thể hiện phần lộng lẫy nhưng chuẩn xác nhất của một góc chùa Âng, của niềm vui rộn rã từ những bước chân các cô gái với chiếc xà rông thổ cẩm kín đáo chỉ có ở trang phục Khme. Một cái chum men đá hiện ra bởi các dải màu phong phú, chuyển tiếp hài hòa cùng với các họa tiết Khme ẩn hiện. Trên khung tranh lúc này rõ ràng đây là một cái chum chứa những điều thiện lành. Và cái dáng uy nghi, huyền bí của nó xứng đáng với ý nghĩa là một cái chum đựng thức uống bất tử. Những đốm sáng bảy màu dường như vừa vỡ ra đây đó rồi hình thành trở lại tạo sự lung linh cho một không gian Tết. Những đốm màu nóng cực kỳ chuẩn xác tạo nên ánh sáng huyền ảo cho toàn bộ bức tranh.

Tết Chol-chnam-thmay thể hiện qua màu sắc vô cùng phong phú, sống động vì nó đã được đánh thức bởi tình yêu...

Nhà sưu tầm tranh là một người đàn ông tóc bạc trắng, đôi mắt tinh anh. Ông đã quỳ xuống, hai giọt nước mắt lăn tràn trên má khi nhìn thấy bức tranh “Won-bot, ngày Tết thứ hai”. Tiếng ông ngắt quãng trong nỗi xúc động sâu xa: “Đúng thần thái của dân tộc Khme rồi! Đúng thần thái của dân tộc tôi đây mà!”. Khi vui mừng nhận bức tranh mà mình hằng mong đợi, nhà sưu tầm tranh giàu có mãi nhìn Thịnh và Mây đang tay trong tay nhau, một lúc sau, ông vui vẻ nói:

- Cứ yêu thương nhau các bạn sẽ được vụ mùa!

Thịnh khe khẽ nói lời cảm ơn khách rồi quay sang vừa ôm Mây thật chặt vào lòng vừa hôn lên mái tóc của nàng, giọng anh trở nên vui vẻ:

- Có nghe rõ chưa, thưa cô Mây - mắm?! À quên, bà Thịnh - mắm chớ!

Mây ngước lên nhìn Thịnh, ánh mắt ngập tràn hạnh phúc và ắp đầy nỗi tự hào về người thương tài giỏi của mình.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/won-bot-ngay-tet-thu-hai-i673704/