Xã Lâm Sơn: Giữ gìn thương hiệu 'Làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh'

Hình thành và phát triển từ hơn 20 năm nay, làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh ở xã Lâm Sơn (Lương Sơn) được nhiều người biết đến, với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo chế tác trên đá và gỗ. Năm 2017, địa phương vinh dự được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Hiện, các nghệ nhân làng nghề vẫn hàng ngày miệt mài với công việc chế tác để gìn giữ, phát triển thương hiệu.

Anh Đỗ Văn Cường, chủ cơ sở chế tác gỗ lũa tại xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) giới thiệu sản phẩm gỗ lũa được bày bán.

Anh Đỗ Văn Cường, chủ cơ sở chế tác gỗ lũa tại xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) giới thiệu sản phẩm gỗ lũa được bày bán.

Làng nghề có 51 hộ dân, tập trung ở 2 xóm Đoàn Kết và Rổng Tằm. Thăm cơ sở chế tác đá của anh Trần Duy Minh tại xóm Rổng Tằm, chúng tôi được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật trên đá trải dài từ cổng vào tới khu làm việc. Anh Minh chia sẻ: "Tôi bén duyên với nghề này từ năm 1999 đến nay. Từ những hòn đá lẻ ban đầu được tạc thành hình khối, khách mua ngày càng nhiều, tôi quyết định mở rộng kinh doanh với quy mô, mặt hàng phong phú hơn. Cơ sở hiện có 12 thợ làm đều là lao động địa phương, thu nhập ở mức 300.000 - 800.000 đồng/ ngày công tùy vào tay nghề”. Qua tìm hiểu, nguồn hàng cơ sở của anh Trần Duy Minh từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, như các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa; các huyện Lạc Thủy, Đà Bắc… Nhiều loại đá được sử dụng như: Đá cuội vàng, cổ thạch, tai mèo, đá lũa. Theo kinh nghiệm lâu năm của anh Minh, quá trình chế tác cần lưu ý ngắm kỹ lưỡng, lựa chọn những viên đá phù hợp từng loại hình tác phẩm để chế tác, như làm hang động, vách hay ngọn, hòn non bộ, làm sân vườn… Việc tạo hình trên đá còn mang ý nghĩa cuộc sống, tùy theo nhu cầu khách hàng, với một số tác phẩm tiêu biểu như: Cá vượt vũ môn, nhất sơn… Đối tượng khách hàng cả trong và ngoài nước. Nhờ đó, cho cơ sở của anh Minh thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Các mặt hàng gỗ lũa cũng là những sản phẩm chính tạo nên thương hiệu của làng nghề. Đến với cơ sở chế tác gỗ lúa của anh Đỗ Văn Cường, người đã có 8 năm kinh nghiệm trong nghề. Anh Cường chủ yếu sử dụng gỗ Gù Hương (tên gọi khác là Xá Xị) để chế tác. Sản phẩm khá đa dạng với đủ kích cỡ to, nhỏ, vừa, theo các loại hình khối có chủ đề khác nhau. Theo chia sẻ của anh Cường, có những tác phẩm chỉ vài ngày đến vài tuần hoàn thành, nhưng cũng có những tác phẩm mất đến hàng tháng trời để chế tác, hoàn thiện. Từ công đoạn phác thảo tạo hình trên gỗ thô, ghép gỗ, đến khi mài dũa, quét sơn. Hiện, cơ sở của anh Cường duy trì 3 thợ lành nghề. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với các sản phẩm gỗ lũa là khó bán, do không có khu tập trung hàng hóa, lượng người qua lại giảm so với trước đây, các hộ thường phải mang hàng đi các hội chợ ở khắp các tỉnh, thành phố để chào bán. Điều này gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm đến với khách hàng, tốn kém chi phí đối với các chủ cơ sở chế tác.

Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Sơn cho biết: "Qua nhiều năm, làng nghề từng bước phát triển, mở rộng quy mô. Nhiều nghệ nhân tay nghề cao, chế tác ra những tác phẩm có giá trị lớn, tạo nên thương hiệu cho làng nghề. Địa phương cũng rất quan tâm chú trọng giữ gìn, tìm hướng khắc phục khó khăn để phát triển làng nghề. Việc duy trì hoạt động của làng nghề đã, đang góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân, địa phương, tạo việc làm ổn định tại chỗ cho nhiều lao động. Theo mong muốn, nguyện vọng của người dân, xã đã có đề xuất cấp trên về việc quy hoạch khu tập trung bán các sản phẩm gỗ lũa, đá cảnh của làng nghề”.

Thanh Sơn

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/148109/xa-lam-son-giu-gin-thuong-hieu-lang-nghe-che-tac-go-lua,-da-canh.htm