Xanh mãi bó rau tặng cô thầy!

Trong những giấc mơ thuở nhỏ, tôi chưa bao giờ mơ về phấn trắng bảng đen... Không biết tự bao giờ, tôi chết mê cái khát vọng trở thành nhà báo và dồn hết sức lực cho việc học với hy vọng sẽ hiện thực hóa giấc mơ to bự đó. Nhưng đến phút quyết định, ba mẹ không đồng ý cho nộp hồ sơ thi Đại học báo chí mà khuyên hãy tìm phương án khả thi hơn với một gia đình chỉ rặt làm nông, lại còn một cô em gái đang theo học cấp ba. Vậy là tôi miễn cưỡng học Sư phạm để được miễn học phí và gần nhà.

Sau, tôi đến dạy ở một ngôi trường tồi tàn, ọp ẹp nằm sát chân đồi. Tiêu sơ, vắng lặng. Học sinh đến trường luộm thuộm, lôi thôi lếch thếch. Tóc tai bù xù, áo quần nhem nhuốc, đứng từ xa đã nghe mùi mồ hôi quyện với nắng. Ban ngày lên lớp, ban đêm còn phải đi dạy phổ cập, đường sá gồ ghề, đêm đen đặc.

Đã có lúc chán ngán mùi phấn trắng bảng đen, chán vì mùa hè phải bám trên núi dạy phổ cập, phụ đạo học sinh yếu kém. Chán việc học sinh bỏ học giữa chừng nhiều, cứ phải đến nhà vận động. Chán vô cùng vì mặc áo dài đứng trên nền xi-măng lở lói, phòng học tối om om vì không điện đóm, nóng hầm hập… Càng thảm hơn khi nội trú là trạm y tế cũ, chỉ duy một nhà vệ sinh thô sơ có hai ngăn cho nam nữ nhưng chẳng cửa nẻo. Nước sạch phải đến nhà dân xin từng thùng, tắm giặt thì ra cái giếng bỏ hoang ngay một đám đất hoang trước cửa trường… Trường nằm trên đồi, nội trú cũng trên đồi. Hồi đó (và cả bây giờ) tính tôi rất chết nhát nên buổi tối, nếu anh chị đi dạy phổ cập thì tôi sẽ chui vào nhà một bác già trước cổng nội trú để tá túc, chứ cho kẹo cũng không dám ngồi một mình ở nơi nội trú lạnh lẽo và tồi tàn đó…

Có lẽ, ý chí chắc sẽ bớt nhụt nếu tôi không tham gia họp lớp. Mỗi bận họp lớp cấp 3, nhìn mấy bạn áo quần xênh xang, xe hơi bóng loáng, nhìn lại mình, quê rỉnh quê rình… Thời đi học, dù gì sức học cũng luôn đứng hàng nhất nhì ba trong lớp nhưng bây giờ lại thấy mình thê thảm gần… nhất. Các bạn vào thành phố làm ở công ty, lương mỗi tháng gấp tư, gấp năm…, bạn lái xe ô-tô, mặc đồ hiệu, túi hiệu. Xin lỗi nghề giáo cao quý, lúc đó, trong tôi bỗng nảy ý nghĩ hay mình đổi nghề, sẽ kiếm tiền, sẽ giàu có…

Rồi một buổi sáng đầu đông miền sơn cước, tôi dậy sớm, ra hiên xem mấy thùng chứa nước qua đêm mưa có đầy không? Bỗng tôi nhìn thấy một bó rau muống. Bó rau được bỏ cẩn thận trên nắp của chiếc xô nhựa, còn tươi roi rói, chắc là mới được đặt xuống thôi.

Nghĩ là lộc của ai đó cho mình nên mấy chị em vui vẻ làm món rau muống xào tỏi và nước luộc thì vắt lát chanh. Hôm sau, vẫn có một bó rau muống xanh non mơn mởn như vậy trước cửa nội trú.

Hôm sau nữa, mới mở cửa ra, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy bác già nhà ở trước cửa nội trú đứng trước sân. Tôi mỉm cười chào bác, còn bác, cũng mỉm cười và đưa bó rau muống về phía tôi:

- Đây là rau muống bác trồng, tặng cô thầy ăn cho vui !

Chỉ nói vậy rồi bác chầm chậm bước đi, nhưng tôi rung động thăm thẳm. Tình cảm của người dân vùng khó chân tình mộc mạc. Ôm chặt bó rau muống, tôi như ôm tình cảm của người dân quê… Bó rau muống nhẹ tênh nhưng tình cảm tôi nhận được thật nhiều và ý thức trách nhiệm gieo chữ càng nặng nề...

Rồi có hôm, học trò mang tới trái cam nhà, nhỏ xíu và khô đét. Mùa mía các em tặng cô thầy nội trú những cây mía xanh đã được chà sạch. Chưa hết, những ngày lễ 20-10 hay 20-11, quà các em tặng là những bó bông cỏ được sắp và bó thật đẹp, có em kết lại thành vòng, đeo vào cổ cô giáo… Tôi đã xem vòng hoa cỏ ngày 20-11 năm đó là “vòng nguyệt quế” của đời mình.

Đó quả thật là những khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc. Nó giúp tôi vơi nỗi buồn khó khăn, thiếu thốn. Nó khiến tôi ngày càng gần gũi, yêu thương các em hơn. Nhớ nhất cái lần tôi bệnh nặng phải nhập viện. Có em học trò “bắt” bố mẹ chở xuống tận bệnh viện thăm cô. Em đặt ở đầu giường một hộp những con sếu, bảo đó là quà cả lớp mong cô mau khỏe mạnh…

…Giờ đã xa rồi - cái ý tưởng bỏ lớp bỏ trường, bỏ những đứa học trò vùng cao lam lũ để “trốn chạy” về xuôi. “Lạt mềm buộc chặt”. Vùng cao nắng gió, bó rau muống, trái cam nhỏ, cây mía xanh, vòng hoa cỏ và những con sếu giấy đã “bó” chặt tôi lại với vùng cao nắng gió…

Người bác già ở trước cửa đường đi vô nội trú đã cho tôi sức mạnh để vượt khó đã hóa mây trời. Bó rau của tình thương, của sức mạnh, niềm tin và nghị lực vẫn còn xanh mãi trong tôi...

Tạp bút: Nguyễn Thị Bích Nhàn

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/xanh-mai-bo-rau-tang-co-thay-post303072.html