Xanh hóa từng sản phẩm
Với Masan, hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững không dừng lại ở việc trồng thêm nhiều cây xanh. Tất cả đơn vị thuộc tập đoàn đều đang nỗ lực đưa ra những sáng kiến, phát triển các sản phẩm giúp bảo vệ môi trường, định hướng xanh cho 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Lồng ghép ESG trong mỗi quyết định
Với nhiều công ty thành viên hoạt động trải rộng trên mọi lĩnh vực thiết yếu như bán lẻ, thịt mát, thịt chế biến, F&B, dịch vụ tài chính, viễn thông, mỗi sáng kiến hay sản phẩm của Masan có khả năng ảnh hưởng sâu rộng và định hướng tiêu dùng đến hơn 100 triệu người Việt.
Hiểu được tầm ảnh hưởng lớn đó, từ nhiều năm nay, tập đoàn chọn hướng lồng ghép các cân nhắc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong từng quyết định kinh doanh. Điều này giúp Masan tạo ra đóng góp có ý nghĩa hơn vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đồng thời vẫn đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Sau khi nghiên cứu các khung ESG quốc tế với sự hỗ trợ của ERM, một công ty tư vấn toàn cầu trong lĩnh vực báo cáo bền vững, các chủ đề ESG trọng yếu được Masan xác định và phân loại thành bốn trụ cột gồm: Thúc đẩy đổi mới để tăng trưởng bền vững; phát triển con người và cộng đồng; bảo vệ các thực hành môi trường và cuối cùng là giữ vững đạo đức.
Các lĩnh vực trọng tâm này được xây dựng dựa trên Tiêu chuẩn sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) năm 2021. Với việc sử dụng các tiêu chuẩn báo cáo quốc tế này, các hoạt động của Masan đảm bảo tính minh bạch, khả năng so sánh hàng năm về hiệu suất phát triển bền vững của mình và tuân thủ các thông lệ tốt nhất toàn cầu.
Hoạt động chuyển đổi diễn ra đồng bộ trong mọi lĩnh vực kinh doanh của Masan. Chẳng hạn, mảng bán lẻ với hệ thống hơn 3.600 siêu thị, cửa hàng WinMart và WinMart+ của Masan đang là nơi cung cấp nhu yếu phẩm lớn nhất Việt Nam.
Với hệ thống lớn như vậy, chỉ riêng rác thải nhựa từ túi nylon cũng là vấn đề môi trường đáng kể. WinCommerce đã triển khai loạt giải pháp Xanh tại hệ thống siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+/WIN. Hệ thống WinMart/WinMart+/WIN thay thế nilon bằng 100% túi tự hủy sinh học; đồng loạt giảm thiểu hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng 1 lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động vận hành; cho ra mắt bộ sưu tập túi mua sắm thời trang, chất liệu thân thiện với môi trường, để thay thế túi nilon hàng ngày, với giá không lợi nhuận là 8.900 đồng/túi, nhằm góp phần thúc đẩy thói quen tiêu dùng thân thiện với môi trường của khách hàng.
Ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, kinh doanh thịt có thương hiệu, Masan liên tục có những phát kiến mới về sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn và tốt cho sức khỏe. Các tổ hợp chế biến thịt MEATDeli đều được công nhận đạt chứng chỉ BRC, tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm. Chứng chỉ có giá trị quốc tế trong ngành thực phẩm và được xem là tấm vé thông hành cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm.
Song song với đó, các nhà máy chế biến hàng tiêu dùng của Masan Consumer đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại do đối tác Hà Lan thiết kế. Tất cả các kết quả kiểm tra chất lượng xử lý nước thải đầu ra đều đạt tiêu chuẩn loại A, tiêu chuẩn cao nhất Việt Nam.
