Xanh hóa năng lượng trong sản xuất hướng tới bền vững

Trong bối cảnh sự quan tâm ngày càng tăng đối với xanh hóa sản xuất, xu hướng phát triển bền vững đang không ngừng mở rộng nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và hướng tới một tương lai xanh hơn.

Dư địa tiềm năng

Ngành Công nghiệp chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Các khảo sát thực tế cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá vào khoảng từ 20 - 30%. Thống kê của Bộ Công Thương, thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 1/7/2013, đã có trên 90% thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng. Chương trình đã loại bỏ tiêu thụ bóng đèn sợi đốt, nâng hiệu suất năng lượng đối với 6 loại sản phẩm sử dụng nhiều năng lượng (Máy biến áp, điều hòa không khí, nồi cơm điện, quạt điện, đèn huỳnh quang ống, CFL).

Nhiều doanh nghiệp đã ký với EVNHANOI về tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Khắc Kiên

Nhiều doanh nghiệp đã ký với EVNHANOI về tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Khắc Kiên

Còn đối với các công trình xây dựng tại Việt Nam, với tỷ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hàng năm là trên 40% thì tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng tại Việt Nam ước tính từ 30 - 35%.

Những con số trên được đưa ra tại Lễ phát động “Giải thưởng Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp - công trình xây dựng năm 2024; Giải thưởng Sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2024”. Điều đó cho thấy, dư địa tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực vẫn còn rất tiềm năng.

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) tương đương 6 triệu kWh điện/năm trở lên. Các doanh nghiệp này có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025), hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện được hơn 3.200 tỷ đồng).

Để giúp các doanh nghiệp xanh hóa năng lượng trong sản xuất hướng tới bền vững nhiều sự kiện, hợp tác đã được thực hiện. Đơn cử mới đây, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và tổ chức Sáng kiến và thương mại bền vững Hà Lan (IDH) tổ chức Lễ ký kết “Bản ghi nhớ hỗ trợ phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam”.

Dây chuyền sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên

Dây chuyền sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên

Sự kiện nhằm công bố và chính thức hóa hợp tác giữa Bộ Công Thương, IDH và các Hiệp hội trong lĩnh vực dệt may và da giày (Hiệp hội Dệt may Việt Nam – VITAS, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam - VCOSA và Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam- LEFASO) trong việc xây dựng, triển khai các sáng kiến và hoạt động ưu tiên về phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày. Sự hợp tác này phù hợp với các chủ trương và chính sách của Chính phủ về phát triển bền vững, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh, thời gian qua, ngành dệt may và da giày tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp ý nghĩa đối với nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, ngành cũng phải đối mặt với các áp lực cạnh tranh, thách thức về sử dụng tài nguyên, năng lượng, vấn đề ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.

"Đẩy mạnh việc áp dụng, nhân rộng các mô hình phát triển bền vững, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm thân thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Dệt may và Da giày trong nước, góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trong thời gian tới” - bà Lâm Giang nói.

Gợi mở giải pháp

Tại hội thảo với chủ đề “Xanh hóa năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai" do Công ty CP Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy) tổ chức, các diễn giả có nhiều gợi mở giúp doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá rõ hơn các xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh tại Việt Nam và trên thế giới.

Chủ tịch HĐQT Intech Energy Hoàng Hữu Thắng cho biết, doanh nghiệp rất quan tâm về việc xanh hóa năng lượng trong sản xuất. Đây là giải pháp bền vững cho tương lai. Sự kiện mang đến góc nhìn thực tiễn về những vấn đề, công nghệ, xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu cũng như cách tiếp cận phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó làm cơ sở tham khảo cho các doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần cùng các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - NET ZERO.

Tổng Giám đốc Intech Energy Trần Văn Nhơn nêu ra 4 bài toán cho các doanh nghiệp, con người, xã hội và xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Một là ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Hai là cạn kiệt nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học. Ba là việc Chính phủ và các tổ chức đã có quy định siết chặt về phát thải khí nhà kính, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh quy trình sản xuất. Bốn là chi phí năng lượng ngày càng tăng.

"Hiện xu hướng dịch chuyển năng lượng toàn cầu gồm tăng sử dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ sản xuất, chính sách quốc tế và quốc gia về giảm phát thải, phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng, hiệu quả năng lượng và quản lý tiêu thụ năng lượng" - vị này nói.

Tập đoàn SUNHOUSE đã đầu tư dây chuyền công nghệ vào sản xuất để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Khắc Kiên

Tập đoàn SUNHOUSE đã đầu tư dây chuyền công nghệ vào sản xuất để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Khắc Kiên

Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện khí nhà kính Việt Nam Lý Đức Tài chia sẻ về thúc đẩy áp dụng các giải pháp năng lượng và trao đổi tín chỉ carbon thông qua việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải tại doanh nghiệp.

Hiện Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho việc hướng tới mục tiêu phát thải bằng 0. Theo quyết định mới nhất, sẽ có 2.166 doanh nghiệp buộc phải giảm khí nhà kính, giảm phát thải..

Do đó, Phó Viện trưởng đưa ra giải pháp để các doanh nghiệp thực hiện việc xanh hóa năng lượng. Đó là sử dụng năng lượng tái tạo, hoặc mua bán điện sản xuất từ năng lượng tái theo cơ chế DPPA, tạo ra thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong đó cần lưu ý sử dụng tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh thiết bị, thay thế thiết bị tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, cần triển khai hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng và sử dụng nguyên liệu đầu vào thân thiện với môi trường.

Ông Tài cũng khuyến nghị, trong đó doanh nghiệp cần tăng cường hơn nữa nhận thức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm thải. Viện khí nhà kính Việt Nam sẽ đồng hành cung cấp giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp áp dụng. Đồng thời ưu tiên ứng dụng các giải pháp năng lượng để giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp sớm tham gia thị trường mua bán tín chỉ carbon.

Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Đặng Hải Dũng khẳng định, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng ở mọi cấp độ, từ các ngành kinh tế của quốc gia đến từng doanh nghiệp, hộ gia đình. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa có tính cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Chương trình VNEEP3). Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 - 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 - 2030.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xanh-hoa-nang-luong-trong-san-xuat-huong-toi-ben-vung.html