Xây dựng biên giới thành vùng quê đáng sống

Sau 23 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng trên vùng biên giới tỉnh Kon Tum, Công ty 78, Binh đoàn 15 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng được 4 thôn, gồm: Ia Xoăn, Ia Ho, Ia Tri và thôn 4 nằm dọc vành đai biên giới xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và xã Ia Dom, huyện Ia H'Drai. Đặc biệt, cả 4 thôn của đơn vị đều đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), biến vùng biên giới xa xôi, hẻo lánh trước đây thành vùng quê đáng sống.

Thôn đáng sống

Đến thôn Ia Xoăn, xã Mô Rai, hình ảnh ấn tượng trong mắt chúng tôi là những ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Hệ thống đường giao thông, vườn cây, chuồng trại chăn nuôi được quy hoạch bài bản, thoáng mát, hợp vệ sinh. Trước cổng nhiều gia đình còn có những giàn hoa, cây cảnh rất đẹp làm dịu cái nắng ở vùng biên giới. Đại úy QNCN Lê Việt Hán, Bí thư chi bộ, Đội trưởng Đội 5, Công ty 78 kiêm Trưởng thôn Ia Xoăn phấn khởi nói: “Thôn Ia Xoăn về đích NTM năm 2020. Toàn thôn có 218 hộ với 776 nhân khẩu. Vui nhất là không còn hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều nữa, nhiều hộ mua được ô tô; 100% hộ có nhà bảo đảm tiêu chuẩn “3 cứng”, trong đó 194 nhà đạt chuẩn theo quy định; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, sử dụng điện, trẻ em đến lớp đều đạt 100%”.

Lãnh đạo Công ty 78 kiểm tra công tác bồi dưỡng tay nghề cho người lao động thôn 4, xã Ia Dom.

Lãnh đạo Công ty 78 kiểm tra công tác bồi dưỡng tay nghề cho người lao động thôn 4, xã Ia Dom.

Cũng về đích NTM từ năm 2020, thôn Ia Ho, xã Mô Rai là một vùng quê đáng sống của 162 hộ dân. Họ từ các tỉnh miền Trung với nhiều dân tộc khác nhau: Kinh, Thái, Mường, Thổ, Khơ Mú, Vân Kiều... đến biên giới Mô Rai lập nghiệp. Người lâu thì từ những ngày đầu thành lập Công ty 78, người mới cũng đã vài ba năm và tất cả đều có chung một niềm vui, niềm hạnh phúc trên quê hương mới. Anh Hoàng Văn Bình, quê Thanh Hóa, vào làm công nhân cho Công ty 78 từ năm 2000, kết duyên với chị Lê Thị Thắm, quê Quảng Bình rồi định cư ở thôn Ia Ho. Giờ đây, vợ chồng anh chị đều là công nhân quốc phòng, anh Bình được đi học và làm y tá đơn vị, còn chị Thắm là thợ khai thác mủ cao su lành nghề. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn và chăm sóc, khai thác vườn cây nhận khoán của công ty, anh chị còn có vườn cao su riêng lên đến 6ha, thu nhập bình quân mỗi năm hơn 400 triệu đồng. “Những lo ngại về rừng sâu, nước độc và khó khăn, vất vả đã bỏ lại ở phía sau rồi. Khi mới vào đây, có nằm mơ cũng không ai dám nghĩ thu nhập và đời sống lại tốt như hôm nay. Chúng tôi mang ơn vùng đất này và Công ty 78”, chị Thắm chia sẻ.

Xây dựng chỉ số hạnh phúc từ thôn

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, kết quả xây dựng NTM không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của Công ty 78 mà còn có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh của địa phương. Bên cạnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương sắp xếp, bố trí lại dân cư, ưu tiên tuyển dụng, cấp đất, hỗ trợ xây nhà cho đồng bào dân tộc Rơ Măm, Công ty 78 còn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, hình thành một vùng sản xuất hàng hóa lớn trên địa bàn; xây dựng các thôn thành những “pháo đài”, tạo thế liên hoàn trong khu vực phòng thủ để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Trung tá Nguyễn Xuân Chung, Giám đốc Công ty 78 vui mừng cho biết, công ty được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất đúng vào dịp kỷ niệm 23 năm Ngày thành lập (25-3-1999 / 25-3-2022). Nhân tố giúp Công ty 78 thành công chính là chủ trương đúng đắn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 trong phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; sự đồng thuận, ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương; tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động. Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 78 luôn xác định, xây dựng NTM là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, từ đó triển khai các giải pháp đồng bộ gắn với xây dựng chỉ số hạnh phúc để người lao động yêu mến, gắn bó, cống hiến hết mình cho công ty và xây dựng địa bàn vững mạnh.

Những năm qua, đơn vị đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm mới, sửa chữa, nâng cấp 81,5km đường giao thông nông thôn; xây nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh xá, công trình điện, trang trại thanh niên phục vụ sản xuất và an sinh xã hội... Triển khai mô hình liên kết khai thác mủ cao su gắn với chế biến tại chỗ và tiêu thụ sản phẩm tại các thôn để đạt năng suất cao nhất. Riêng năm 2021, năng suất bình quân đạt 2,3 tấn mủ cao su quy khô/ha, tạo việc làm cho hơn 1.300 lao động với thu nhập hơn 9 triệu đồng/người/tháng.

Công ty còn hỗ trợ cây giống, con giống và kỹ thuật cho các hộ dân tại 12 thôn, làng trên địa bàn xã Mô Rai và xã Ia Dom phát triển sản xuất, chăn nuôi, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Mọi gia đình khi gặp hoạn nạn, khó khăn đều được công ty hỗ trợ thông qua Cuộc vận động "Tương thân tương ái-Lá lành đùm lá rách"; Quỹ "Nghĩa tình đồng đội 78"; Mô hình “Gắn kết hộ”; Chương trình “Chăn ấm mùa đông”, “Tết sum vầy”, xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Mái ấm công đoàn”, “Ngôi nhà 100 đồng”... để không ai bị bỏ lại phía sau.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xay-dung-bien-gioi-thanh-vung-que-dang-song-689491