“Xu thế chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG là lộ trình không thể đảo ngược mà các doanh nghiệp phải tham gia nếu không muốn bỏ lại phía sau. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tái cấu trúc mô hình kinh doanh trong dài hạn, hướng tới và chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về xanh và bền vững cho sản phẩm và dịch vụ”, ông Nguyễn Thiều Nam, Phó tổng giám đốc của tập đoàn Masan chia sẻ.
Cùng với hoạt động bảo vệ môi trường, Masan cùng các công ty thành viên luôn chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Là một trong những doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất các tỉnh có nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động, góp phần tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống của người dân địa phương.
Việc Masan tích hợp ESG vào kế hoạch chiến lược cũng giúp quản trị rủi ro tốt hơn. Yếu tố G (quản trị doanh nghiệp) được đánh giá rất cao khi quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ của Masan đảm bảo tính khách quan và độc lập trong việc đánh giá các quy trình quản trị.
Sáng tạo bền vững
Hoạt động trong ngành khai khoáng, lĩnh vực được xem là tác động môi trường, từ lâu Masan High-Tech Materials cũng có những bước triển khai để “xanh hóa” quá trình hoạt động. Bắt đầu từ năm 2016, công ty đã trồng cây trên vùng đất đá thải ra sau khi khai thác khoáng sản.
Khi mỏ vonfram - đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên) đi vào khai thác, công ty đã trồng hàng chục hecta cây keo theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Ngoài tác dụng chính là giảm thiểu tác động từ các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đây cũng là những bể hấp thụ carbon quan trọng.
Song song với đó, công ty cũng theo dõi để tính toán thêm lượng carbon được hấp thụ từ diện tích rừng trồng thay thế cho dự án Núi Pháo.
Theo tính toán, lượng CO2 tích lũy từ diện tích rừng trồng theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường hằng năm và diện tích rừng trồng thay thế vào là hơn 5.700 tấn. Cùng với không khí, nguồn nước cũng rất được chú trọng. Tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, gần 80% tỉ lệ nước được tái sử dụng tại Masan High-Tech Materials.
Ý thức về việc bảo vệ môi trường xung quanh nhà máy, song trọng tâm phát triển bền vững của Masan High-Tech Materials không dừng lại ở đây, mà thể hiện ở chính sản phẩm mình tạo ra.
Năm 2023, Masan High-Tech Materials – một thành viên của tập đoàn Masan đã ra mắt thương hiệu bột vonfram đăng ký bản quyền toàn cầu “starck2charge” sử dụng trong sản xuất pin Li-ion sạc nhanh và an toàn.
Sản phẩm này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những bài toán năng lượng mới và tạo ra hệ sinh thái năng lượng sạch, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp ô-tô điện; hay sản phẩm hỗn hợp bột Vonfram phục vụ cho các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ in 3D với độ ổn định và tinh khiết cao, đặc biệt phù hợp trong lĩnh vực y tế.
Những thành tựu công nghệ nổi bật này giúp Masan High-Tech Materials không còn phụ thuộc vào nguồn cung sơ cấp trong khai thác khoáng sản. Đồng thời cho phép đẩy mạnh mô hình kinh doanh tuần hoàn thông qua khai thác mỏ phế thải ngay tại các đô thị, thu gom, xử lý chất thải sản xuất và tái chế phế liệu, trả lại nguyên liệu sản xuất. Các tài sản cuối vòng đời trở thành nguồn nguyên liệu tạo ra các vật liệu mới, sản phẩm mới.
“Mục tiêu của đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp là đi thẳng vào góp phần giải quyết các vấn đề đang nổi lên, trong đó có biến đổi khí hậu, phát triển xanh, năng lượng sạch”, ông Nguyễn Thiều Nam chia sẻ.
Phát triển xã hội, bảo vệ môi trường song hành cùng quản trị doanh nghiệp là những trụ cột mà Masan luôn ưu tiên cùng với hoạt động kinh doanh. Việc áp dụng chuẩn mực ESG cao càng thể hiện doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và có giá trị nội tại cao.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/xanh-hoa-tung-san-pham-1707191897729.htm