Xâm hại di tích: Cần gióng lên hồi chuông thức tỉnh

Có vẻ như cho đến nay, ý thức về việc bảo vệ di sản của người Việt đang ở mức rất thấp so với thế giới. Thói quen dễ dãi, lối sống tùy tiện, chuộng bề nổi và hào nhoáng bên ngoài đã khiến nhiều người thờ ơ với những giá trị văn hóa - kiến trúc - mỹ thuật có giá trị của cha ông để lại...

Vừa qua, khi những hình ảnh về công trình xây dựng phá vỡ cảnh quan ở đèo Mã Pì Lèng khiến dư luận vô cùng bức xúc vẫn chưa nguôi ngoai, thì mới đây, những hình ảnh "xẻ thịt" ngọn núi đá có một phần nằm trong khu vực được khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia cột cờ Lũng Cú để xây khu du lịch tâm linh lại một lần nữa khiến dư luận dậy sóng. Có quá nhiều vụ việc xâm hại các di tích trọng điểm của quốc gia trong một thời gian ngắn như thế này, phải chăng đã đến lúc cần gióng lên một hồi chuông thức tỉnh?

Biết là xâm hại di tích nhưng vẫn... kệ?

Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú tại Hà Giang được phê duyệt xây dựng đã vài năm nay, với nguồn kinh phí lên tới 8-900 tỉ đồng với nhiều hạng mục như khu tâm linh, khu du lịch văn hóa - nghỉ dưỡng, khu đặt tượng Phật... trên diện tích 56 ha.

Dự án "khủng" này đề xuất sử dụng một phận diện tích đất thuộc khu vực được khoanh vùng bảo vệ của di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú. Bên cạnh đó là Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích Phố cổ Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).

Ngọn núi ở phía Đông Bắc cột cờ Lũng Cú đang bị "xẻ thịt" để xây dựng Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú.

Ngọn núi ở phía Đông Bắc cột cờ Lũng Cú đang bị "xẻ thịt" để xây dựng Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú.

Điều đáng nói là, vị trí của 2 dự án này nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn - khu vực đã được UNESCO ghi danh trong danh mục "Công viên Địa chất toàn cầu" năm 2010, bên cạnh đó còn các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó như: "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (phê duyệt tại Quyết định số 2057/QĐ-TTg ngày 21-12-2017); "Quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, đến năm 2030" (phê duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 7-4-2017. Có nghĩa là, khu vực Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn này cần thiết phải có những biện pháp bảo vệ sự nguyên vẹn, nguyên trạng, hết sức tránh đi những tác làm thay đổi các địa tầng tự nhiên như nó vốn có.

Không phải đến khi những hình ảnh "nhức mắt" về ngọn núi phía Đông Bắc cột cờ Lũng Cú được báo chí và mạng xã hội phản ánh, cơ quan quản lý nhà nước mới có động thái "nhắc nhở". Theo thông tin trên website của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch thì, đã 2 lần Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch có ý kiến đối với Dự án này: Ngày 17-4-2018, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã có văn bản nêu ý kiến đối với Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú; ngày11-6-2018 Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch lại có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị lưu ý một số vấn đề khi xây dựng Dự án thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao.

Thế nhưng, những "lưu ý" của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch xem ra đã không được chính quyền địa phương và doanh nghiệp xây dựng công trình này cân nhắc, chú trọng đúng mức, nên các hạng mục như đề xuất vẫn được xây dựng, khiến cho dư luận không khỏi bức xúc.

Sau khi sự việc được các cơ quan truyền thông báo chí phản ánh mạnh mẽ, ngày 25-10 vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tiếp tục có văn bản số 4316/BVHTTDL-DSVH, do Thứ trưởng Tạ Quang Đông ký, đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện việc triển khai 2 dự án nêu trên và kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Cần có biện pháp mạnh?

Câu chuyện xây dựng công trình Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đã có những biểu hiện vi phạm những quy định của pháp luật về bảo tồn di sản vừa qua đã khiến nhiều người liên tưởng đến công trình đường dẫn lên núi Cái Hạ (xã Trường Yên - Hoa Lư - Ninh Bình). Đây là khu vực được đánh giá là nằm trong "vùng lõi" của khu Di sản thế giới "Quần thể di tích danh thắng Tràng An" đã được UNESCO ghi danh và khách du lịch quốc tế yêu thích.

Vì thế, mọi hoạt động kinh doanh, khai thác du lịch, xây dựng công trình văn hóa, nghỉ dưỡng... trong khu vực danh thắng Tràng An đều phải tuân thủ theo Luật di sản. Mọi hành vi làm thay đổi cảnh quan, sự nguyên trạng của di tích đều bị cấm.

Thế mà, một ngày đẹp trời, người ta mới "ngỡ ngàng" khi phát hiện ra một công trình to đùng ngã ngửa đã nghễu nghện mọc lên, "xuyên thủng" danh thắng Tràng An tự đời nào.

Để xây dựng một công trình lớn, đầy những "rồng bay rắn lượn" có tổng chiều dài hơn 1km ở địa hình cheo leo, hiểm trở mà không ai hay biết cho đến khi nó được bán vé cho khách đi tham quan, thì đúng là cả một chuỗi "sự lạ đời".

