Xây dựng chuỗi nông sản an toàn
Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế được nâng lên, người tiêu dùng đã quan tâm hơn đến việc sử dụng nông sản sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, AsianGAP. Thay vì chú ý đến giá cả, nhiều người tiêu dùng đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, chỉ chọn mua các loại nông sản có thương hiệu, được bày bán ở những nơi tin cậy.
Chính vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng chuỗi nông sản an toàn, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để cung cấp cho người tiêu dùng những loại nông sản có chất lượng tốt nhất, đồng thời bảo đảm "đầu ra" ổn định, bền vững, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Đánh giá về mô hình liên kết, vai trò trong chuỗi giá trị nông sản an toàn, PGS, TS Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng: "Quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi cần bắt đầu từ nhận thức an toàn thực phẩm là trách nhiệm của tất cả chủ thể tham gia trực tiếp trong chuỗi giá trị, không phải trách nhiệm của riêng Nhà nước. Kinh nghiệm của các chuỗi thành công cho thấy, an toàn thực phẩm không phải là một yếu tố của lợi thế cạnh tranh mà chỉ là một điều kiện cần. Tuy nhiên, áp dụng quản lý an toàn thực phẩm tự nguyện, các chủ thể kinh doanh sẽ nhận được nhiều lợi ích như có cơ hội tiếp cận các thị trường cao cấp quốc tế và trong nước, giảm rủi ro về mất lòng tin người tiêu dùng".
Thực tế, một số địa phương vẫn chưa có những giải pháp quyết liệt để nâng cao diện tích và quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; giao lưu, kết nối để tìm "đầu ra" bền vững cho sản phẩm. Tại nhiều hợp tác xã nông nghiệp, nông dân sản xuất cá thể còn lúng túng trong sản xuất sản phẩm sạch và kết nối bền vững với thị trường tiêu thụ. Trong thời gian tới, cần nhìn nhận nghiêm túc và đẩy mạnh mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/xay-dung-chuoi-nong-san-an-toan-652510