Xây dựng đời sống mới từ thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở
Ninh Thuận huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện, đổi mới thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp điều kiện sinh hoạt, đặc thù vùng miền, phong tục tập quán các dân tộc. Qua đó, tỉnh tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện thể thao của nhân dân và góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân
Các huyện, thành phố trên địa bàn Ninh Thuận tập trung quy hoạch, linh hoạt huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thiết chế văn hóa, thể thao.
Tại huyện Ninh Phước, địa phương đưa vào quy hoạch đất cơ sở để xây dựng các công trình thể dục thể thao có diện tích trên 35ha, đất có di tích lịch sử - văn hóa diện tích gần 24ha, đất khu vui chơi, giải trí công cộng có diện tích 0,33ha.
Đến nay, trên địa bàn huyện Ninh Phước có một Trung tâm văn hóa - thể thao và truyền thanh cấp huyện, nhà tập luyện, thi đấu đa năng, nhà hát ngoài trời, 9 Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, 65 nhà văn hóa-khu thể thao thôn, khu phố, 11 thư viện, 26 sân vận động...
Tại các thôn, làng, tổ dân phố, nhà văn hóa cộng đồng trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của người dân. Ông Đàng Chí Quyết, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Quản lý khu phố Bàu Trúc, huyện Ninh Phước chia sẻ, Nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm làng Bàu Trúc có tổng vốn đầu tư 862.000 USD (hơn 19,5 tỷ đồng) được phía Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ kinh phí cùng tỉnh đầu tư xây dựng các hạng mục như, nhà trưng bày, hội trường và khu vực giới thiệu sản phẩm gốm truyền thống, khu nghỉ ngơi cho du khách.
Ông Đàng Chí Quyết cho biết, Nhà sinh hoạt cộng đồng Chăm làng Bàu Trúc là nơi tổ chức sự kiện quan trọng của địa phương. Đây cũng là nơi học sinh, sinh viên, thanh niên người Chăm đến học tiếng dân tộc, tìm đọc sử thi, trường ca, truyền thuyết, lễ nghi tôn giáo, phong tục, tập quán. Đồng thời là địa điểm để các nghệ nhân truyền dạy dân ca, dân vũ và nhạc cụ cổ truyền cho lớp trẻ. Công trình là nơi tổ chức sự kiện giao lưu văn hóa, ẩm thực, giúp du khách trải nghiệm Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhân dân.
Hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh hoàn thành việc quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao xã và nhà văn hóa - khu thể thao thôn, khu phố.
Toàn tỉnh hiện có 25 xã đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao, 40 xã sử dụng hội trường UBND để làm trung tâm văn hóa - thể thao gắn với chức năng là trung tâm học tập cộng đồng; 47 thôn, khu phố có nhà văn hóa; 57 thôn, khu phố sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng; 290 thôn, khu phố sử dụng trụ sở ban quản lý thôn, khu phố phục vụ hoạt động văn hóa của địa phương.
Qua đánh giá, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống tinh thần, thể chất của người dân. Hằng năm, các thiết chế này đã tổ chức hàng nghìn hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo người dân tham gia như, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, tổ chức các cuộc thi, hội thi, lễ hội... Các thiết chế văn hóa, thể thao góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn.
Tiếp tục hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao
Bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở tại tỉnh Ninh Thuận còn một số khó khăn, hạn chế. Đất sử dụng cho xây dựng nhà văn hóa, nhất là sân thể thao của thôn ở các địa phương miền núi, vùng biển, sân vận động các phường không thể mở rộng do không còn quỹ đất hoặc quỹ đất không tập trung. Một số thiết chế văn hóa, thể thao được quy hoạch, xây dựng từ những năm trước nên quy mô nhỏ, nhiều nhà văn hóa xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của người dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ.
Để phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, giai đoạn 2021-2025, Ninh Thuận dành hơn 107,6 tỷ đồng xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 86,1 tỷ đồng phân bổ cho các huyện, thành phố đầu tư công viên, khu vui chơi giải trí, trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, xã, nhà văn hóa thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 21,5 tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên cho biết, để phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần xây dựng đời sống mới ở cơ sở, UBND tỉnh đề nghị, các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ theo bốn nội dung về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy cán bộ và tổ chức các hoạt động. Đặc biệt thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt hưởng thụ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao, vui chơi giải trí, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động quần chúng bằng nhiều biện pháp thiết thực, sinh động, làm cho các tầng lớp nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên quán triệt sâu sắc mục tiêu, ý nghĩa của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở gắn với nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”.
Các địa phương xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể triển khai thực hiện nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ hằng năm; trong đó, chú trọng công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi công cộng.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên rà soát, kịp thời nâng cấp và sửa chữa nhằm nâng cao chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.