Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên cấp chiến dịch, chiến lược ngang tầm nhiệm vụ

Học viện Quốc phòng (HVQP) là trung tâm giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học quân sự, quốc phòng hàng đầu của quân đội và quốc gia, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế.

Để xứng đáng với vị thế, uy tín và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ đó, Đảng ủy, Ban giám đốc HVQP đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, có nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực, hiệu quả xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên theo hướng chuẩn hóa.

Học viện đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như: Tăng cường giáo dục, quán triệt, giao nhiệm vụ hằng năm; tập huấn, thông qua bài giảng, dự giảng; đổi mới nội dung thi cán bộ bộ môn, thi giảng mẫu, thi giảng viên giỏi; rà soát đánh giá chất lượng toàn bộ đội ngũ cán bộ, giảng viên làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho cán bộ, giảng viên học tập, nghiên cứu khoa học, đi thực tế tích lũy kinh nghiệm; gắn xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học với đội ngũ giảng viên; quan tâm bồi dưỡng, phát triển cán bộ khoa học, giảng viên trẻ; thực hiện nghiêm quy trình tuyển chọn cán bộ, giảng viên về học viện. Vì vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của học viện được nâng lên, tỷ lệ cán bộ khoa học, giảng viên đạt các tiêu chí theo quy định ngày càng tăng. Hiện nay, học viện có 100% giảng viên trình độ đại học và sau đại học, trong đó có 6% phó giáo sư, tiến sĩ; 16,9% tiến sĩ; 44,8% thạc sĩ... Học viện có 3 Nhà giáo Ưu tú, 28 nhà giáo giỏi cấp bộ, 118 đồng chí đạt danh hiệu giảng viên giỏi cấp học viện, 220 lượt đồng chí đạt danh hiệu giảng viên giỏi cấp khoa. Sự vững mạnh của đội ngũ cán bộ, giảng viên là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho học viện luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, học viện vững mạnh toàn diện.

 Lãnh đạo Học viện Quốc phòng trao chứng nhận nâng ngạch chức danh sĩ quan chuyên môn-kỹ thuật nghiệp vụ đối với giảng viên cao cấp, giảng viên chính. Ảnh: DUY ĐÔNG

Lãnh đạo Học viện Quốc phòng trao chứng nhận nâng ngạch chức danh sĩ quan chuyên môn-kỹ thuật nghiệp vụ đối với giảng viên cao cấp, giảng viên chính. Ảnh: DUY ĐÔNG

Trước những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhiệm vụ huấn luyện-đào tạo của HVQP có bước phát triển, tăng cả đối tượng và quy mô đào tạo, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Vì vậy, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục dứt điểm những tồn tại trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viện xác định tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, cụ thể hóa và thực hiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ, giảng viên.

Mục tiêu của công tác quy hoạch cán bộ, giảng viên là phải lựa chọn được cán bộ, giảng viên trẻ, thực sự có đức, có tài để đưa vào nguồn kế cận; từng bước đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ khoa học và đội ngũ giảng viên. Do vậy, xây dựng, thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ, giảng viên cần được thực hiện tốt từ các cấp ủy cơ quan, khoa, hệ. Hằng năm, các cấp ủy phải đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách của cán bộ, giảng viên để rà soát, bổ sung, điều chỉnh kịp thời. Phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy các cấp, đặc biệt là cấp ủy ở các khoa giáo viên, các cơ quan trong thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ, giảng viên. Chủ động bồi dưỡng tạo nguồn tại chỗ kết hợp với phát hiện nguồn ở các đơn vị trong toàn quân. Tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng của bộ và các địa phương, đơn vị, đưa cán bộ, giảng viên trong nguồn quy hoạch đi thực tế, luân chuyển giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy để bồi dưỡng năng lực, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy gắn với nhân sự cán bộ chủ trì, cấp ủy. Các cấp ủy định kỳ kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, bảo đảm cho quy hoạch được thực hiện liên tục, có tính kế thừa vững chắc.

Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, giảng viên.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, có khả năng kế cận lớp cán bộ đã qua thực tiễn chiến đấu và thực hiện trẻ hóa cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cùng với quy hoạch dài hạn về công tác cán bộ, học viện đổi mới và làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi đây là biện pháp cơ bản và thường xuyên nhằm chuẩn hóa và nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, giảng viên. Kiên quyết lựa chọn những cán bộ đủ tiêu chuẩn về làm cán bộ, giảng viên ở HVQP, trong đó, đặc biệt chú ý đến xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên kế cận giỏi, coi đây là yếu tố gốc để phát triển tài năng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Cùng với việc lựa chọn nguồn cán bộ đáp ứng kịp thời cho nhiệm vụ trước mắt, chú trọng tuyển chọn nguồn cán bộ kế tiếp dài hạn, nhất là các cán bộ, giảng viên ở các học viện, nhà trường khác, những cán bộ trẻ có trình độ kiến thức và năng lực thực tiễn giỏi, tổ chức đưa đi thực tế tại đơn vị, đi đào tạo sau đại học, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là cán bộ, giảng viên HVQP.

Ba là, thực hiện tốt chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, giảng viên; chủ động tham mưu với trên hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút cán bộ đủ tiêu chuẩn về công tác tại HVQP.

Theo quyền hạn và khả năng của mình, HVQP tiếp tục chủ động thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện tốt nhất để mỗi cán bộ, giảng viên yêu nghề, yên tâm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác. Đồng thời, tiếp tục tích cực, chủ động nghiên cứu đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bổ sung, hoàn thiện, ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đặc thù để thu hút nhân tài quân sự trong toàn quân, toàn quốc về công tác tại HVQP; có cơ chế đặc thù phát huy tài năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, giảng viên có chức danh khoa học, học vị, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học tốt, trải qua thực tiễn chiến tranh, có kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch-chiến lược... khi học viện có nhu cầu, cán bộ, giảng viên có nguyện vọng được kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ để có điều kiện cống hiến.

Bốn là, đội ngũ cán bộ, giảng viên nêu cao trách nhiệm, phát huy năng lực công tác, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên không chỉ là trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp mà còn là trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên. Học viện đang phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có số lượng đủ theo biên chế, cơ cấu hợp lý, chuẩn hóa về chất lượng; thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, năng lực, trí tuệ; tâm huyết, gắn bó với học viện. 100% cán bộ, giảng viên sử dụng thành thạo các loại phương tiện kỹ thuật hiện đại, giao tiếp ngoại ngữ thông thường; 95% trở lên có trình độ sau đại học, có cán bộ nghiên cứu khoa học đầu ngành; trên 25% giảng viên giảng dạy tốt cho các lớp đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược; có 20% trở lên giảng viên giảng dạy được bằng tiếng Anh cho học viên quốc tế; 10-15% giảng viên có chức danh phó giáo sư, phấn đấu có giáo sư; 4-5 giảng viên đạt danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Hằng năm, 100% cán bộ, giảng viên hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 80% trở lên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ...

Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên là một nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng ủy HVQP xác định là một trong ba đột phá nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo. Thực hiện tốt nhiệm vụ này là trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong toàn học viện. Đó cũng là giải pháp có tính nền tảng nhằm bảo đảm cho học viện giữ vững truyền thống “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, sáng tạo”, nâng cao vị thế, uy tín học viện ngang tầm khu vực và quốc tế.

Trung tướng LƯƠNG ĐÌNH HỒNG, Chính ủy Học viện Quốc phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-dung-doi-ngu-can-bo-giang-vien-cap-chien-dich-chien-luoc-ngang-tam-nhiem-vu-644707