Xây dựng đội ngũ cán bộ làm tuyên giáo vững mạnh từ cơ sở
Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác tuyên giáo ở cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo từ cơ sở.
Theo thống kê của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn, tổng số biên chế ban tuyên giáo cấp xã của tỉnh gồm 912 người. Về trình độ chuyên môn, trên đại học có 10 người, đại học có 665 người, cao đẳng 65 người, trung cấp 154 người. Trình độ lý luận chính trị, phần lớn có trình độ từ sơ cấp trở lên, trong đó trình độ trung cấp chiếm số lượng lớn. Tại một số xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn một số ít cán bộ chưa được đào tạo lý luận chính trị; cụ thể, số cử nhân, cao cấp là 10 người, trung cấp có 786 người, sơ cấp 61 người, còn lại là chưa qua đào tạo…
Hiện nay, Ban Tuyên giáo cấp xã chủ yếu do bí thư đảng ủy hoặc phó bí thư đảng ủy kiêm trưởng ban, thành viên còn lại gồm đại diện chính quyền, ngành, đoàn thể nên hoạt động tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, công tác tuyên giáo là lĩnh vực rộng, đa chiều, có nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp… nên hoạt động công tác tuyên giáo ở cơ sở còn gặp không ít khó khăn.
Đồng chí Triệu Thị An, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn cho biết: Thành viên Ban Tuyên giáo đều hoạt động kiêm nhiệm, kinh phí hoạt động không có, việc xây dựng các văn bản, quy chế hoạt động cũng chưa được chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng… điều này gây khó khăn cho công tác tuyên giáo ở cơ sở.
Hiện nay do chưa có quy định về bộ máy tuyên giáo cấp xã, số lượng bộ máy, cơ cấu thành phần chưa thống nhất nên hoạt động tuyên giáo cơ sở gặp không ít khó khăn, hạn chế.
Vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khi thực hiện đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo cơ sở tỉnh Bắc Kạn” đã tiến hành điều tra, khảo sát về thực trạng công tác tuyên giáo ở các xã, phường, thị trấn tỉnh trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát cho thấy, công tác tuyên giáo cơ sở vẫn bộc lộ những hạn chế như: Tổ chức, bộ máy của Ban Tuyên giáo xã, phường, thị trấn chưa thống nhất, đồng bộ, hoạt động chưa đạt hiệu quả; nhận thức, sự quan tâm của một số cấp ủy về công tác tuyên giáo cơ sở còn hạn chế, bất cập; việc thể chế hóa chức năng, nhiệm vụ còn chậm; công tác tham mưu cho các cấp ủy về một số lĩnh vực chưa chủ động, kịp thời; nội dung, phương pháp công tác tuyên giáo cơ sở chậm đổi mới; cách thức phối hợp giữa các lực lượng trong khối tuyên giáo chưa chặt chẽ, thường xuyên…
Một trong những nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ tuyên giáo ở cơ sở chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ tuyên giáo nên khả năng tổng hợp, biên soạn tài liệu, bài viết, bài nói, truyền đạt đến Nhân dân còn khó khăn. Chế độ phụ cấp chưa có, nguồn kinh phí hoạt động hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu còn thiếu, nên hoạt động còn khó khăn.
Trong thời gian tới, ngoài khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, thực tiễn đòi hỏi cần tiếp tục xây dựng, kiện toàn đội ngũ ban tuyên giáo cấp xã, ưu tiên tập trung lựa chọn những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực làm công tác tuyên giáo để tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt chất lượng. Mỗi cán bộ tuyên giáo cơ sở phải thường xuyên học tập, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ./.