Xã Hội | Giáo dục TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Năm 2017, cùng với huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), huyện Sìn Hồ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn thí điểm thực hiện Dự án 'Vì một thế giới đảm bảo quyền trẻ em và bình đẳng cho trẻ em gái' giai đoạn 2017 - 2021. Với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển Bỉ thông qua Tổ chức Plan quốc tế Bỉ. Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã hoàn thành mục tiêu đề ra và tác động quan trọng đến các nhóm đối tượng hưởng lợi.

Dự án gồm 2 hợp phần: chăm sóc, giáo dục trẻ thơ và giảm nhẹ rủi ro thiên tai đối với trẻ em. Với mục tiêu tạo môi trường an toàn cho mọi trẻ em tại vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được phát triển toàn diện. Giúp trẻ em có kỹ năng thích ứng với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường năng lực và sự tham gia của trẻ em, cha mẹ, cộng đồng, chính quyền địa phương. Ngoài 4 xã được hưởng lợi trực tiếp gồm: Ma Quai, Tả Phìn, Tả Ngảo, Làng Mô, UBND huyện Sìn Hồ cũng đã chỉ đạo triển khai nhân rộng, áp dụng vào các mô hình nhóm cha mẹ ở các xã ngoài vùng Dự án gắn với nhiệm vụ công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện.

Trẻ em huyện Sìn Hồ học các kỹ năng thích ứng rủi ro thiên tai.

Trẻ em huyện Sìn Hồ học các kỹ năng thích ứng rủi ro thiên tai.

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, cùng đồng hành với Hội LHPN Việt Nam có Tổ chức Plan International Việt Nam, Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live &Learn) còn có UBND huyện Sìn Hồ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội LHPN tỉnh. Bởi vậy, thu hút sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các nhà trường, cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể tại cơ sở.

Với các hoạt động tập trung vào giáo dục và cộng đồng đã thu hút rất đông phụ huynh có con từ 0 - 3 tuổi tham gia vào nhóm cha mẹ tại địa phương. Từ đó, cùng nhau trao đổi, chia sẻ, thực hiện việc chăm sóc con em khoa học, đảm bảo phát triển toàn diện. Điển hình là xây dựng mô hình nuôi gà đẻ trứng, nuôi chim cút, chim bồ câu; làm sữa đậu nành từ nguyên liệu tại địa phương; làm sân chơi cho trẻ đảm bảo an toàn, lành mạnh.

Lập gia đình từ khá sớm nên anh Chẻo Xoang Mìn (bản Bành Phán, xã Tả Phìn) nuôi con chưa khoa học. Tuy vậy, mỗi khi đi tiêm chủng, cán bộ y tế đều nhắc nhở cần chú ý đến dinh dưỡng để con phát triển khỏe mạnh hơn. Vì so với lứa tuổi, em bé kém cả về cân nặng và chiều cao. Vậy nên, khi tham gia nhóm cha mẹ, anh được tiếp thu nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích về chăm sóc con cái.

Đối với ngành Giáo dục, trẻ em trên địa bàn các xã thuộc Dự án đã được hưởng lợi từ các hoạt động thông qua mô hình “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng”. Đã tập trung cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; thiết lập và vận hành mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường; hoạt động truyền thông về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực học đường.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng điều hành, quản lý. Từ đó, trẻ em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, hào hứng tham gia các hoạt động và ngày càng cải thiện chất lượng học tập cũng như kiến thức xã hội; thầy cô giáo có sự điều chỉnh phương pháp, chương trình phù hợp với nhận thức của trẻ.

Với nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể là nhân rộng mô hình, sáng kiến dựa vào cộng đồng và thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ đã góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra trong công tác trẻ em tại huyện Sìn Hồ. Kết thúc hành trình 5 năm, Dự án được đánh giá đã có tác động tích cực đến nhận thức và chuyển đổi hành vi của cha mẹ, giáo viên, chính quyền địa phương thể hiện qua: chất lượng học tập của trẻ em dần cải thiện, trẻ ngày càng mạnh dạn tự tin hơn, tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ được cải thiện.

Dự án giúp nhiều gia đình có kiến thức về dinh dưỡng để chăm sóc con phát triển khỏe mạnh hơn.

Dự án giúp nhiều gia đình có kiến thức về dinh dưỡng để chăm sóc con phát triển khỏe mạnh hơn.

Nổi bật là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại các xã Dự án (từ 25,68% năm 2017 xuống 14,37% năm 2021); tỷ lệ trẻ lớp 2 tại xã Dự án đạt chuẩn môn Tiếng Việt là 94,30%, môn Toán đạt 96,35%; các chuyên đề giáo dục mầm non đảm bảo bình đẳng giới được áp dụng vào giảng dạy tại địa bàn Dự án; 100% các chỉ tiêu hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai đều đạt kết quả theo yêu cầu của Dự án…

Cùng với đó, cán bộ, công chức tại các xã vùng Dự án đã được nâng cao năng lực và kỹ năng lập kế hoạch, quản lý, điều hành dự án. Trang bị thêm các kỹ năng tham vấn cộng đồng... Những kỹ năng này rất hữu ích trong quá trình quản lý và thực hiện các chương trình khác của Chính phủ trong thời gian tới.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/t%E1%BA%A1o-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-an-to%C3%A0n-cho-tr%E1%BA%BB-em-t%E1%BA%A1i-v%C3%B9ng-kh%C3%B3-s%C3%ACn-h%E1%BB%93