Xã Hội | Giáo dục TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Vàng Ma Chải (xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ) không ngừng triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện của địa phương. Qua đó, nâng cao chất lượng dạy và học; giúp trẻ rèn luyện kỹ năng sống.

Đến thăm điểm trường trung tâm Trường Mầm non Vàng Ma Chải, chúng tôi ấn tượng với khuôn viên nơi đây. Dù hơi nhỏ nhưng bố trí khoa học, bắt mắt, từ sân chơi đến các khu trải nghiệm thực tế: vườn cổ tích với những con vật ngộ nghĩnh; phiên chợ vùng cao đặc sắc, hấp dẫn bởi trang phục, đồ dùng sinh hoạt của người Dao, Thái, Hà Nhì…

Thật tình cờ, chúng tôi được tham gia giờ “Hoạt động góc” của lớp trẻ 5 tuổi. Các bạn nhỏ chia thành nhiều nhóm hoạt động ở các góc: xây dựng, bán hàng, học tập… Qua quan sát, chúng tôi thấy trẻ hoạt bát và năng động; giao tiếp tiếng Việt thông thạo; thể hiện thần thái ở từng vai: chú công nhân, người bán hàng, cô giáo… thông qua biểu cảm trên khuôn mặt, cử chỉ, lời nói.

Cô giáo Trường Mầm non Vàng Ma Chải hướng dẫn trẻ thực hành bán hàng trong giờ “Hoạt động góc”.

Cô giáo Trường Mầm non Vàng Ma Chải hướng dẫn trẻ thực hành bán hàng trong giờ “Hoạt động góc”.

Em Phàn Minh Phương – lớp 5 tuổi phấn khởi nói: Cháu rất thích đi học. Vì ở lớp có nhiều bạn, được chơi nhiều trò vui. Cô dạy múa hát, dạy đọc chữ cái. Cơm ở trường các cô nấu ngon, có thịt, có cá.

Được biết, Trường Mầm non Vàng Ma Chải có 24 cán bộ, giáo viên và nhân viên chia ra thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở 7 điểm trường bản và 1 điểm trường trung tâm. Năm học 2021-2022, toàn trường có 12 lớp, 270 trẻ. Những năm qua, để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh cho trẻ ra lớp đúng độ tuổi. Chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên thường xuyên đổi mới phương pháp giáo dục với phương châm: “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Cô giáo Đinh Thị Thu Hương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đối với 1 trường ở vùng xa, vùng biên giới, điều kiện vật chất còn thiếu, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo đội ngũ giáo viên tăng cường dạy tích hợp các môn kết hợp dạy tiếng Việt cho trẻ; tận dụng vỏ lon nước ngọt, vỏ hộp sữa, cùi ngô, đá cuội… để làm đồ dùng học tập, trang trí lớp học, tạo không gian đa dạng thu hút trẻ đến trường. Hiện nay, 100% đồ dùng học tập ở các lớp đều do các cô tự sáng tạo làm ra. Ngoài ra, đối với một số loại rau củ: bí đỏ, khoai, bắp ngô… phụ huynh góp thêm để rèn luyện kỹ năng sống, ý thức tự lập cho trẻ; phát hiện, bồi dưỡng thêm những sở thích, năng khiếu, sáng tạo của trẻ ở từng lĩnh vực. Khuyến khích giáo viên viết sáng kiến, kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn.

Giáo viên Trường Mầm non Vàng Ma Chải chăm lo giấc ngủ cho trẻ.

Giáo viên Trường Mầm non Vàng Ma Chải chăm lo giấc ngủ cho trẻ.

Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ cũng được nhà trường quan tâm hết mực. Hàng ngày, nhà trường thay đổi thực đơn bữa ăn cho học sinh đảm bảo đủ chất dinh dưỡng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vận động phụ huynh góp thêm củi, gạo, rau xanh để bữa ăn của trẻ thêm phong phú. Từ các mối quan hệ xã hội, mỗi năm, giáo viên trong trường kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ chăn, gối, đồ dùng học tập; quần áo ấm, giày dép, mũ, tất, sữa, bánh kẹo… cho các bé.

Với nhiều giải pháp, chất lượng dạy và học ở trường vùng biên không ngừng được nâng lên. Hiện nay, tỷ lệ trẻ ra lớp đúng độ tuổi đạt 100%, tỷ lệ chuyên cần duy trì ở mức trên 98%. Hàng năm, 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục bậc mầm non. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao trung bình giảm còn dưới 11%. Nhà trường có nhiều giáo viên dạy giỏi các cấp; được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh công nhận là trường học đạt xanh – sạch – đẹp – an toàn.

Xét từ điều kiện thực tế ở vùng biên, kết quả mà Trường Mầm non Vàng Ma Chải đạt được thật đáng tự hào. Điều đó không chỉ khẳng định nỗ lực của cán, bộ, giáo viên; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền mà còn là sự thay đổi rõ rệt về tư duy, nhận thức của người dân trong việc tạo điều kiện cho con đến trường học tập.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/n%C3%A2ng-cao-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-d%E1%BA%A1y-v%C3%A0-h%E1%BB%8Dc-%E1%BB%9F-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-m%E1%BA%A7m-non-v%C3%B9ng-bi%C3%AAn