Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Chưa bao giờ người dân ở những bản rất khó khăn về giao thông thuộc huyện Tân Uyên lại đón một mùa xuân trọn vẹn đến thế. Không còn những mối hiểm nguy rình rập; kéo dài khoảng cách do ngăn trở núi, sông. 16 cây cầu được đầu tư từ Dự án Ðầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (gọi tắt là Dự án LRAMP) đã xóa mờ khoảng cách ở những bản xa.

Trong chuyến công tác gần đây tại bản Nà An (xã Mường Khoa), nhân chuyện về cây cầu bắc ngang sông Nậm Mu tại bản, chúng tôi được nghe kể về những hoài niệm xót xa của người ở lại. Đó là câu chuyện của ông Hoàng Văn Bang – người dân trong bản. Ông kể rằng, Nậm Mu là con sông lớn chảy quanh bản, nhờ có những bãi phù sa bồi đắp nên lúa, ngô, cây màu luôn tươi tốt. Bởi thế mà cái bụng của bà con được no đủ quanh năm. Thế nhưng, hầu hết diện tích sản xuất của bản đều nằm phía bên kia sông, muốn đem cây giống, phân bón sang canh tác, bà con thường phải làm bè mảng hoặc di chuyển bằng những con thuyền tạm bợ. Hơn 20 năm trước, trong một lần đi làm nương về, do nước sông lớn, chảy xiết, chị gái ông đã không thể vượt qua được sức nước lớn, chòng chành trên chiếc bè mảng và bỏ lại tuổi thanh xuân mãi mãi dưới khúc sông Nậm Mu.

Bố con anh Lù Văn Nhân – Trưởng bản Nà An mới đây trong một lần qua sông cũng suýt “bỏ mạng” dưới dòng nước trong vắt đó. May mắn thay, hai bố con đã bám được vào bụi cây ven bờ nên đã thoát chết kỳ diệu. Bao năm qua, mỗi lần qua sông canh tác là bấy nhiêu lần ám ảnh đối với bà con dân bản Nà An. Đến năm 2021, bà con được xây cây cầu vững chãi vắt ngang sông. Cây cầu hiện hữu ở Nà An còn hóa giải những nỗi lo lắng thường trực khi bị biệt lập với thế giới bên ngoài vào mỗi mùa mưa của 27 hộ đồng bào dân tộc Thái; thắp lên niềm vui cho hơn 200 hộ dân trong việc canh tác cây lương thực, hoa màu.

Cây cầu mà bản Nà An được hưởng lợi là một trong 7 cây cầu (gồm cầu: Nà An, Nà Còi, bản Mường, Nà Cại, Hô So, Phiêng Khon, Phiêng Hào) trên địa bàn xã Mường Khoa được Dự án LRAMP đầu tư xây dựng từ năm 2019 đến nay, đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng. Riêng cây cầu Phiêng Hào với tổng chiều dài lớn nhất (140m) khi đưa vào sử dụng kết hợp với một số cầu bê tông khác sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Mường Khoa với xã Bản Bo (huyện Tam Đường) từ 30km xuống còn 12km.

Đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị nhà thầu thống nhất kế hoạch thi công cầu Phiêng Hào.

Đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị nhà thầu thống nhất kế hoạch thi công cầu Phiêng Hào.

Được biết, Mường Khoa là một trong những xã có nhiều khó khăn trong phát triển giao thông nông thôn. Do dân cư sống rải rác, địa hình chia cắt bởi đồi núi và hệ thống sông suối nên muốn hoàn thiện hệ thống giao thông cần rất nhiều nguồn đầu tư và không thể đáp ứng trong một sớm, một chiều. Do đó, với việc đầu tư 7/16 chiếc cầu, cống trên toàn huyện, Dự án cầu LRAMP đã giảm áp lực tương đối lớn nguồn vốn đầu tư cho giao thông trên địa bàn xã của các cấp, các ngành.

Được biết, ngoài Mường Khoa, các xã: Trung Đồng, Nậm Sỏ, Nậm Cần, Pắc Ta, Hố Mít cũng được đầu tư xây dựng cầu LRAMP. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Trọng Hài – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Uyên cho biết: Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương được Bộ Giao thông - Vận tải triển khai từ năm 2017 - 2021 nhằm nâng cấp, sửa chữa và quản lý tốt mạng lưới đường giao thông, cầu dân sinh tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại huyện Tân Uyên, nhờ có Dự án, nhiều công trình cầu được đầu tư xây dựng mới đã góp phần xóa mờ khoảng cách, tạo đà xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho các vùng miền.

Để tạo điều kiện cho các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thuận lợi thi công, đẩy nhanh tiến độ, cấp ủy, chính quyền các xã được chọn đầu tư phối hợp chặt chẽ, vận động tuyên truyền tới Nhân dân khu vực xung quanh chân cầu chủ động hợp tác, sớm bàn giao mặt bằng thi công. Bởi đây là những cây cầu được rà soát và đáp ứng kịp thời những mong mỏi, nguyện vọng thiết tha của người dân nên trong công tác giải phóng mặt bằng dù không có nguồn đền bù, hỗ trợ nhưng rất thuận lợi, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con. Có nhiều gia đình chủ động tháo dỡ vật kiến trúc, hiến đất sản xuất để làm cầu. Do đó, quá trình thi công, các đơn vị liên quan không phải mất thời gian giải quyết những vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Cầu suối Lĩnh (xã Hố Mít) vừa được bàn giao, đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn trong sinh hoạt, đi lại và giao thương hàng hóa cho Nhân dân trong xã.

Cầu suối Lĩnh (xã Hố Mít) vừa được bàn giao, đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn trong sinh hoạt, đi lại và giao thương hàng hóa cho Nhân dân trong xã.

Điều này được ông Nguyễn Vĩnh Hưng – Giám đốc Điều hành Ban Quản lý Dự án 4 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định: Trong quá trình triển khai Dự án, các đồng chí lãnh đạo huyện, các phòng ban và các xã có công trình rất quan tâm, phối hợp với đơn vị chủ đầu tư, quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công. Tất cả các vấn đề liên quan luôn được giải quyết một cách nhanh và hiệu quả nhất. Nhờ đó, tiến độ và chất lượng của các công trình luôn được đảm bảo.

Anh Hoàng Công Đức – Phó Phòng Kỹ thuật (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh) cho biết: Nguồn vốn đầu tư xây dựng các cây cầu thuộc Dự án cầu LRAMP do Bộ Giao thông – Vận tải vay từ nguồn vốn nước ngoài, do đó được thi công đồng loạt đã giảm áp lực rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Về chất lượng các cây cầu hoàn toàn đảm bảo bởi được các đơn vị liên quan tăng cường giám sát và thi công dưới sự kiểm soát chung của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Nhờ có những chiếc cầu vững chãi bắc qua sông đã chấm dứt những nỗi lo tách biệt của bà con vào mỗi mùa mưa. Và hơn hết là tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong sinh hoạt, cuộc sống và thông thương, thúc đẩy những miền quê ngày một đổi mới.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/d%E1%BB%B1-%C3%A1n-c%E1%BA%A7u-lramp-%E1%BB%9F-t%C3%A2n-uy%C3%AAn-x%C3%B3a-m%E1%BB%9D-kho%E1%BA%A3ng-c%C3%A1ch