Xã Hội | Vấn đề hôm nay | Giáo dục TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Thiếu giáo viên, phòng chức năng, trang thiết bị... là những khó khăn chung của các đơn vị giáo dục trên địa bàn huyện Nậm Nhùn trong công tác giảng bộ môn tiếng Anh và Tin học. Trước thực trạng đó, ngành Giáo dục huyện nỗ lực đưa ra những giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn.

Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành và các nhà hảo tâm, dù đứng chân trên địa bàn xã khó khăn, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Nậm Chà (xã Nậm Chà) được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, bố trí đầy đủ các phòng học, phòng chức năng phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập. Trong giảng dạy bộ môn Tin học, trường có một phòng chức năng với 25 bộ máy tính.

Thầy giáo Bùi Văn Phi – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Chà chia sẻ: “Mặc dù có đầy đủ các điều kiện phục vụ cho công tác giảng dạy bộ môn Tin học, nhưng hiện nhà trường vẫn chưa có giáo viên chuyên ngành này. Để tháo gỡ khó khăn, nhà trường tạm thời phân công giáo viên thành thạo tin học dạy kiêm nhiệm. Tuy nhiên về lâu dài, trường vẫn cần được bố trí giáo viên chuyên ngành để đảm bảo chất lượng giảng dạy”.

Giờ thực hành Tin học của cô và trò Trường PTDTBT Nậm Chà (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn).

Giờ thực hành Tin học của cô và trò Trường PTDTBT Nậm Chà (xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn).

Là đơn vị đạt chuẩn quốc gia và đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 từ vài năm nay; việc dạy học môn tiếng Anh cho học sinh khối lớp 3 đến lớp 5 là quy định bắt buộc, nhưng đến nay, Trường PTDTBT Tiểu học Mường Mô (xã Mường Mô) vẫn chưa được bố trí giáo viên (biên chế) giảng dạy môn học này.

Để khắc phục khó khăn, đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện bộ môn tiếng Anh của nhà trường đang được giáo viên tiếng Anh của Trường THCS Mường Mô (giảng dạy liên trường, liên cấp) đảm nhiệm. Do một giáo viên đảm nhận công tác giảng dạy liên trường, khối lượng kiến thức nhiều, trình độ nhận thức của học sinh các cấp học không đồng đều… dẫn đến chất lượng dạy và học môn tiếng Anh của trường trong những năm qua vẫn thấp.

Những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong việc triển khai công tác giảng dạy bộ môn tiếng Anh và Tin học tại hai đơn vị giáo dục trên đang là thực trạng chung của hầu hết các đơn vị giáo dục trên địa bàn huyện Nậm Nhùn.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn, hiện toàn huyện có 11 giáo viên giảng dạy bộ môn tiếng Anh/20 trường (bậc tiểu học là 2 giáo viên/9 trường; THCS và liên cấp tiểu học – THCS là 9 giáo viên/11 trường). Đối với bộ môn Tin học toàn huyện có 5 giáo viên/20 trường (bậc tiểu học 2 giáo viên/9 trường; bậc THCS và liên trường tiểu học – THCS 3 giáo viên/11 trường).

Giáo viên Tin học và tiếng Anh thiếu so với nhu cầu nên ảnh hưởng rất lớn đến việc phân công, thực hiện công tác giảng dạy. Cùng với đó, các đơn vị trường chưa được đầu tư phòng học trực tuyến, phòng thực hành Tin học (toàn huyện có 3/20 trường được đầu tư xây dựng phòng thực hành Tin học; ngoài ra một số trường từ công tác xã hội hóa đã được đầu tư thiết bị phục vụ cho việc thực hành bộ môn Tin học). Tuy nhiên, phòng máy của các trường hiện thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; hệ thống máy có cấu hình thấp, hay hỏng, ít được bổ sung, sửa chữa, thay thế. Do vậy, việc giảng dạy vẫn trong tình trạng “học chay”, thiếu phương tiện, đồ dùng, trang thiết bị dạy học, không có phòng học riêng....

Ông Nguyễn Văn Ninh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn cho biết: “Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong công tác giảng dạy bộ môn tiếng Anh và Tin học, trước mắt trong năm học 2021-2022, ngành Giáo dục huyện đang bố trí thí điểm dạy học trực tuyến nhiều trường qua phòng học trực tuyến tại điểm cầu Trường Tiểu học – THCS Lê Lợi và Trung Chải để chuẩn bị cho việc dạy học trực tuyến đại trà trong năm học 2022-2023. Phân công giáo viên dạy liên cấp đối với trường liên cấp; giáo viên dạy liên trường, liên cấp đối với những trường gần nhau. Về lâu dài ngành đang xây dựng kế hoạch thu hút và tuyển dụng giáo viên; bố trí kinh phí xây dựng mua sắm trang thiết bị cho công tác giảng dạy và học tập bộ môn Tin học và tiếng Anh”.

Với những định hướng, giải pháp đưa ra, hy vọng trong những năm học tới, quy mô, chất lượng, hiệu quả dạy và học môn tiếng Anh và Tin học tại các trường trên địa bàn huyện Nậm Nhùn sẽ không ngừng được nâng lên.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/g%E1%BB%A1-kh%C3%B3-trong-c%C3%B4ng-t%C3%A1c-gi%E1%BA%A3ng-d%E1%BA%A1y-ti%E1%BA%BFng-anh-tin-h%E1%BB%8Dc