Trước áp lực báo chí, truyền thông và dư luận lên tiếng dữ dội, UBND tỉnh Ninh Bình đã phải có những biện pháp mạnh để yêu cầu tìm ra những tập thể, cá nhân vi phạm để có biện pháp xử lý thỏa đáng. Công trình "rồng bay rắn lượn" xấu xí, làm hỏng cảnh quan thiên nhiên kia đã bị tháo dỡ gần như hoàn toàn, nhưng việc quy trách nhiệm để xử lý sai phạm của các tập thể, cá nhân liên quan vẫn bị cho là quá nhẹ (chủ yếu là kiểm điểm, rút kinh nghiệm), theo kiểu "vuốt đuôi", thì không đủ sức răn đe cho những người đi sau không dám tái phạm nữa.

Công trình sai phạm nằm trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An, nay đã được tháo dỡ.

Công trình sai phạm nằm trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An, nay đã được tháo dỡ.

Với công trình xây dựng được cho là phá vỡ cảnh quan ở đèo Mã Pí Lèng - một trong 4 "tứ đại đỉnh đèo" (cùng với đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ, đèo Pha Đin) có cái tên Panorama, hiện dư luận cũng có nhiều ý kiến đồng tình với việc không tháo dỡ mà thiết kế lại, chỉnh trang cho phù hợp với cảnh quan khu vực. Nhưng cũng có nhiều ý kiến yêu cầu phải trả lại nguyên trạng cho cảnh quan vốn có của nó. Bởi họ cho rằng, việc cho phép vận hành những công trình được xây dựng trái với các quy định của pháp luật như một "sự đã rồi" là hành động gián tiếp "tiếp tay" cho những công trình vi phạm khác về sau. Vì thế, mới cần đến những biện pháp mạnh, đủ sức răn đe. Bởi chỉ có thuốc đắng thì mới giã được tật mà thôi!

Trở lại với công trình Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, thì với tất cả những quy định của pháp luật đã được ghi rõ trong Luật Di sản và cả những "cảnh báo của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, thì những gì đang diễn ra với công trình này như cũng là một "việc đã rồi": ngọn núi án ngữ ngay sát danh thắng Lũng Cú, địa đầu Tổ quốc đang bị đục khoét nham nhở tạo mặt bằng các gia chùa đã được dựng lên, bậc thang và các công trình lưu trú đã được xây... khiến cảnh quan ở nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế nhưng, một khi đã là "sự đã rồi", thì việc các bước xử lý tiếp theo như thế nào cũng đều rất nhiều tổn thất, đặc biệt là về kinh tế. Bên cạnh đó, nếu phá dỡ thì sự nguyên trạng cũng chưa dễ gì lấy lại được. Và có lẽ câu chuyện này lại giống như Panorama trên đỉnh Mã Pí Lèng mà thôi.

Những năm gần đây, du lịch phát triển mạnh nên việc đầu tư, trùng tu, tôn tạo các khu danh thắng, đền chùa diễn ra ở khắp nơi trên cả nước. Thế nhưng, việc làm sao để có những công trình "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" lại là cách nhanh nhất làm cho di tích bị biến dạng, sai lệch thậm chí mới hoàn toàn như đập đi xây lại, vi phạm các quy định của Luật Di sản. Từ việc trùng tu tôn tạo các công trình liên quan đến thành Đại nội (Huế), chùa cổ Bổ Đà (Bắc Giang) hay một số đình chùa ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận, đều dễ dàng nhận ra, dường như Luật Di sản ở nhưng nơi đó không được áp dụng, không đi vào cuộc sống.

Có vẻ như cho đến nay, ý thức về việc bảo vệ di sản của người Việt đang ở mức rất thấp so với thế giới. Thói quen dễ dãi, lối sống tùy tiện, chuộng bề nổi và hào nhoáng bên ngoài đã khiến nhiều người thờ ơ với những giá trị văn hóa - kiến trúc - mỹ thuật có giá trị của cha ông để lại.

Gần đây, sự việc "Con đường gốm sứ" nằm ngay trong lòng Thủ đô nhiều lần bị xâm hại bởi việc tùy tiện phóng uế, làm cầu vượt, xây dựng lều tạm, để rác và xe rác, đốt rác, đốt lửa sưởi ấm vào mùa đông gây hư hại cho trông trình... đã trở thành vấn đề nhức nhối và đáng xấu hổ. Nói đến đây, nhiều người sẽ cười khẩy bảo rằng: "Đấy, với một công trình văn hóa ở giữa lòng Thủ đô, mà người ta còn không ứng xử văn hóa được nữa là ở những vùng thôn quê, hẻo lánh!".

Nhưng hi vọng "mưa dầm thấm lâu", với sự vào cuộc tích cực của báo chí - truyền thông, nhân sĩ, trí thức và những người yêu văn hóa - di sản, ý thức của người dân, doanh nghiệp sẽ được nâng lên trong việc giữ gìn những giá trị tốt đẹp của di sản cho tương lai con cháu mai sau...

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/xam-hai-di-tich-can-giong-len-hoi-chuong-thuc-tinh-567946/