Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Thủy điện Lai Châu hiện là chủ đầu tư nhiều dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Do yêu cầu của quá trình vận hành các nhà máy, công ty đang rất cần đội ngũ lao động có tay nghề cao. Tuy nhiên, hiện nay công tác tuyển dụng đang gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được.

Cụm Dự án Nhà máy thủy điện Nậm Pạc 1 và 2 có tổng công suất lắp máy 34mW, nằm trên địa bàn 2 xã: Nậm Xe, Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) với tổng mức đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng. Công ty cũng thực hiện Dự án thủy điện Pa Vây Sử có tổng công suất lắp máy 38mW gồm 3 nhà máy: Pa Vây Sử, Tả Páo Hồ 1A và Tả Páo Hồ 1B được xây dựng trên địa bàn 4 xã: Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Sì Lở Lầu và Mồ Sì San (huyện Phong Thổ).

Với mục tiêu phát điện hòa vào lưới điện quốc gia nhằm đáp ứng một phần phụ tải của khu vực và cả nước, dự kiến khi các nhà máy thi công sẽ cải tạo khoảng 100km đường giao thông liên xã tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Hàng năm, khi các cụm dự án đi vào phát điện sẽ cung cấp sản lượng điện khoảng 300-350 triệu kWh/năm, đem lại doanh thu khoảng 400-450 tỷ đồng và nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước khoảng vài chục tỷ đồng.

“Để đạt được hiệu quả cao trong công tác tổ chức sản xuất, khai thác kinh tế, hiệu quả các dự án thì vấn đề nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Bởi vậy, công tác tuyển dụng, tổ chức nhân sự tại các cụm dự án đã và đang được công ty quan tâm chú trọng bởi đây là nhân tố chính ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công hay thất bại của dự án đó” - ông Nguyễn Đức Doanh, Phó Giám đốc Công ty tư vấn Thủy điện Lai Châu nhấn mạnh.

Nhiều lao động địa phương tìm kiếm cơ hội việc làm tại Tuần Hỗ trợ, kết nối việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tỉnh Lai Châu năm 2021 được tổ chức tháng 8 vừa qua.

Nhiều lao động địa phương tìm kiếm cơ hội việc làm tại Tuần Hỗ trợ, kết nối việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tỉnh Lai Châu năm 2021 được tổ chức tháng 8 vừa qua.

Hiện nay, chất lượng của các sinh viên sau khi ra trường được nhận vào làm không đáp ứng được yêu cầu của công ty bởi đa phần các kiến thức đào tạo tại các trường trung cấp, cao đẳng quá cũ, không có sự cải tiến, không sát thực tế so với môi trường làm việc (cụ thể là dây chuyền công nghệ của các nhà máy thủy điện). Điều này khiến người lao động lúng túng khi nhận nhiệm vụ và phải mất một thời gian dài để nắm bắt, học tập và đủ khả năng để làm việc độc lập. Theo khảo sát, khi tuyển dụng 90% lao động tuyển mới về phải mất 3-6 tháng mới có thể tin tưởng để giao việc. Nhưng đó cũng chỉ là những công việc đơn giản, trong khi đặc thù ngành nghề đòi hỏi độ an toàn, chính xác cao. Tại các dự án thủy điện, các công nghệ áp dụng trong sản xuất được cập nhật liên tục nhằm tối ưu hóa sức lao động. Thế nhưng những sinh viên mới tuyển dụng, kể cả những sinh viên chuyên ngành đều phải đào tạo lại an toàn, công nghệ, thậm chí cử đi các nhà máy có công nghệ tương tự hoặc học việc tại các dự án trong khoảng thời gian dài, sau đó cử đi đào tạo tại các cơ sở trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới có thể độc lập làm việc tại các vị trí trong nhà máy.

Không chỉ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, lực lượng lao động còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, gây cản trở quá trình tiếp cận, giao tiếp với các chuyên gia nước ngoài. Đồng thời cũng không thể hiểu, dịch được các tài liệu công nghệ thiết bị nên không học hỏi được kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực mình quan tâm.

Hiện tại, Nhà máy Thủy điện Nậm Pạc 1 và 2, nhân sự vận hành đa phần là con em đồng bào (60% con em là đồng bào dân tộc Thái tại xã Nậm Xe, 10% là con em đồng bào dân tộc Mông, còn lại là con em đồng bào dân tộc Giáy, Dao). Mặc dù vậy có một thực tế là nguồn cung lao động trình độ cao còn hạn chế mà nhu cầu lại rất cao. Để tuyển được nhân viên có trình độ đại học, có kinh nghiệm, thực tiễn công tác thì rất khan hiếm, đặc biệt là các dự án vùng sâu, vùng xa.

Tại Tuần hỗ trợ, kết nối việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tỉnh Lai Châu năm 2021 được UBND tỉnh tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, có rất nhiều lao động địa phương (đi lao động các nơi trở về và lao động tại chỗ) đã đến phỏng vấn tại các công ty, doanh nghiệp với mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm. Tại đây, anh Vàng Văn Ngân (xã Mường So, huyện Phong Thổ) cho biết: “Tôi năm nay 31 tuổi, tốt nghiệp Đại học Tây Bắc, ngành Sư phạm Toán - Lý. Do không xin được việc làm tại quê nhà nên tôi đã về tỉnh Hải Dương xin làm công nhân ở khu công nghiệp. Khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi trở về quê, mong muốn xin được việc làm tại Công ty Thủy điện Nậm So 1. Tuy nhiên do yêu cầu về trình độ đào tạo, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thủy điện chưa có nên tôi chưa được chấp nhận hồ sơ”. Được biết, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên-Hướng nghiệp tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu tổ chức một số lớp đào tạo nghề ngắn, dài hạn. Song, so với tính chất, đặc thù công việc đòi hỏi chuyên môn cao nên chỉ có ít lao động sau khi được đào tạo tìm kiếm được cơ hội việc làm.

Tại Hội thảo khoa học phát triển thủy điện vừa và nhỏ gắn với bảo vệ và phát triển rừng được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh vừa tổ chức, lãnh đạo Công ty tư vấn Thủy điện Lai Châu mong muốn tỉnh có cơ chế trong chính sách đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác vận hành các nhà máy thủy điện hiện nay. Bởi đó không chỉ được lợi cho công ty mà còn giúp tỉnh giải bài toán việc làm cho lao động tại địa phương, qua đó góp phần nâng cao chất lượng qua đào tạo, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/thi%E1%BA%BFu-ngu%E1%BB%93n-nh%C3%A2n-l%E1%BB%B1c-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-cao-v%E1%BA%ADn-h%C3%A0nh-c%C3%A1c-nh%C3%A0-m%C3%A1y-th%E1%BB%A7y-%C4%91i%E1%BB%87n