Xăng dầu tạo áp lực tăng giá nhiều hàng hóa, dịch vụ
Chiều 14/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã có cuộc họp với một số bộ ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu (xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, sắt thép, phân bón, nông sản, dịch vụ vật tư y tế...). Đáng chú ý, giá xăng dầu tăng gần đây đã tạo áp lực tăng giá một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, nên cần các cơ quan quản lý vào cuộc để kịp thời bình ổn giá.
Xử lý nghiêm trường hợp tăng giá bất hợp lý
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, trước những biến động về giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu thời gian qua, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Trong hơn 2 tháng đầu năm cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã chủ động nắm bắt tình hình và có các giải pháp kịp thời về công tác điều hành giá.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá họp với các bộ, ngành về công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu. Ảnh: TL.
Theo Bộ Tài chính, đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục gia tăng. Điều này tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung. Công tác quản lý điều hành giá đến cuối năm rất khó khăn, không được chủ quan.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giá xăng dầu trên thị trường thế giới vừa qua tăng cao do chịu tác động lớn bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá xăng dầu thành phẩm thế giới (giá Platts Singapore) bình quân 10 ngày đầu tháng 3/2022 tăng từ 34,09% đến 48,4% so với bình quân tháng 1/2022 đã tác động vào làm tăng giá xăng dầu trong nước từ 24% - 37% (từ 5.242 đồng đến 7.689 đồng/lít, kg) tùy từng chủng loại.
“Có thể thấy giá xăng dầu trong nước vẫn tăng thấp hơn so với mức tăng của giá xăng dầu thế giới do việc các cơ quan điều hành đã tăng cường sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn giá phù hợp. Trong kỳ điều hành ngày 11/3/2022, Quỹ bình ổn giá đã tăng chi sử dụng lên mức từ 750 – 1500 đồng/lít với các mặt hàng xăng, dầu diezel, qua đó hạn chế tác động từ mức tăng đột biến của giá thế giới” - báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Sau thời điểm tăng đột biến trong 2 tuần qua, giá dầu thế giới đã có dấu hiệu chững lại trong một vài ngày gần đây. Tuy nhiên, giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp tục biến động nhanh và khó lường cũng như ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt từ các bên, phần lớn các tổ chức đều đưa ra các nhận định giá dầu có thể tiếp tục ở mức cao từ 110 – 130 USD/thùng trong giai đoạn tới và không loại trừ khả năng tăng cao lên mức 150 USD/thùng.
Bộ Tài chính cho rằng, mặt hàng xăng dầu trong nước hiện chịu áp lực lớn về nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng và diễn biến giá thế giới, do đó đề nghị Bộ Công thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung. Trên cơ sở nắm bắt dự báo, diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp. Ngoài ra, cần sử dụng Quỹ bình ổn giá hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước; tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu tăng giá đã tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ. Hiện các doanh nghiệp vận tải đều đang tính toán để tăng giá cước. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào hay không, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu vé đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá niêm yết.
Bộ Tài chính cũng đưa ra một số kiến nghị đối với công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu như: LPG, xi măng, thịt lợn, phân bón u rê, gạo, giá dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, giá vật tư, trang thiết bị y tế.
Kiểm soát chặt các mặt hàng chịu tác động từ giá xăng dầu
Trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, Bộ Tài chính dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 2 – 2,1% và vẫn nằm trong kịch bản lạm phát đã được báo cáo Phó Thủ tướng – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá (dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,42 - 4,3%).
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Trước diễn biến giá xăng dầu tăng cao, việc kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng chịu tác động từ giá xăng dầu là rất cần thiết để kịp thời xử lý tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 9 tháng còn lại của năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, đã có có các văn bản thông báo các giải pháp cụ thể về công tác điều hành giá năm 2022 (văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 2/3/2022).
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đến hết quý II/2022, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc hệ thống để đẩy mạnh thực hiện.
Trong đó, bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Đồng thời, cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá phù hợp; đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá.
Trong kiến nghị các giải pháp bình ổn giá, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường. Ngoài ra, bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật Giá, cơ quan chức năng đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp./.